Kiểm toán: Gửi hồ sơ một số vụ sang cơ quan điều tra
Kiểm toán Nhà nước (KTNN) vừa công bố kế hoạch kiểm toán năm 2014, với 185 cuộc. Theo ông Lê Minh Khái, Phó tổng KTNN, năm 2014 sẽ tập trung kiểm toán lĩnh vực đất đai và tài chính. Đây là hai lĩnh vực nhạy cảm, có nhiều sai phạm, thậm chí đã gửi hồ sơ sang cơ quan công an để điều tra, làm rõ.
Trong kế hoạch của mình, KTNN nhấn mạnh, việc kiểm toán chuyên đề về quản lý, sử dụng và thu tiền sử dụng đất là nội dung xuyên suốt, bắt buộc. “Bắt buộc” ở đây được hiểu thế nào, thưa ông?
Đất đai là tài sản vô cùng quan trọng và có giá trị đặc biệt lớn. Việc quản lý, sử dụng đất đai và thu tiền sử dụng đất là nội dung được các đại biểu Quốc hội cũng như dư luận xã hội hết sức quan tâm và có nhiều ý kiến cho rằng, việc quản lý, sử dụng đất chưa hiệu quả, lãng phí, thậm chí còn dẫn đến tiêu cực.
Chính vì vậy, năm 2014, chúng tôi xác định, việc kiểm toán chuyên đề về quản lý, sử dụng và thu tiền sử dụng đất là nội dung xuyên suốt “bắt buộc” trong các cuộc kiểm toán ngân sách, tiền và tài sản nhà nước tại 14 bộ, ngành, cơ quan Trung ương và 35 tỉnh, thành phố.
Tôi muốn nói thêm rằng, từ “bắt buộc” chúng tôi để trong ngoặc kép hàm ý rằng, trong 49 cuộc kiểm toán kể trên, bên cạnh việc kiểm toán ngân sách, tiền và tài sản nhà nước, cơ quan kiểm toán còn lồng ghép việc kiểm toán quản lý, sử dụng và thu tiền sử dụng đất.
Đây là nội dung xuyên suốt tại tất cả các cuộc kiểm toán trong năm nay.
Kiểm toán tập đoàn, tổng công ty và các ngân hàng thương mại nhà nước phục vụ tái cơ cấu nền kinh tế là nội dung đã được KTNN xác định. Thế nhưng năm nay, ngoại trừ MHB, vì sao KTNN không thực hiện kiểm toán 4 ngân hàng thương mại nhà nước còn lại?
Năm 2013, chúng tôi đã thực hiện kiểm toán Vietcombank, VietinBank, Agribank. Trước đó, năm 2012, BIDV cũng đã được kiểm toán. Hiện chỉ còn Ngân hàng TMCP Phát triển nhà Đồng bằng sông Cửu Long (MHB) là chưa được kiểm toán. Do nhân lực có hạn, nên năm nay, chúng tôi chỉ tập trung kiểm toán MHB.
Đối với 4 ngân hàng còn lại, chúng tôi chỉ tập trung kiểm toán các công ty cho thuê tài chính trực thuộc, do trước đây chưa có điều kiện kiểm toán kỹ.
Như vậy có thể hiểu, năm nay, KTNN sẽ “làm kỹ” đối với lĩnh vực tài chính, thưa ông?
Đúng vậy, ngoài kiểm toán 5 công ty cho thuê tài chính trực thuộc Vietcombank, VietinBank, Agribank và BIDV, chúng tôi sẽ tập trung kiểm toán 5 định chế tài chính khác là Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), Tập đoàn Bảo Việt, Tổng công ty cổ phần Bảo Minh, Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Petrolimex và Công ty Mua bán nợ Việt Nam (DATC) để xem việc quản lý vốn, tài sản, đầu tư, huy động, cho vay tại các định chế này có vi phạm các quy định của Nhả nước không.
Lĩnh vực tài chính rất nhạy cảm, ảnh hưởng tới nhiều doanh nghiệp khác và trên thực tế, khi kiểm toán nhiều công ty tài chính trực thuộc tập đoàn, tổng công ty và công ty cho thuê tài chính trực thuộc ngân hàng thương mại, chúng tôi đã phát hiện khá nhiều vi phạm, thậm chí là sai phạm dẫn đến mất vốn, như Công ty Cho thuê tài chính trực thuộc Agribank đã được tòa án tuyên án những người vi phạm, hay Công ty Tài chính Sông Đà đã gửi hồ sơ sang cơ quan công an để điều tra, làm rõ vi phạm… Vì vậy, việc lựa chọn lĩnh vực tài chính để kiểm toán trong năm nay là hoàn toàn phù hợp.
Qua 150 cuộc kiểm toán năm 2013, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính trên 22.778 tỷ đồng. Ông nói gì về kết quả này?
Cụ thể, năm 2013, chúng tôi thực hiện 151 cuộc kiểm toán, đã có kết luận 150 cuộc, kiến nghị xử lý tài chính 22.778 tỷ đồng, trong đó, tăng thu 4.014,4 tỷ đồng; giảm chi 5.290,8 tỷ đồng. Đáng nói là, các khoản nợ đọng phát hiện tăng thêm so với báo cáo của cơ quan quản lý thu ngân sách nhà nước 2.587,5 tỷ đồng…
Con số chúng tôi kiến nghị xử lý tài chính năm 2013 tăng khoảng 8.000 tỷ đồng so với năm 2012 không đồng nghĩa với việc các đơn vị, cơ quan quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước ngày càng vi phạm nhiều hơn, mà do năm 2013, chúng tôi lựa chọn nhiều tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng thương mại có quy mô lớn để kiểm toán.
Ông có thể giải thích rõ hơn?
Bình quân mỗi năm, chúng tôi kiến nghị xử lý tài chính 12.000 - 14.000 tỷ đồng, cũng có năm số kiến nghị xử lý lên tới 15.000 - 17.000 tỷ đồng, riêng năm 2013 là hơn 22.778 tỷ đồng. Nguyên nhân là do chúng tôi ngày càng kiên quyết hơn trong việc kiến nghị xử lý đơn vị vi phạm; kinh nghiệm, trình độ, kỹ năng của kiểm toán viên được nâng cao hơn; văn bản, quy phạm pháp luật đầy đủ, đồng bộ hơn và quan trọng là quy mô các cuộc kiểm toán lớn hơn.
Tôi xin nhấn mạnh rằng, việc kiến nghị xử lý tài chính cao không đồng nghĩa với việc chấp hành quy định pháp luật trong việc quản lý, sử dụng, đầu tư vốn và tài sản nhà nước của các đơn vị, cơ quan, doanh nghiệp, ngân hàng ngày càng thấp đi.
Theo Đầu Tư
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo