Trên 99% doanh nghiệp sử dụng thuế điện tử
99% doanh nghiệp đã đăng ký tham gia sử dụng dịch vụ nộp thuế điện tử / 5 ngân hàng cho phép khách hàng nộp thuế điện tử thông qua tài khoản cá nhân
Chia sẻ tại diễn đàn Thuế - hải quan 2023 với chủ đề "Chuyển đổi số ngành thuế và hải quan, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp”, chiều ngày 8/11, ông Phạm Thu Phong - Tổng biên tập Thời báo Tài chính Việt Nam cho rằng, chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính là một trong những yếu tố then chốt cho chuyển đổi số quốc gia.
Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã xác định ngành tài chính là một trong những ngành có mức độ sẵn sàng cao trong tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và cần được tập trung ưu tiên phát triển.
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chiến lược tài chính đến năm 2030, trong đó nội dung quan trọng nhất là hiện đại hóa chuyển đổi số trong ngành tài chính. Để hiện thực hóa mục tiêu này, trong thời gian qua, toàn ngành tài chính đã tích cực triển khai các nhiệm vụ, thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ trong các lĩnh vực.
Ngành thuế đã đạt nhiều kết quả tích cực, mang lại hiệu quả cho toàn xã hội góp phần rút ngắn thời gian làm thủ tục thuế, hải quan. Giảm thiểu giấy tờ, thời gian và chi phí cho doanh nghiệp, người dân.
“Liên tục 7 năm qua, Bộ Tài chính luôn dẫn đầu trong xếp hạng về chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông (chỉ số ICT Index). Về xếp hạng theo chỉ số đánh giá chuyển đổi số DTI, năm 2022, Bộ Tài chính đứng top 2 trong số các bộ, ngành cung cấp dịch vụ công”, ông Phong nói.
Đặc biệt, theo ông Phong, các lĩnh vực thuế, hải quan, luôn tiên phong trong thực hiện chuyển đổi số với các kết quả ấn tượng. Hệ thống khai thuế điện tử đã được triển khai tại 63/63 tỉnh thành phố và 100% chi cục thuế trực thuộc. Trên 99% doanh nghiệp sử dụng khai, nộp và hoàn thuế điện tử.
Trong lĩnh vực hải quan, 250 thủ tục hành chính được thực hiện qua cơ chế một cửa quốc gia. Các nền tảng xây dựng và quản trị dữ liệu được xây dựng theo hướng tăng cường sự tương thích giữa các cơ sở hạ tầng thông tin của các cơ quan Nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi cho giao dịch điện tử; bảo đảm việc chia sẻ dữ liệu của ngành tài chính cho các bộ, ngành, địa phương.
Tại diễn đàn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh khẳng định, chiến lược phát triển công nghệ thông tin của ngành thuế giai đoạn 2021-2025 theo hướng tích hợp, tập trung. Lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, đáp ứng yêu cầu chính phủ điện tử, hướng tới chính phủ số.
Trong giai đoạn tới, ngành thuế cần triển khai nhiều dự án, nhiệm vụ ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý thuế và chuyển đổi số một cách toàn diện. Đó là xây dựng kho cơ sở dữ liệu thuế và phát triển hệ thống phân tích dữ liệu, quản lý rủi ro; mở rộng các dịch vụ thuế điện tử.
Đồng thời, mở rộng bản đồ số đối với hộ, cá nhân kinh doanh. Xây dựng hạ tầng kỹ thuật, an toàn an ninh theo định hướng chuyển đổi số.
End of content
Không có tin nào tiếp theo