Doanh nhân

Kiếm triệu USD nhờ những ý tưởng kinh doanh độc, lạ

Chỉ cần để ý, thêm một chút lanh trí và quyết đoán, nhiều người có thể biến sự nhỏ nhặt đó thành một công cụ hái ra tiền..

Ai cũng mơ ước trở thành tỷ phú như Bill Gates, Larry Ellison, Steve Jobs hay Mark Zuckerberg, nhưng nếu ai cũng có thể xuất sắc như họ thì đó không còn là thế giới và mọi ước nguyện đều trở nên vô vị. 

Tuy nhiên, có những người mà sự giàu sang của họ lại xuất phát từ những câu chuyện nhỏ nhặt trong đời sống hàng ngày. Chỉ cần để ý, thêm một chút lanh trí và quyết đoán, nhiều người có thể biến sự nhỏ nhặt đó thành một công cụ hái ra tiền. 

Không ít người từng đặt câu hỏi "ý tưởng kinh doanh ở đâu?" và mải miết đi tìm một sáng kiến, song những câu chuyện nhỏ dưới đây có thể khiến mọi người ồ lên rằng "ý tưởng kinh doanh thì ra đơn giản là vậy".



Chỉ cần để ý, thêm một chút lanh trí và quyết đoán, nhiều người có thể biến sự nhỏ nhặt đó thành một công cụ hái ra tiền. Ảnh minh hoạ
 

1. Chiếc tất quần không chân 

Vào một tối, Sara Blakely cắt rời phần thân dưới chiếc tất quần và ý tưởng Spanx ra đời. Với số tiền tiết kiệm 5.000 USD, Blakely đã nghiên cứu và xin cấp bằng sáng chế cho chiếc chiếc tất quần không chân. Sau đó, chị lái xe đi khắp bang Bắc Carolina để đề nghị chủ các nhà máy sản xuất sản phẩm cho chị. Hầu hết các chủ xưởng đã nói với chị rằng, sản phẩm này nếu làm ra sẽ không bao giờ bán được, nhưng một người đã cho cô cơ hội, biến "ý tưởng điên rồ" của Blakely thành hiện thực.



Vào một tối, Sara Blakely cắt rời phần thân dưới chiếc tất quần và ý tưởng Spanx ra đời.
 

Năm 2000, mẫu thiết kế của chị được hoàn thiện và Blakely bắt đầu mở gian hàng riêng tại sau lưng căn hộ của mình. Trong ba tháng đầu tiên, chị đã bán được hơn 50.000 sản phẩm. Hiện tại, "ý tưởng điên rồ" của Blakely đã phát triển mạnh. Spanx đã phát triển thành nhiều sản phẩm khác nhau, bao gồm quần áo lót bó gọn người, đồ tắm và đồ dạo phố. Theo số liệu công bố gần đây nhất của công ty này là vào năm 2008, doanh số bán lẻ ước khoảng 350 triệu USD. 

2. Nữ hoàng thùng carton  

Zhang Yin từng là người giàu nhất tại Trung Quốc. Năm 2010, bà là nữ tỷ phú tự thân giàu nhất thế giới với tài sản trên 4,6 tỷ USD. 



Không giống như những tỷ phú khác làm giàu từ truyền thông, bất động sản, dầu mỏ hay xây dựng, Zhang Yin kiếm tiền từ những thùng carton.
 

Không giống như những tỷ phú khác làm giàu từ truyền thông, bất động sản, dầu mỏ hay xây dựng, Zhang Yin kiếm tiền từ những thùng carton. Sự nghiệp của bà trở thành niềm mơ ước của nhiều người, đặc biệt là những người bán hàng rong.  Zhang Yin khởi nghiệp với 3.800 USD tiền tiết kiệm. Logic của bà rất đơn giản: Trung Quốc đang trở thành một nhà xuất khẩu toàn cầu, hiển nhiên mọi thứ vận chuyển đều phải được đóng vào thùng carton.  

Vì vậy, bà đã mua giấy cứng bỏ đi từ Mỹ và tái chế thành thùng carton để vận chuyển hàng hóa Trung Quốc. Zhang mua được giấy từ Mỹ với giá rẻ và biến chúng trở thành những sản phẩm giá trị cao rồi bán trở lại Mỹ. Công ty của Zhang, Nine Dragons Paper Holdings, đang bán cho mọi người những thứ làm từ chính thùng rác của họ.  

3. Gối ôm hình thú cưng 

Ý tưởng về chiếc gối ôm hình thú cưng đến với Jennifer Telfer khi chị để ý thấy cậu con trai bé bỏng của mình cố đè những con thú nhồi bông xuống để biến thành chiếc gối. Telfer đã nảy ra sáng kiến làm những con thú nhồi bông nhưng có thể dùng được như gối ôm.



Ý tưởng về chiếc gối ôm hình thú cưng đến với Jennifer Telfer khi chị để ý thấy cậu con trai bé bỏng của mình cố đè những con thú nhồi bông xuống để biến thành chiếc gối.

 

Telfer và chồng - anh Clint, quyết định bán buôn các sản phẩm của mình vào năm 2003 thông qua công ty CJ Products của họ. Chị đã đưa sản phẩm của mình tới bán ở một ki-ốt trong trung tâm thương mại nhân kỳ nghỉ và sau đó là tại một cuộc triển lãm trong hai tuần sau lễ Giáng sinh. Sản phẩm này sau đó đã phát triển bùng nổ trên thị trường, mang về cho Telfer 300 triệu USD trong năm 2010.

 

4. Ông hoàng đĩa nhạc cũ 

 

Richard Branson, tỷ phú giàu thứ 6 tại Anh, khởi nghiệp bằng việc bán đĩa. Tập đoàn Virgin nổi tiếng khởi nguồn là cửa hàng bán đĩa được đặt ở thùng sau của một chiếc xe tải. Khi đó, chàng trai trẻ Richard điều hành cửa hàng đĩa với những album giảm giá. Đây là những album khó bán mà các cửa hàng bán lẻ bán lại với giá rất rẻ, thậm chí chỉ vài penny. Richard tin rằng mình có thể mua lại những album này và tân trang chúng rồi bán lại với giá cạnh tranh so với các cửa hàng đắt tiền. Đó là khởi đầu của một trong những người giàu nhất thế giới, nhà thám hiểm đại dương, nhà sáng lập công ty du hành vũ trụ, hãng hàng không…



Richard Branson, tỷ phú giàu thứ 6 tại Anh, khởi nghiệp bằng việc bán đĩa. 

 

5. Thư từ ông già tuyết

 

Byron Reese mở công ty SantaMail.org nhằm mục đích gửi thư riêng cho từng em nhỏ với địa chỉ người gửi là từ Santa Claus, Bắc Cực, Alaska (Mỹ). Reese đã bán cho các bậc phụ huynh 10.000 lá thư như thế vào năm 2001 và tính đến nay là 200.000 chiếc. Hiện người ta biết đến Reese như là “kẻ giả danh Santa với 1 triệu USD/năm”. 



Byron Reese mở công ty SantaMail.org nhằm mục đích gửi thư riêng cho từng em nhỏ với địa chỉ người gửi là từ Santa Claus, Bắc Cực.

6. Ăng-ten chảo online 

Nhiều người cho rằng bạn không thể bán ăng-ten chảo trực tuyến. Và nếu có bán thì lợi nhuận cũng chẳng đáng là bao. Nhưng Jason Wall vẫn kiếm tiền triệu nhờ Antennaballs.com với hơn 500.000 sản phẩm được tiêu thụ mỗi tháng.

 

7. Hộp card luyện tập 

Năm 2004, Phil Black bắt đầu tạo hộp FitDeck chứa thẻ in hình minh họa tư thế tập thể dục và bán với giá 18,95 USD. Nhiều người đã nghĩ rằng ý tưởng kinh doanh này sẽ sớm thất bại và bị lãng quên. Thế nhưng, doanh thu năm ngoái của FitDeck.com đạt 4,7 triệu USD.

 

8. Hẹn hò dương tính 

Paul Graves và Brandon Koechlin thấu hiểu sự khó khăn khi tìm bạn trong cộng đồng người nhiễm HIV. Do vậy, năm ngoái họ xây dựng website kết bạn PositivesDating.com cho những người như thế và thu về 110.000 USD. Koechlin tin rằng số thành viên sẽ đạt 50.000 sau 2 năm hoạt động. 

9. Túi đựng tã trẻ em

Christie Rein, 34 tuổi, mệt mỏi mỗi khi mang tã cho con trong chiếc túi ướp lạnh và phải tránh cho chúng khỏi bị bẹp khi đặt vào túi xách của cô. Rein muốn một thứ gì đó nhỏ gọn, kiểu dáng đẹp và bắt mắt. Vì thế, tháng 11/2004, cô bàn với chồng thiết kế túi đựng đủ chứa 2 – 4 chiếc tã rồi đem chào hàng trên Internet. Công ty Diapees & Wipees (diapeesandwipees.com) ra đời với doanh thu 180.000 USD năm 2005.

 

10. Xe không bàn đạp 

Khi con trai tròn 2 tuổi, Ryan McFarland (South Dakota, Mỹ) mua cho cậu bé một chiếc xe ba bánh và xe đạp gắn 2 bánh phụ. Tuy nhiên, sự hào hứng của anh nhanh chóng chuyển thành giận dữ khi thấy con trai vất vả với cân nặng và sự phức tạp của loại xe gắn mác "dành cho trẻ em".



