Góc nhìn

Kịch bản khủng hoảng của các nền kinh tế mới nổi sẽ không lặp lại?

Ông Robert Parker, cố vấn cấp cao của Ngân hàng Credit Suisse, nhận định khủng hoảng hiện nay không phải là bản sao của các cuộc khủng hoảng trước đây.

Quá khứ sẽ không lặp lại

Để hỗ trợ đồng nội tệ thoát khỏi các cuộc đào rút vốn lớn, chính phủ của các thị trường mới nổi kêu gọi nguồn dự trữ ngoại hối. Tuy nhiên, việc này khiến dư luận nhầm tưởng rằng lịch sử các cuộc khủng hoảng cuối thế kỷ 20 đang lặp lại.

Năm 1991, Ấn Độ phải chuyển toàn bộ vàng dự trữ tới London làm thế chấp cho các khoản vay. Năm 2001, việc đào thoát vốn và rút tiền hàng loạt buộc Argentina phải đóng băng các tài khoản ngân hàng trong nước và tuyên bố vỡ nợ.

Sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ tuyên bố sẽ cắt giảm chương trình kích thích kinh tế, rất nhiều nhà đầu tư đã rút vốn tại các thị trường mới nổi và tăng nguy cơ xảy ra khủng hoảng kinh tế tại các nước này. Ảnh: Bloomberg.

Mặc dù vậy, ông Robert Parker - cố vấn cấp cao của Ngân hàng Credit Suisse nhận định: Khủng hoảng hiện nay không phải là bản sao của các cuộc khủng hoảng trước đây.

Sẵn sàng đối phó

Ấn Độ một lần nữa lại khiến các trang báo của đảo quốc sư tử lo lắng khi đồng rupee nhanh chóng rớt giá, thâm hụt ngân sách và thâm hụt tài khoản vãng lai lớn, lạm phát cao và tăng trưởng tương đối trì trệ.

Một loạt các quốc gia khác như Brazil, Mexico, Indonesia và Thái Lan đều trải qua những áp lực tiền tệ giống như cuộc khủng hoảng đầu những năm 2000.

Tuy nhiên, hầu hết các nền kinh tế mới nổi hiện nay đã thực hiện điều chỉnh cơ cấu cốt yếu nhằm trang bị khả năng đối phó tốt hơn với luồng rút vốn hiện nay.

Do đó, ông Parker khẳng định: "Bản chất các cuộc khủng hoảng là khác nhau”.

Trước đây, các nước bị khủng hoảng thường có thâm hụt tài khoản vãng lai lớn, số lượng các khoản nợ bằng ngoại tệ lớn và thường sử dụng tỷ giá hối đoái cố định.

Có hai yếu tố chính được cho là gây ra sự suy thoái kinh tế thế giới: Thứ nhất, đồng nội tệ mất giá so với đồng đôla, gây khó khăn trong việc đáp ứng các yêu cầu giao dịch. Hệ quả tất yếu là dự trữ ngoại hối bị suy giảm nhanh chóng.

Thứ hai, thâm hụt tài khoản vãng lai và nợ nước ngoài bằng ngoại tệ lớn dẫn đến việc đào thoát vốn ra nước ngoài để mua hàng hóa và thực hiện thanh toán cho vay.

Tháng 5/2013, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ lần đầu tiên công bố chương trình cắt giảm mua bán tài sản từng được sử dụng trước đó để bơm tiền vào nền kinh tế Mỹ. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến cuộc khủng hoảng hiện nay. Quan ngại trước tình hình này, các nhà đầu tư bắt đầu rút vốn từ các thị trường đầu tư trước đó ở châu Á và Nam Phi.

Khủng hoảng hiện nay có nhiều diễn biến mới

Nếu như khủng hoảng trước đây kéo dài trong nhiều thập kỉ, thì hiện nay nó đánh vào các nền kinh tế trên thế giới gần như cùng một khoảng thời gian. 

Bên cạnh đó, hầu hết các nền kinh tế sử dụng tỷ giá hối đoái cố định trong những năm 1990 và đầu những năm 2000 cho phép thả nổi đồng nội tệ của mình. Do đó, trong cuộc khủng hoảng tài chính ở châu Á, sự tăng giá của đồng đôla khiến tiền tệ châu Á mất giá nhiều. 

Tuy nhiên, ông Parker lại cho rằng, việc mất giá tiền tệ hiện nay lại là cơ hội tốt, đặc biệt đối với các nước nhập khẩu hàng hóa như Ấn Độ.

Thủ tướng Ấn Độ - Manmohan Singh nhấn mạnh với báo chí rằng, khoản dự trữ 280 nghìn tỷ USD của Ấn Độ có thể trang trải đủ cho 7 tháng nhập khẩu trong khoảng thời gian này, trái ngược với thời điểm khủng hoảng nhất kéo dài khoảng 3 tuần vào năm 1991.

Trong khi đó, một nền kinh tế rất mạnh khác là Trung Quốc có nguồn dự trữ khoảng 3,4 nghìn tỷ đôla. Nga có khoản dự trữ khoảng 600 tỷ đôla.

Theo ông Parker: "Tiềm lực để bảo vệ và cơ cấu lại nền kinh tế hoàn toàn khác so với những năm 90 của thế kỷ trước".

Điểm khác biệt cuối cùng là các nhà đầu tư không còn đầu cơ vào thị trường mới nổi như trong giai đoạn cuối những năm 1990 và đầu những năm 2000.

"Thập kỉ 90 ghi nhận những khoản đầu cơ rất lớn, phần nhiều là đầu cơ ngắn hạn, vào các thị trường mới nổi. Thời điểm hiện nay, vấn đề này không còn đáng lo ngại nữa", Parker nói.

Dự đoán tương lai

Để bảo vệ đồng nội tệ, một số quốc gia như Brazil và Indonesia đã tăng lãi suất. Tuy nhiên, các ngân hàng trung ương thường chỉ áp dụng biện pháp tăng lãi suất ở mức thấp.

Bên cạnh đó, các quốc gia cũng cố gắng thúc đẩy chính sách khuyến khích đầu tư nước ngoài. Do đó, theo dự đoán, các nhà đầu tư sẽ quay trở lại các thị trường mới nổi trong tháng 10 năm nay.

Bởi vậy, cuộc khủng hoảng đang diễn ra ở Syria, cuộc chiến trong Quốc hội Mỹ về nâng cao giới hạn nợ liên bang và cuộc bầu cử tại Đức (ngày 22/9) mới là các sự kiện lớn khiến thị trường thế giới lo lắng.

Dương Hương
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo