Phân tích

Kinh tế Thái Lan có thể tăng trưởng thêm 0,77% nếu gia nhập TPP

(DNVN) - Theo Thương vụ Việt Nam tại Thái Lan, nếu quyết định gia nhập Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) của Thái Lan được thông qua, nền kinh tế của nước này có thể tăng trưởng thêm 0,77%.

Vấn đề thách thức hàng đầu hiện nay của Thái Lan khi gia nhập Hiệp định TPP bao gồm việc phải đối phó với cạnh tranh ngày càng khốc liệt hơn và các biện pháp quản lý thắt chặt đối với quyền sở hữu trí tuệ.

Số liệu trên được đưa ra dựa trên nghiên cứu do Bộ Thương Mại Thái Lan ủy thác trường Panyapiwat và Học viện Quốc tế về Thương mại và Phát triển thực hiện nhằm xem xét lợi ích và khó khăn mà Chính phủ Thái Lan phải đối mặt khi gia nhập TPP. Nhìn chung, TPP được đánh giá sẽ mang lại nhiều điểm thuận lợi giúp Thái Lan đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế.

Ảnh minh họa.

Căn cứ theo kết quả nghiên cứu, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Thái Lan sẽ tăng trưởng thêm 0,77% sau khi gia nhập Hiệp định TPP. Nếu Indonesia và Philippines cùng chấp thuận tham gia Hiệp định TPP, GDP của Thái Lan có thể tăng thêm 1,06%. Các ngành sẽ được hưởng lợi bao gồm ô-tô, điện tử, máy tính, may mặc và chất liệu vải.

Bên cạnh đó, Hiệp định TPP cũng sẽ là đòn bẩy phát triển ngành dịch vụ và thương mại cũng như nâng cao các tiêu chuẩn về lao động và bảo vệ môi trường do các quốc gia thành viên được khuyến khích phát triển các lĩnh vực nhằm đạt được tiêu chuẩn cao hơn.

Tuy nhiên, nghiên cứu cũng chỉ ra rằng Thái Lan sẽ phải đối mặt với thách thức về cạnh tranh ngày càng khốc liệt trong ngành thương mại và dịch vụ cũng như các biện pháp quản lý thắt chặt đối với quyền sở hữu trí tuệ. Những điều này không có lợi vì sẽ khiến việc tiếp cận của người dân với các dịch vụ sức khỏe cộng đồng trở nên khó khăn hơn, đặc biệt là chi phí tăng cao đối với các sản phẩm thuốc và dịch vụ y tế. Chính phủ Thái Lan sẽ phải thay đổi các quy định và điều lệ phù hợp với Hiệp định TPP và chuẩn bị các biện pháp quản lý thắt chặt đối với bằng sáng chế.

Kết quả nghiên cứu sẽ được Vụ Đàm phán, Bộ Thương mại Thái Lan sẽ được đưa ra lấy ý kiến cộng đồng và các ngành/lĩnh vực liên quan trước khi trình Chính phủ tham khảo trước khi đưa ra quyết định gia nhập Hiệp định TPP vào tháng 02/2016. Vụ Đàm phán sẽ học hỏi kinh nghiệm của Nhật Bản bằng cách thảo luận với Tổ chức Xúc tiến Mậu dịch Nhật Bản (Jetro) và Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp (METI) của Nhật Bản.

Ngày 04/02/2016, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã được ký kết giữa 12 nước, gồm Úc, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Hoa Kỳ và Việt Nam, có quy mô kinh tế chiếm 40% GDP và 30% thương mại toàn cầu. 
Nên đọc
VĂN HUY
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo