Kinh doanh rau sạch: nước lên thuyền lên
Tìm sâu trong vườn rau của ông nội. Ảnh Phạm Thái
Tự cung tự cấp
Hơn một năm nay, chị Thái An, nhà ở quận Bình Thạnh, TPHCM, đã tận dụng khoảng sân trước nhà để trồng rau cải, mướp đắng, rau mầm, tự cung cấp rau cho các bữa ăn gia đình gồm bốn miệng ăn. Chị thường mua giống rau từ các siêu thị hay cửa hàng bách hóa về tự gieo trồng ở nhà. Chị An chia sẻ, dù biết công chăm sóc cộng tiền giống cũng gần bằng mua ở ngoài chợ, có khi đắt hơn, nhưng tự trồng để ăn thì có cảm giác an toàn hơn.
Mảnh đất chỉ hơn 10 mét vuông của chị không chỉ cung cấp đủ rau cho gia đình chị mà còn có dư để biếu bà con họ hàng. Học theo cách làm của chị, một số gia đình trong khu phố cũng đã thực hiện tự cung tự cấp rau xanh cho gia đình họ.
Với chị Thu Hải, sau khi chứng kiến một người hàng xóm bị ngộ độc từ rau ăn mua ngoài chợ bị nhiễm quá nhiều thuốc trừ sâu, nên suốt hai năm qua, hàng tuần, chị đều nhờ người thân ở Đà Lạt chuyển các loại rau củ như súp lơ, xà lách, cà chua… xuống thành phố để dùng. Nhưng mới đây, để thuận tiện hơn, chị cùng với ba người bạn hùn tiền lập một dàn trồng rau thủy canh để hàng ngày có rau sạch ăn. Theo Công ty Thủy canh Sài Gòn, đây là mô hình trồng rau tại gia đang được nhiều hộ gia đình sống trong các chung cư áp dụng. Chỉ cần sân thượng có diện tích khoảng 2 mét vuông là có thể trồng một lúc nhiều loại rau khác nhau.
Ăn nên làm ra
Theo Công ty Hà Nội Xanh, để đáp ứng xu hướng trồng rau sạch tại gia, công ty không chỉ cung cấp các loại giống rau ăn lá (như rau muống, xà lách…) của Việt Nam mà còn nhập các loại giống rau ăn lá, ăn củ (như củ cải đỏ, đậu Hà Lan…) từ châu Âu kèm với giá thể, đất sạch. Nhờ nguồn giống dồi dào này mà công ty có tốc độ tăng trưởng trên 30%/năm. Cách tiếp cận nhu cầu khách hàng của công ty là quảng cáo sản phẩm trên các trang thương mại điện tử miễn phí. Những người làm việc văn phòng vốn dành nhiều thời gian sử dụng Internet là đối tượng khách hàng rất tiềm năng, họ có thể đặt hàng qua mạng.
Đây cũng là cách mà một số trại cây giống đang áp dụng để mở rộng phạm vi bán hàng thay vì chỉ bán cho người địa phương. Đơn cử như Trại cây giống Tân Chánh Hiệp ở quận 12, TPHCM. Hiện trại này đang “cháy” giống ổi sai trái trồng trong chậu. Theo lời giới thiệu, chỉ sau 3-6 tháng trồng, cây giống này cho trái ổi to (khoảng 2-3 trái/ki lô gam), ít hạt và giòn hơn các loại ổi khác, và chỉ 7-10 ngày sau đó là cho thu hoạch lứa mới. Ngoài việc bán giống rau, cây ăn trái trồng trong chậu, Tâm Chánh Hiệp còn giới thiệu kỹ thuật, cách chăm sóc cây theo kiểu “hỗ trợ trọn gói” để thu hút những khách hàng mới lần đầu trồng rau. Bên cạnh đó, để tăng tính thuyết phục, chủ trại còn mời khách hàng đến tham quan tại vườn trước khi quyết định mua giống. Điều này cũng vì lo ngại người mua có thể nhầm giống, ảnh hưởng đến uy tín của trại. Hiện khách hàng của trại giống Tân Chánh Hiệp đã trải dài từ Yên Bái đến Cần Thơ, Cà Mau.
Ngoài ra, khách hàng có thể truy cập vào Facebook của Hoang Long Garden để dễ dàng tìm thấy hơn 50 loại giống rau ăn lá, ăn trái khác nhau cùng hình ảnh các loại cây trồng này, và nếu muốn, khách có thể đặt hàng qua mạng.
Nhờ Internet mà những khách hàng muốn tự trồng rau ăn chỉ cần gõ cụm từ “bán hạt giống rau” là có thể dễ dàng tìm thấy nhiều địa chỉ bán các loại giống rau khác nhau với mức giá từ 10.000-20.000 đồng cho một gói hạt giống nặng 10-20gam. Với mức giá không quá cao này, những doanh nghiệp, cơ sở nhỏ như Hoàng Long hay Hà Nội Xanh một lúc có thể bán được nhiều hàng hơn do khách hàng có tâm lý một khi đã đặt hàng qua mạng thì mua luôn một lúc vài trăm ngàn đồng tiền giống để trồng ăn dần. Trong khi đó, nếu mua trực tiếp ở cửa hàng, thường khách chỉ mua một lần một vài gói.
Khi vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm trên các loại rau vẫn còn tiếp tục khiến người tiêu dùng e ngại mỗi khi đi chợ thì các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh giống vẫn còn nhiều cơ hội ăn nên làm ra theo kiểu nước lên thuyền lên.
End of content
Không có tin nào tiếp theo