McFarland với chiếc xe đạp không chân.
 

Vì thế, McFarland - một tay đua xe cào cào (dirt bike) đã nghĩ đến việc cải tiến mẫu xe truyền thống để phù hợp hơn với con mình. Ban đầu, anh tính khoan lỗ hoặc cắt bỏ vài phần. Nhưng sau đó, McFarland nảy ra ý tưởng gỡ bỏ luôn phần bàn đạp. Chiếc xe sẽ chỉ đơn thuần chạy bằng sức đẩy của chân. 

Sau khi bỏ bàn đạp, anh có thể hạ thấp trọng tâm của xe, khiến việc di chuyển vững chắc hơn. Bên cạnh đó, con trai anh có thể ngồi lên xe với cả hai chân chạm đất, giúp cậu bé hoàn toàn làm chủ tốc độ. Cậu có thể bước từng bước khi đi chậm, chạy để tăng tốc hoặc co cả hai chân lên khi trượt dốc. Thiết kế này giúp người lái điều khiển được cả thăng bằng và tốc độ. 

Từ đó, mẫu xe mới mang tên Strider đã ra đời. Năm 2007, McFarland thành lập công ty Strider Bikes, và việc kinh doanh lên như diều gặp gió. Anh đã bán được hơn 695.000 sản phẩm, thu về 10 triệu USD năm ngoái. Hồi tháng 2, Strider đã chuyển đến một địa điểm rộng 2.415 m2 với 32 nhân viên.

11. Dịch vụ... dọn phân chó 

Có lẽ Matthew Osborne không bao giờ từng nghĩ rằng có một ngày ông sẽ trở thành triệu phú. Trở lại thời điểm năm 1987, khi Osborn bắt đầu mở công ty Pet Butler – chuyên nhận trông nom, chăm sóc các loại vật nuôi tại Columbus, bang Ohio, Mỹ. Ông có một vợ và hai con, tuy nhiên, nhưng chỉ với số tiền 6 USD/1 giờ làm việc, ông không thể nuôi sống nổi gia đình mình.



Osborn đã trở nên giàu có nhờ một công việc mới của mình: dịch vụ dọn phân chó.
 

Tưởng chừng như tuyệt vọng, nhưng Osborn nhanh chóng nhận ra rằng, phần lớn các gia đình quanh khu vực ông ở đều hay kêu ca, phàn nàn về việc thường xuyên dẫm phải phân chó hoặc phải dọn dẹp chúng, và Osborn đã bắt tay vào một công việc mới của mình: dịch vụ dọn phân chó. Dịch vụ kinh doanh này thành công ngay lập tức. Một mình Osborn không kham nổi hết mọi công việc, và ông đã phải thuê 7 nhân viên cùng một đội 6 xe tải, để phục vụ khoảng 700 khách hàng thường xuyên. Sau đó vài năm, ông bán lại công ty Pet Bulter cho Matt Boswell và bắt đầu công việc kinh doanh khác nhưng vẫn từ ý tưởng trên: viết một cuốn sách về việc làm thế nào để bắt đầu công việc dọn dẹp chất phế thải vật nuôi và rao bán trên Internet.

 

12. Dây chuyền sản xuất chạc xương đòn của gà Tây bằng nhựa 

Nếu có ai từng đặt câu hỏi rằng: “Liệu có thị trường tiêu thụ cho những chiếc chạc xương đòn của gà Tây bằng nhựa hay không?”, thì người đó chắc chắn không phải ai khác ngoài Ken Ahroni.



Ken Ahroni đã quyết định thành lập công ty sản xuất chạc xương đòn gà Tây Lucky Break và kiếm triệu đô mỗi năm nhờ công việc này!
 

Hàng năm, vào dịp Lễ tạ ơn ở các nước phương Tây, mọi người thường sử dụng xương đòn của gà Tây để cùng cầu nguyện trước bữa ăn. Tuy nhiên, 1 chiếc chạc xương đòn chỉ sử dụng được cho hai người, và nếu gia đình bạn có 6 người thì bạn sẽ phải làm thịt.. 3 con gà Tây mới có đủ số lượng xương đòn mình cần. 

Nắm bắt được nhu cầu cấp thiết này, Ken Ahroni đã quyết định thành lập công ty sản xuất chạc xương đòn gà Tây Lucky Break. Hiện tại, công ty của Ken Ahroni làm ăn rất phát đạt, hơn 30.000 chiếc chạc xương đòn được bán ra mỗi ngày, và doanh thu hàng năm ước tính 2,5 triệu USD.

 

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo