Kinh tế thiệt hại vì giá dầu giảm
Giá dầu trên thế giới đã liên tiếp giảm trong những ngày qua. Cụ thể, ngày 2.10 giá dầu WTI (giao sau tại New York, Mỹ) là 89,67 USD/thùng; giá dầu brent (tại London, Anh) là 93,33 USD/thùng. Đến ngày 5.11, giá dầu WTI ở Mỹ 77,19 USD/thùng; dầu brent ở London 82,82 USD/thùng; ngày 27.11 dầu WTI ở Mỹ 68,9 USD/thùng, dầu brent ở London 72,58 USD/thùng và phiên giao dịch sáng 29.11 dầu WTI tại Mỹ còn 65,69 USD/thùng, dầu brent tại London còn 70 USD/thùng.
Thu ngân sách giảm, bội chi tăng lên
TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế, nhận định giá dầu thế giới sẽ còn tiếp tục giảm do nguồn cung và cả các vấn đề liên quan đến chính trị. Hiện tại, giá dầu trên thế giới giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 4 năm qua, tương đương với mức giảm 30% so với trước. Việc này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách vì kim ngạch xuất khẩu (XK) của cả nước sẽ giảm. "Theo tính toán của chúng tôi, XK dầu thô đạt giá 100 USD/thùng mới cân đối được xuất - nhập. Vì nguồn thu từ XK dầu thô giảm sẽ khiến ngân sách nước ta giảm và bội chi ngân sách tăng lên. Hiện nay, XK dầu thô đóng góp khoảng 10% ngân sách VN”, TS Long nói.
Phân tích thêm về việc giá xăng dầu thành phẩm giảm, ông Long tính toán mỗi năm VN nhập khẩu (NK) khoảng 12 triệu tấn xăng dầu, vị chi mỗi ngày cả nước sử dụng 38 triệu lít. Việc giá dầu thế giới giảm sẽ khiến chi phí đầu vào được kéo xuống, giá hàng hóa qua đó cũng thấp đi, tạo động lực cho kinh tế phát triển. Nhưng ngược lại, vì giá xăng dầu NK giảm nên thuế NK mà VN thu được từ xăng dầu cũng giảm theo.
"Với việc cả nguồn thu thuế NK xăng dầu và nguồn thu từ XK dầu thô đều giảm, tôi cho rằng ngân sách VN sẽ bị ảnh hưởng đáng kể", ông Long nhận định.
Thiệt đơn, thiệt kép
TS Hoàng Thọ Xuân, chuyên gia thương mại, cũng cho rằng nền kinh tế VN sẽ thiệt nhiều hơn là lợi từ việc giá dầu thế giới giảm. Trong đó, quan trọng là VN luôn cần nguồn ngoại tệ để bù đắp cho các khoản thâm hụt thương mại, nên việc nguồn thu từ XK dầu thô giảm sẽ tác động lớn đến cân đối ngoại tệ. Hiện nay, tỷ trọng XK dầu thô trong tổng kim ngạch XK của VN vẫn còn rất lớn và đóng vai trò quan trọng.
Ngoài ra, VN cũng đang gia nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, nên việc giá dầu giảm có thể sẽ kéo theo giảm phát, khiến tăng trưởng toàn cầu chậm lại, tiêu dùng cũng suy giảm và chúng ta sẽ chịu các tác động từ tăng trưởng toàn cầu này, nhất là XK hàng hóa. Ông Xuân cũng lưu ý, khi chi phí sản xuất toàn cầu giảm sẽ khiến hàng hóa rẻ hơn. Hệ quả là hàng hóa nội địa của VN phải chịu áp lực lớn hơn từ sản phẩm ngoại nhập, bởi lâu nay chi phí sản xuất của VN đã rất cao.
Trong khi đó, TS Bùi Trinh, chuyên gia kinh tế, lại tỏ ý nghi ngờ rằng sản xuất VN sẽ hưởng lợi do giá xăng dầu NK giảm. “Qua nhiều đợt giảm giá xăng dầu trong nước vừa qua, tôi thấy tốc độ giảm giá hàng hóa hầu như không đáng kể. Thế nhưng, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11 vừa qua do Tổng cục Thống kê công bố lại giảm mạnh nhờ đợt giảm giá xăng dầu mới nhất. Cơ quan thống kê công bố CPI vào ngày 25, nhưng tới ngày 20.11 cước vận tải cũng chưa giảm bao nhiêu. Như vậy, việc giá xăng dầu giảm liên tục trong thời gian qua ở VN không có sức lan tỏa, bởi thị trường vận hành không bình thường”, ông Trinh nhấn mạnh.
Đáng nói là trong lúc giá dầu thô thế giới giảm thì Bộ KH-ĐT lại đặt mục tiêu khai thác tăng thêm 1 triệu tấn dầu trong năm nay. “Để làm gì? Chắc chắn là để làm đẹp con số tăng trưởng kinh tế. Nên nhớ, việc khai thác dầu thô VN còn phải chia cho Nga 49% trong liên doanh. Vì thế, VN không chỉ mất một khoản tiền XK vì giá dầu thô giảm, mà còn phải mất thêm tài nguyên để bù đắp thâm hụt do giá giảm.
Ngân sách giảm và tài nguyên mất đi. Đó là ảnh hưởng lớn nhất đến nền kinh tế. Việc khai thác dầu thô ồ ạt khi giá dầu thế giới giảm khiến tôi nhớ đến năm 2009, khi đó VN cũng rơi vào tình trạng tương tự như năm nay. Kết quả là sản lượng dầu tăng 10,3% nhưng giá trị XK chỉ tăng 9,1%. Tóm lại, nền kinh tế VN trong hoàn cảnh này là thiệt đơn, thiệt kép. XK giảm ảnh hưởng đến thu ngân sách và giá xăng giảm cũng không lan tỏa trong nền kinh tế”, TS Bùi Trinh phân tích.
Cần giám sát thị trường chặt chẽ
Theo TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư, giá dầu thế giới giảm sâu tác động hai mặt lên nền kinh tế VN: XK chịu thiệt, nhưng NK hưởng lợi, nhất là nhiều nguyên phụ liệu NK phục vụ cho sản xuất trong nước sẽ giảm.
Tuy nhiên, để biết rõ nền kinh tế VN lợi hay thiệt thì cần có cơ quan chức năng vào cuộc nghiên cứu, nhằm có những điều chỉnh chính sách kịp thời, bởi giá dầu thế giới dự báo sẽ còn tiếp tục giảm. Trong đó, quan trọng là điều chỉnh thu chi ngân sách theo hướng tăng thu giảm chi. Bên cạnh đó, ông Doanh cũng khuyến cáo các cơ quan chức năng cần thiết phải giám sát thị trường một cách chặt chẽ, tránh tình trạng giá xăng dầu liên tục giảm nhưng giá hàng hóa hầu như vẫn giữ nguyên như trong thời gian qua.
Theo tính toán của chúng tôi, XK dầu thô đạt giá 100 USD/thùng mới cân đối được xuất - nhập. Vì nguồn thu từ XK dầu thô giảm sẽ khiến ngân sách nước ta giảm và bội chi ngân sách tăng lên. Hiện nay, XK dầu thô đóng góp khoảng 10% ngân sách VN
TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế
Giá xăng trong nước sẽ giảm theo thế giới
Báo cáo mới nhất của Trung tâm thông tin công nghiệp và thương mại (Bộ Công thương) về tình hình thị trường xăng dầu dự báo giá xăng dầu sẽ còn tiếp tục giảm theo xu hướng thị trường thế giới. Mặt bằng giá xăng dầu trong nước đã giảm sâu và hiện ở mức rẻ nhất trong vòng 3 năm trở lại đây. Thống kê của trung tâm cho thấy, sau 10 lần điều chỉnh, giá xăng đã giảm tổng cộng 5.390 đồng/lít. Dầu diesel giảm 16 lần với tổng mức 4.170 đồng/lít, dầu hỏa giảm 12 lần, tổng giảm là 3.700 đồng/lít.
Một quan chức của Bộ Công thương hôm qua cho biết lần giảm giá xăng dầu gần nhất là 22.11, theo chu kỳ tính giá theo cơ chế điều hành giá xăng dầu ban hành theo Nghị định 83/2014/NĐ-CP thì chưa đủ 15 ngày để xem xét, điều chỉnh giảm giá tiếp. Còn ông Trần Ngọc Năm, Phó tổng giám đốc Tập đoàn xăng dầu VN, nói việc giảm giá xăng dầu xuất phát từ thực tiễn diễn biến giá xăng dầu thành phẩm trên thị trường thế giới trong chu kỳ tính giá, phù hợp với nguyên tắc xác định giá bán tại Nghị định 83/CP và thông tư hướng dẫn thi hành nên doanh nghiệp không tùy ý giảm được.
10 tháng nhập siêu 510 triệu USD
Theo Tổng cục Hải quan, từ tháng 1 - 10.2014, VN XK 7,61 triệu tấn dầu thô, tăng gần 10%, đạt kim ngạch 6,32 tỉ USD so với 5,95 tỉ USD cùng kỳ năm ngoái. Dầu thô đứng thứ 6 trong nhóm 10 mặt hàng XK lớn nhất của VN, sau điện thoại, hàng dệt may, máy tính, giày dép, thủy sản. Dầu thô của VN chủ yếu được XK sang Úc (1,96 triệu tấn), Nhật Bản (1,69 triệu tấn), Malaysia (836.000 tấn)... Đáng chú ý, VN xuất dầu thô qua Trung Quốc tăng tới 92,9% trong 10 tháng qua, đạt 1,33 triệu tấn.
XK dầu thô nhiều, nhưng VN cũng nhập một lượng lớn xăng dầu các loại. 10 tháng qua cả nước nhập 7,33 triệu tấn xăng dầu, trị giá 6,83 tỉ USD, so với cùng kỳ năm trước tăng 19,4% về lượng và 17,8% về giá trị. Xăng dầu NK chủ yếu có xuất xứ từ Singapore (2,33 triệu tấn, tăng 28,9%), Trung Quốc (1,38 triệu tấn, tăng 33,7%), Đài Loan (1,12 triệu tấn, tăng 4,4%), Hàn Quốc (547.000 tấn, tăng 39%)... Xăng dầu cũng nằm trong nhóm 10 mặt hàng NK có kim ngạch lớn nhất của VN. Như vậy, với việc XK 6,32 tỉ USD dầu thô, nhưng phải nhập 6,83 tỉ USD xăng dầu các loại, VN phải chịu thâm hụt thương mại ở mặt hàng này 510 triệu USD trong 10 tháng qua.
End of content
Không có tin nào tiếp theo