Giải bài toán tiêu thụ nông sản trên nền tảng số
Ứng dụng blockchain là giải pháp chuyển đổi số hữu ích cho các doanh nghiệp tại Hà Nội / Tầm quan trọng của chuyển đổi số với các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Hà Nội
Nhiều trở ngại
Xúc tiến tiêu thụ nông sản nói riêng, tiêu thụ hàng hoá nói chung trên các nền tảng số, mạng xã hội đang minh chứng hiệu quả và phù hợp với thời đại số hiện nay.
Trong đó, hình thức livestream được coi là xu thế, nhận được rất nhiều sự quan tâm của các doanh nghiệp, hợp tác xã và bà con nông dân.
Tại tọa đàm "Xúc tiến tiêu thụ nông sản trên nền tảng số: Bắt nhịp xu hướng" diễn ra mới đây, ông Trần Thanh Bình - Phó Tổng giám đốc phụ trách đầu tư, Liên hiệp hợp tác xã OCOP Việt Nam cho biết, một hợp tác xã ở Hải Dương từng bán được 50 tấn vải thiều qua 1 buổi livestream.
Với sự hỗ trợ của doanh nghiệp, các tiktoker cùng sự chuẩn bị kỹ lưỡng, hợp tác xã này đã dẫn dắt câu chuyện từ nhà vườn đến người tiêu dùng. Thông qua phiên livestream, sự tương tác giữa người mua và người bán đã mang lại hiệu quả, quy trình mua hàng đã được tối ưu hoá… Cuối cùng, hợp tác xã không chỉ tiêu thụ được số lượng lớn sản phẩm mà còn bán được giá cao gấp 5 lần bình thường.
Tuy vậy, đa số bà con nông dân chưa quen với phương thức bán hàng mới này. Để đạt kết quả từ việc đào tạo, tập huấn cho bà con livestream bán hàng qua các nền tảng số là cả một quá trình. Trong khi đó, hoạt động vận chuyển đóng vai trò quan trọng nhưng thực sự còn là rào cản lớn.
Nói rõ hơn về khó khăn này, ông Nguyễn Lâm Thanh – Đại diện Tik Tok Việt Nam chia sẻ, với hàng nông sản, điều khó nhất hiện nay là khâu vận chuyển. Hàng hoá rất dễ bị hỏng vì thời gian vận chuyển kéo dài. Do vậy, khó có đơn vị logistics nào chịu vận chuyển hàng hoá ở khu vực vùng sâu, vùng xa. Thêm vào đó, chi phí vận chuyển quá cao.
Trong khi đó, ông Nguyễn Thành Dương - Phó Giám đốc Trung tâm Ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho rằng, qua các đợt tập huấn cho bà con nông dân và hợp tác xã tại một số tỉnh, thành, khó khăn dễ nhận thấy nhất là rào cản khoảng cách địa lý. Rất nhiều hợp tác xã, hộ kinh doanh hay doanh nghiệp trên địa bàn ở rất xa so với địa điểm diễn ra các lớp đào tạo, tập huấn.
Rất nhiều giám đốc doanh nghiệp, chủ tịch hợp tác xã lớn tuổi nên việc tiếp cận phương thức bán hàng mới, tiếp cận các ứng dụng công nghệ rất hạn chế.
Còn theo ông Nguyễn Văn Quang – Trưởng Phòng Quản lý thương mại, Sở Công Thương Hải Dương, tiếp cận các nền tảng số cũng như các công cụ bán hàng trực tuyến là thách thức chung, không chỉ với các doanh nghiệp nhỏ và vừa mà còn cả với các hợp tác xã, bà con nông dân.
Với người nông dân, những người trực tiếp sản xuất ra hàng nông sản thì cách tiếp cận các nền tảng số còn khó khăn hơn rất nhiều.
Mặc dù bà con nông dân có lợi thế nhất định và lợi thế lớn nhất là họ bán các sản phẩm do chính họ làm ra, họ là người sản xuất và trực tiếp bán hàng của họ, không cần phải qua khâu trung gian nào.
Nhưng khó khăn, thách thức với họ rất lớn, đặc biệt là kỹ năng thực hiện hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Không phải ai cũng có kỹ năng thuần thục để giới thiệu sản phẩm trên mạng xã hội, website bán hàng trực tuyến.
Nhận thức được vấn đề này, Sở Công Thương đã trình UBND tỉnh kế hoạch thực hiện quyết định số 645 của Thủ tướng Chính phủ về đề án phát triển thương mại điện tử quốc gia.
Sở đã tổ hàng loạt chương trình truyền thông trên các kênh truyền thông địa phương. Cùng với đó, tổ chức 18 lớp tập huấn cho bà con về thương mại điện tử.
“Mặc dù chúng tôi hỗ trợ bà con rất nhiều, hỗ trợ cho tất cả các xã viên trồng ra các loại trái cây đặc sản của tỉnh. Qua đó đã có những hiệu quả ban đầu. Tuy vậy, số lượng bà con thành công, có kỹ năng tốt đến nay chưa nhiều. Tôi đánh giá, việc này phải là cả một quá trình, không thể một sớm một chiều”, ông Quang chia sẻ.
Truyền cảm hứng để thay đổi nhận thức
Tại hội thảo, các diễn giả có chung nhận định, hoạt động xúc tiến tiêu thụ nông sản vẫn còn đó những khó khăn, thách thức cần phải giải quyết.
Ông Trần Thanh Bình - Phó Tổng giám đốc phụ trách đầu tư, Liên hiệp hợp tác xã OCOP Việt Nam cho rằng, bán hàng qua hình thức livestream rõ ràng là một hình thức mới. Do đó, cần phải làm rất bài bản với sự kết hợp của nhiều bên, thông qua các buổi tập huấn.
Trong hoạt động này, mối liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp, người nông dân là không thể thiếu trong việc tiếp cận và phát huy các hình thức xúc tiến tiêu thụ mới. Điều này một phần giúp bà con tiêu thụ nông sản, một phần hiện thực hoá mục tiêu đẩy mạnh tiêu thụ nông sản tại thị trường nội địa.
Đặc biệt phải có người truyền cảm hứng để thay đổi nhận thức, thói quen của bà con nông dân vốn ngại thay đổi.
Để vượt qua thách thức hiện nay, sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý Nhà nước là điều kiện cần nhưng điều kiện đủ là sự nỗ lực, chủ động tiếp cận công nghệ mới, bắt nhịp xu hướng của người nông dân và hợp tác xã.
“Là nghề mới nhưng cũng cần phải nói để bà con, hợp tác xã hiểu rằng phải tự làm dưới sự hướng dẫn của các kỹ thuật viên. Chỉ khi người nông dân tự làm được thì mới đem lại hiệu quả bền lâu. Thay vì nói suông, các đơn vị hỗ trợ có thể mời bà con tham quan những nơi đã có kinh nghiệm và làm tốt. Lấy người làm tốt chia sẻ cho người chưa làm tốt và chưa biết làm”, ông Bình nói.
Thông qua những hoạt động gắn kết, dần dần kỹ năng của bà con sẽ được kéo lên từ mức cơ bản lên mức nâng cao, đáp ứng được xu thế tiêu dùng mới.
End of content
Không có tin nào tiếp theo