Phân tích

Kinh tế 2015 phục hồi rõ nét, tình hình doanh nghiệp cải thiện

(DNVN) - Tại báo cáo mới đây, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia (UBGSTCQG) nhận định, do các yếu tố sản xuất gia tăng, tốc độ tăng trưởng dài hạn tăng lên rõ rệt từ năm 2014 nên năm 2015, tăng trưởng GDP ước đạt 6,6%, cao hơn nhiều so với kế hoạch đầu năm (6,2%).

Theo UBGSTCQG, động lực chính cho tăng trưởng trong năm 2015 là công nghiệp với chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 9,8-10% so với năm 2014 (năm 2014 tăng 7,6%). Năm 2015, doanh nghiệp đăng ký thành lập tăng mạnh về cả số lượng và vốn đăng ký, tương ứng tăng 26,6% và 39,1% so với 2014.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng (đã loại trừ yếu tố giá) tăng khoảng 10,6-10,8%, là mức cao nhất trong 5 năm qua. Chỉ số niềm tin tiêu dùng - CCI tháng 12/2015 do Ngân hàng ANZ công bố, ở mức 144,8 điểm tăng 9,2 điểm so với cùng kỳ năm 2014 và ở mức cao nhất kể từ đầu năm 2014.

Kinh tế 2015 phục hồi rõ nét, tình hình doanh nghiệp cải thiện. Ảnh minh họa.

Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát thấp. Theo đó, năm 2015, lạm phát ở mức 0,6%, thấp nhất kể từ năm 2001. Lạm phát thấp trong năm 2015 không phản ánh tổng cầu yếu khi tiêu dùng gia tăng do giá hàng hóa thế giới giảm mạnh. Giá thế giới giảm đã ảnh hưởng trực tiếp đến giá tiêu dùng trong nước, khiến lạm phát (tổng thể) thấp hơn lạm phát cơ bản.

Lạm phát cơ bản năm 2015 ở mức 2%, cao hơn 1,4 điểm % so với lạm phát. Đồng thời, giá thế giới giảm cũng làm giảm chi phí sản xuất trong nước, gián tiếp làm giảm lạm phát. Thông qua chỉ số giá sản xuất hàng công nghiệp, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia ước chi phí sản xuất của nền kinh tế giảm 3,7% trong năm 2015.

Việc thực hiện tái cơ cấu kinh tế đạt những kết quả bước đầu, môi trường kinh doanh có sự cải thiện, hội nhập kinh tế quốc tế được đẩy mạnh. Tái cơ cấu đầu tư công góp phần tăng hiệu quả sử dụng vốn đầu tư toàn xã hội với hệ số ICOR giảm từ 6,4 của thời kỳ 2008-2012 xuống 5,6 (năm 2013), 5,2 (năm 2014) và 4,62 (năm 2015). 

Tái cơ cấu ngân hàng giúp hệ thống ổn định thanh khoản, tăng trưởng tín dụng tốt, cơ cấu tín dụng chuyển dịch theo hướng giảm các khoản vay ngắn hạn, khả năng sinh lời cải thiện, trích lập dự phòng rủi ro tăng.

Năm 2015 là năm thứ hai liên tiếp xếp hạng về năng lực cạnh tranh và điều kiện kinh doanh được cải thiện, xếp hạng năng lực cạnh tranh tăng từ 75 (năm 2013) lên 70 (năm 2014) và 68 (năm 2015); xếp hạng điều kiện kinh doanh tăng từ 99 (năm 2013) lên 93 (năm 2014) và 90 (năm 2015). Kết quả trên trước hết nhờ việc triển khai thực hiện các luật mới, như: Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư sửa đổi, và các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh theo tinh thần Nghị quyết số 19/NQ-CP. Các hiệp định thương mại được kí kết trong năm 2015 sẽ có hiệu lực trong năm 2016, giúp mở rộng thị trường cho hàng xuất khẩu.

 

Chỉ ra những hạn chế còn tồn tại, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cho rằng, tình hình doanh nghiệp mặc dù cải thiện nhưng chưa hết khó khăn nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa và doanh nghiệp trong nước. Phần lớn những doanh nghiệp phải dừng hoạt động hoặc giải thể, phá sản trong năm 2015 là doanh nghiệp quy mô nhỏ có vốn đăng ký dưới 10 tỷ đồng. Doanh nghiệp trong nước cũng gặp khó khăn trong xuất khẩu khi trong năm 2015 xuất khẩu của khu vực này ước giảm 2,6%; so với mức tăng 11,5% (xuất khẩu ngoài dầu) của khu vực nước ngoài.

Dư địa cho hỗ trợ sản xuất, kinh doanh của chính sách tài khóa cũng như tiền tệ không còn nhiều, cân đối khó khăn, áp lực nợ công tăng hạn chế khả năng giảm thuế cũng như tăng chi đầu tư của ngân sách Nhà nước (NSNN). Do giá dầu thế giới giảm mạnh trong năm 2015, NSNN thu từ dầu thô giảm 34% so với dự toán, trong khi vẫn phải duy trì chi đầu tư phát triển để đảm bảo tổng vốn đầu tư toàn xã hội cũng như chi đảm bảo an sinh xã hội. Do đó, bội chi NSNN năm 2015 vẫn ở mức 5% GDP và nợ công tăng từ 58% GDP năm 2014 lên dự kiến 61,3% GDP.

Chính sách tiền tệ chịu áp lực từ xu hướng tăng lãi suất. Theo đó, lãi suất bắt đầu chịu sức ép từ năm 2015 do cầu về tín dụng tăng cao hơn năm 2014. Theo Ngân hàng Nhà nước, tín dụng tăng trưởng khoảng 18% trong năm 2015, cao hơn hẳn mức 14,2% trong năm 2014. Lợi suất trái phiếu Chính phủ cũng có xu hướng tăng từ tháng 3/2015 và chưa có dấu hiệu giảm tính đến cuối năm 2015.

Nên đọc
Văn Hải
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo