Phân tích

Kinh tế toàn cầu có xu hướng tăng dần mặc dù đầu tư yếu ớt

(DNVN) - Ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố báo cáo cập nhật về triển vọng kinh tế toàn cầu với nhận định, sau khi đạt mức tăng thấp 2,3% trong năm 2016, kinh tế toàn cầu năm 2017 sẽ tăng 2,7%, mặc dù hoạt động đầu tư yếu ớt, thương mại trì trệ, chính sách kinh tế chưa rõ ràng.

Tại các nước phát triển, GDP năm 2017 được kỳ vọng tăng 1,8%. Trong đó, các gói kích thích tài khóa tại Mỹ và một số nước khác sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong và ngoài nước, bất chấp những trở ngại bắt nguồn từ xu hướng gia tăng bảo hộ thương mại. Tại các nước đang phát triển và mới nổi (EMDEs), GDP năm 2017 được kỳ vọng tăng tốc và đạt 4,2% do những cản trở đối với các nước xuất khẩu bị đẩy lùi trong khi nhu cầu tại các nước nhập khẩu tăng trở lại.

Báo cáo nhấn mạnh, rủi ro tăng trưởng thấp bao gồm chính sách chưa rõ ràng tại các nước phát triển hàng đầu và một số nước khác, rối loạn trên thị trường tài chính quốc tế, tiềm năng tăng trưởng yếu ớt. Nếu xu hướng này kéo dài, hoạt động đầu tư sẽ tăng chậm, qua đó sẽ kìm hãm tăng trưởng kinh tế, nhất là tại nhóm nước thu nhập cao và trung bình.

Ảnh minh họa.

Tuy nhiên, các gói kích thích tài khóa và các biện pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tại các nước phát triển hàng đầu, nhất là tại Mỹ - có thể dẫn đến mức tăng trưởng cao hơn so với kỳ vọng. Trong bối cảnh dư địa chính sách hạn hẹp, nhất là khả năng đối phó với những bất ổn và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cần ưu tiên các nỗ lực cải cách cơ cấu, qua đó có thể khai thác tiềm năng tăng trưởng. Tại các nước đang phát triển và mới nổi, cần chú trọng đầu tư phát triển thể chất và nguồn nhân lực, góp phần nâng cao trình độ chuyên môn và xây dựng kết cấu hạ tầng vì mục tiêu phát triển dài hạn.

Báo cáo cũng phân tích những lo ngại về hoạt động đầu tư yếu ớt trong thời gian gần đây tại các nước đang phát triển và mới nổi. Nhóm quốc gia này tập trung tới ¾ dân số và số người nghèo trên thế giới, nhưng chỉ đóng góp khoảng 1/3 GDP toàn cầu. Trong năm 2016, GDP toàn cầu giảm khoảng 0,5% do hoạt động đầu tư quốc tế năm 2015 giảm xuống 3,4%, thấp hơn nhiều so với kết quả tăng đầu tư khoảng 10% vào năm 2010. Hoạt động đầu tư giảm dần phản ánh xu hướng điều chỉnh sau thời kỳ mở rộng nhằm khắc phục hậu quả khủng hoảng, nhưng cũng cho thấy những trở ngại đối với tăng trưởng kinh tế tại các nước đang phát triển và mới nổi, bao gồm các nước xuất khẩu hàng hóa, nợ doanh nghiệp tăng cao và rủi ro chính sách.

Trong nhóm các nước đang phát triển và mới nổi, sau khi tăng không đáng kể 0,3% trong năm 2016, GDP năm 2017 tại các nước xuất khẩu hàng hóa được kỳ vọng tăng 2,3%, chủ yếu nhờ giá cả hàng hóa tăng dần, kinh tế CHLB Nga và Brazil bắt đầu phục hồi sau thời kỳ suy thoái kéo dài. Trái lại, GDP năm 2017 tại các nước nhập khẩu hàng hóa có thể tăng 5,6%, không thay đổi so với kết quả tăng trưởng GDP trong năm 2016, GDP năm 2017 tại Trung Quốc chỉ tăng 6,5% và tiếp tục xu hướng tăng chậm dần trong những năm sau đó. Tuy nhiên, triển vọng tăng trưởng kinh tế tại các nước đang phát triển và mới nổi vấp phải trở ngại do thương mại toàn cầu trầm lắng, đầu tư yếu ớt, năng suất lao động tăng thấp.

Trong số các nước phát triển, GDP năm 2017 tại Mỹ được kỳ vọng tăng 2,2%, nhờ hoạt động đầu tư và chế tạo sẽ lấy lại động lực sau khi giảm thấp vào năm 2016. Báo cáo cũng xem xét và nhận định, các gói kích thích tài khóa và những sáng kiến chính sách khác tại Mỹ sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Tại Đông Á và Thái Bình Dương, GDP năm 2017 được dự báo tăng nhẹ và đạt 6,2%, do kinh tế Trung Quốc tăng chậm dần sẽ có tác động thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tại những nước khác trong khu vực. Tại Trung Quốc, GDP năm 2017 được dự báo tăng 6,5%, các chính sách kinh tế vĩ mô được kỳ vọng sẽ góp phần chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng dựa vào tiêu dùng trong nước, mặc dù nhu cầu bên ngoài tăng thấp, đầu tư tư nhân yếu ớt và một số khu vực vẫn gặp khó khăn do năng lực sản xuất dư thừa. GDP năm 2017 tại những nước khác trong khu vực dự kiến tăng trên 5%, chủ yếu phản ánh xu hướng phục hồi kinh tế dài hạn tại các nước xuất khẩu hàng hóa. Tăng trưởng kinh tế tại các nước nhập khẩu hàng hóa (không kể Trung Quốc) được kỳ vọng tiếp tục ổn định, riêng kinh tế Thái Lan được dự báo sẽ tăng tốc trở lại, góp phần cải thiện lòng tin và hiệu quả của các biện pháp chính sách. Nhờ đầu tư tư nhân tăng cao, GDP năm 2017 tại Indonesia được dự báo tăng 5,3%. Tương tự, GDP tại Malaysia dự báo tăng 4,3%, nhờ khả năng thích ứng với xu hướng giá cả giảm thấp và giá cả hàng hóa ổn định.

 

Tại châu Âu và Trung Á, GDP năm 2017 được dự báo tăng 2,4%, chủ yếu nhờ kinh tế tại các nước xuất khẩu hàng hóa và tại Thổ Nhĩ Kỳ đã phục hồi trở lại sau thời kỳ suy thoái. GDP tại CHLB Nga được kỳ vọng tăng 1,5%, nhờ nỗ lực tăng cường khả năng thích ứng với xu hướng giá cả giảm thấp, nhất là giá dầu. Nhờ giá cả ổn định và khó khăn kinh tế giảm dần, GDP tại Azerbaijan và Kazakhstan được dự báo lần lượt tăng 1,2% và 2,2%. Tương tự, GDP tại Ukraina được kỳ vọng tăng tốc tới 2,0%.

Tại Mỹ Latinh và Caribê, GDP năm 2017 được kỳ vọng trở lại mức tăng trưởng dương 1,2%, nhờ kinh tế Brazil tăng 0,5% sau thời kỳ suy thoái trong những năm trước. Tuy nhiên, GDP năm 2017 tại Mêxicô được dự báo giảm nhẹ xuống mức tăng 1,8%, do đầu tư yếu ớt và chính sách tại Mỹ chưa rõ ràng. Nhờ các biện pháp củng cố tài khóa và mở rộng đầu tư, GDP tại Argentina được dự báo tăng 2,7%. Trái lại, kinh tế Venezuela tiếp tục bất ổn và có thể giảm 4,3% trong năm 2017. Trong khi GDP tại các nước Mỹ La tinh chỉ đạt mức tăng trưởng thấp, tình hình kinh tế tại các nước thuộc quần đảo Caribê nhìn chung khá ổn định và GDP năm 2017 sẽ tăng 3,1%.

Tại Trung Đông và Bắc Phi, GDP năm 2017 được dự báo phục hồi nhẹ lên mức tăng trưởng 3,1%, trong đó GDP tại các nước nhập khẩu dầu sẽ ghi nhận mức tăng trưởng cao nhất. Trong số các nước xuất khẩu dầu, GDP tại Arập Xê út được kỳ vọng tăng nhẹ 1,6%. Trong khi đó, GDP tại Iran được dự báo sẽ tăng 5,2%, nhờ dòng vốn đầu tư nước ngoài tăng cao và giá dầu tăng trở lại sẽ củng cố nguồn thu.

Tại khu vực Nam Á, GDP năm 2017 được kỳ vọng tăng 7,1%, chủ yếu nhờ kinh tế Ấn Độ tăng cao. Nếu không tính Ấn Độ, GDP tại khu vực này được dự báo tăng 5,5%, nhờ tiêu dùng và đầu tư hạ tầng tăng vững, đầu tư tư nhân phục hồi trở lại. Trong năm tài khóa kết thúc vào tháng 3/2018, GDP tại Ấn Độ được dự báo tăng 7,6%, do các biện pháp cải cách đã góp phần giảm nhẹ những trở ngại đối với hoạt động cung ứng ở trong nước và tăng năng suất lao động; GDP tại Pakistan tăng 5,5%, nhờ những tiến bộ đạt được trong khu vực nông nghiệp và mở rộng chi tiêu phát triển kết cấu hạ tầng.

Tại khu vực Cận Sahara và Châu Phi, GDP năm 2017 được kỳ vọng tăng nhẹ 2,9% do các nước trong khu vực tiếp tục thích ứng với xu hướng giá cả hàng hóa giảm thấp. Trong đó, GDP tại CH Nam Phi dự kiến tăng 1,1%, kinh tế Nigeria thoát khỏi suy thoái và tăng 1%, trong khi kinh tế Angola được kỳ vọng tăng 1,2%.

 

Nên đọc
Hòa Lộc
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo