Kinh tế số

Sàn thương mại điện tử nào tăng trưởng doanh thu thần tốc năm 2024?

DNVN - Báo cáo mới nhất của YouNet ECI vừa công bố cho thấy tốc độ tăng trưởng doanh thu thần tốc của các sàn thương mại điện tử trong năm 2024, trong đó có sàn đạt mức gần 100%.

Doanh nghiệp cần chuyển đổi mình trước khi muốn thu hút nguồn vốn 'xanh' / Temu tạm dừng cung cấp dịch vụ thương mại điện tử tại Việt Nam

Theo báo cáo mới nhất của YouNet ECI (Nền tảng phân tích dữ liệu thị trường E-commerce), thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam đạt 13,8 tỷ USD trong năm 2024, ghi nhận mức tăng trưởng 40% so với năm 2023.

Còn theo "Báo cáo toàn cảnh thị trường sàn bán lẻ trực tuyến 2024 và dự báo 2025" do Metric mới phát hành, tổng doanh thu của 5 sàn thương mại điện tử (Shopee, Lazada, TikTok Shop, Tiki và Sendo) trong năm 2024 đạt 318,9 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 37,36% so với năm 2023. Tổng sản lượng tiêu thụ của các sàn cũng đạt 3,421 triệu sản phẩm, tăng 50,76%.

Số liệu của YouNet ECI cho thấy, Shopee và TikTok Shop tiếp tục khẳng định vị thế dẫn đầu với tổng giá trị giao dịch lần lượt đạt 9,3 tỷ USD và 3,8 tỷ USD, chiếm 66,7% và 26,9% thị phần.

Đáng chú ý, tốc độ tăng trưởng doanh thu của hai nền tảng trong năm 2024 đạt mức thần tốc là 41% và 99% so với năm trước.


Shopee và TikTok Shop dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng doanh thu năm 2024.

Ngược lại, Lazada và Tiki đồng loạt ghi nhận doanh thu sụt giảm tới 39% và 43%. Đặc biệt, Sendo, sàn TMĐT thuộc sở hữu của FPT, còn không xuất hiện trong báo cáo doanh thu lần này.

Nhờ sự tăng trưởng mạnh mẽ từ Shopee và TikTok Shop, thị trường TMĐT Việt Nam không chỉ vượt xa các dự báo đầu năm 2024 mà còn cao hơn đáng kể so với mức tăng trưởng 9% của chung ngành bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ do Tổng cục Thống kê công bố.

Riêng quý IV/2024, giai đoạn cao điểm hằng năm của TMĐT, tổng giá trị giao dịch toàn thị trường đạt 97,96 nghìn tỷ đồng. Trong đó, Shopee và TikTok Shop tiếp tục dẫn đầu khi chiếm lần lượt 62,2% và 32,5% thị phần.

Báo cáo của YouNet ECI cũng chỉ ra nhóm ngành hàng thiết yếu bao gồm các mặt hàng FMCG (ngành hàng tiêu dùng nhanh) và chăm sóc sức khỏe là động lực tăng trưởng chính của thị trường.

Trong khi đó, theo Metric (nền tảng số liệu E-commerce), trong năm qua, hơn 324,1 triệu sản phẩm đã được nhập khẩu vào Việt Nam tạo ra hơn 14.200 tỷ đồng doanh thu trên sàn Shopee, tăng trưởng lần lượt 37,9% và 42,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài ra, sự hiện diện của 31.500 nhà bán nước ngoài đang tạo áp lực cạnh tranh trực tiếp với các shop nội địa trên thị trường sàn bán lẻ trực tuyến.

Còn Shop Mall trên Shopee và TikTok Shop ghi nhận mức tăng trưởng doanh số mạnh mẽ (lần lượt 69,79% và 181,31%) phản ánh xu hướng người tiêu dùng ngày càng ưu tiên lựa chọn thương hiệu uy tín và cửa hàng có độ tin cậy cao.

Xu hướng mua sắm hàng nhập khẩu tăng lên xuất phát từ một số yếu tố chính như hệ thống logistics được cải thiện giúp thời gian vận chuyển nhanh hơn, giảm thiểu rủi ro thất lạc hoặc giao hàng chậm.

Cùng với đó, các nền tảng TMĐT cũng cung cấp chính sách đổi trả, bảo vệ người tiêu dùng tốt hơn, giúp giảm rủi ro khi mua hàng từ nước ngoài. Ngoài ra, giá cả cạnh tranh từ các thương hiệu quốc tế cũng là yếu tố quan trọng, khi nhiều sản phẩm nhập khẩu có giá tốt hơn nhờ vào chi phí sản xuất thấp. Đây là tín hiệu quan trọng cho các doanh nghiệp nội địa, đòi hỏi họ phải tối ưu sản phẩm và chiến lược giá để có thể cạnh tranh với các thương hiệu quốc tế.

YouNet ECI dự báo, các thương hiệu thuộc phân khúc giá phổ thông và tiết kiệm sẽ có lợi thế lớn trên kênh TMĐT, do người tiêu dùng ngày càng ưu tiên các sản phẩm phù hợp với túi tiền, đặc biệt trong bối cảnh chi tiêu cá nhân được quản lý chặt chẽ hơn.

Minh Thu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Có thể bạn quan tâm