Doanh nhân

Kiểm soát tài sản của doanh nhân để chống tham nhũng?

Dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) vừa được Thanh tra Chính phủ lấy ý kiến rộng rãi tại các tỉnh, thành phía Nam đang gây sự chú ý bổ sung đối tượng kiểm soát là “Người giữ chức vụ lãnh đạo quản lý trong một số tổ chức, doanh nghiệp ngoài Nhà nước”. Liệu các chủ doanh nghiệp (DN) có thoải mái với chuyện kiểm soát này như một “vòng kim cô” mới?

Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh cho biết việc sửa đổi Luật phòng, chống tham nhũng (PCTN) nhằm tạo bước chuyển thực chất trong công tác phòng chống tham nhũng trong thời gian tới.

Lành mạnh hóa doanh nghiệp?

Ông Nguyễn Văn Thanh lưu ý đến việc áp dụng một số biện pháp PCTN ngoài khu vực nhà nước, bao gồm: Thực hiện công khai, minh bạch; minh bạch tài sản, thu nhập; thực hiện chế độ liêm chính; chế độ trách nhiệm người đứng đầu và duy trì chế độ thanh tra, kiểm tra thực hiện pháp luật về PCTN đối với công ty đại chúng, ngân hàng thương mại và quỹ đầu tư.

Trong Dự thảo Luật PCTN (sửa đổi) mà Thanh tra Chính phủ chủ trì soạn thảo, điểm mới đã xuất hiện tại Chương VIII – Xây dựng văn hoá kinh doanh lành mạnh, phi tham nhũng trong DN.

Ông Nguyễn Văn Kim, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Thanh tra Chính phủ, nhận định đây là chương mới được bổ sung tại Dự thảo thể hiện sự nhấn mạnh vai trò của DN trong PCTN, bởi vì việc xây dựng văn hoá kinh doanh lành mạnh, phi tham nhũng có vai trò hết sức quan trọng đối với cả khu vực nhà nước và ngoài nhà nước.

Vì vậy, theo ông Nguyễn Văn Kim, Dự thảo quy định trách nhiệm của DN trong việc xây dựng quy tắc ứng xử, cơ chế kiểm soát nội bộ nhằm phòng ngừa tham nhũng trong DN của mình (Điều 110). Xác định trách nhiệm của DN trong PCTN (Điều 111). Kiểm soát tài sản, thu nhập của người lãnh đạo, quản lý DN ở Điều 112.

Dự thảo luật phòng chống tham nhũng

Dự thảo Luật PCTN (sửa đổi) đề cập đến chế độ thanh tra, kiểm tra thực hiện pháp luật về PCTN đối với quỹ đầu tư, công ty đại chúng, ngân hàng thương mại.

Điều 112 đang thực sự là vấn đề gây sự chú ý của giới doanh nhân hiện nay. Cụ thể, ở mục 2 của Điều 112 có nêu rõ “Người giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Giám đốc, Trưởng ban kiểm soát, Kế toán trưởng của công ty đại chúng, tổ chức tín dụng, quỹ đầu tư có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập”.

Vấn đề này đang tạo ra nhiều luồng ý kiến khác nhau. Một số cơ quan nội chính, thanh tra, chuyên trách về phòng chống tham nhũng ở các địa phương phía Nam khi được Thanh tra Chính phủ tham vấn về các điểm mới đã bày tỏ sự đồng tình, ủng hộ.

Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến từ giới luật sư, doanh nhân bày tỏ sự không đồng tình. Phát biểu trên một tờ báo, luật sư Lê Thành Kính, Trưởng văn phòng Luật sư Lê Nguyễn, cho rằng doanh nhân có nhiều nguồn thu nhập và Nhà nước đã kiểm soát thu nhập của họ thông qua cơ quan quản lý thuế rồi.

Cần tránh “vòng kim cô”

Theo luật sư Lê Thành Kính, nếu muốn phòng chống tham nhũng thì nên đưa ra những quy định để hạn chế hành vi hối lộ quan chức của doanh nhân chứ đừng buộc doanh nhân kê khai tài sản, vì như thế là xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của họ.

Theo luật sư Bùi Quang Nghiêm, Văn phòng Luật sư Nghiêm và Chính, cơ quan quản lý nhà nước đã có công cụ thuế để kiểm tra, kiểm soát hết rồi, cho nên tài sản cá nhân của các chủ DN không liên quan gì đến Nhà nước nên không cần phải bắt họ kê khai, quản lý.

Về phía chủ DN, cũng có những điều lo lắng. Họ lo ngại nếu quy định này được luật hóa trong Luật PCTN (sửa đổi), nếu các hành vi luật giám sát không được định nghĩa một cách rõ ràng, cụ thể thì sẽ quàng thêm một “vòng kim cô” vào cổ doanh nhân và dễ dẫn đến nguy cơ bị lực lượng thoái hoá từ các cơ quan quản lý kiếm cớ nhũng nhiễu DN.

Lý giải về việc mở rộng phạm vi điều chỉnh Luật PCTN sang khu vực công ty đại chúng, ngân hàng thương mại và quỹ đầu tư, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh cho rằng đây là nhóm chủ thể mà trong cơ chế quản trị và điều hành có sự phân tách rõ ràng giữa chủ sở hữu và người quản lý, đặc biệt là về lợi ích và đây chính là yếu tố dẫn đến nguy cơ lợi dụng chức vụ, quyền hạn của người quản lý.

Cũng theo ông Thanh, việc lành mạnh hoá nhóm chủ thể này có tác động lớn đến sự phát triển bền vững của nền kinh tế, phù hợp với định hướng đổi mới kinh tế ở nước ta hiện nay.

“Đối với các tổ chức, DN ngoài nhà nước khác, Luật đưa ra quy định mang tính nguyên tắc về PCTN để thực hiện cho phù hợp với đặc thù hoạt động kinh doanh và quy định chế độ thanh tra, kiểm tra theo thẩm quyền quản lý ngành, lĩnh vực” – ông Nguyễn Văn Thanh chia sẻ.

Lãnh đạo Thanh tra Chính phủ cũng thừa nhận các quan điểm cho rằng việc tiếp cận PCTN trong khu vực ngoài nhà nước theo Dự thảo là chưa triệt để và quan điểm khác lại cho rằng chưa cần đề cập đến PCTN ngoài khu vực nhà nước. Vì vậy, cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ xin ý kiến của Chính phủ về vấn đề này.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo