Phân tích

Kinh tế Việt Nam triển vọng năm 2018: Tăng trưởng ấn tượng nhờ cải thiện môi trường kinh doanh

Năm 2017, nền kinh tế Việt Nam đạt được những kết quả vượt bậc. Theo các chuyên gia kinh tế, đây là một năm hội tụ đỉnh cao toàn diện và đầy ấn tượng - năm hiếm hoi chúng ta hoàn thành vượt mức cả 13 chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Những thành tựu nổi bật này ghi nhận sự quyết tâm của Chính phủ, các ban ngành, địa phương và sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp cả nước. Tiến sĩ Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Thường trực, kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Doanh nghiệp & Hội nhập về vai trò, những đóng góp và những vấn đề liên quan đến hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp.

PV: Thưa Tiến sĩ Tô Hoài Nam, bức tranh kinh tế của Việt Nam năm 2017 có rất nhiều điểm sáng, ông có bình luận gì về điểm sáng kinh tế với doanh nghiệp?

Tiến sĩ Tô Hoài Nam: Nhìn nhận từ phía cộng đồng doanh nghiệp thì thấy, năm qua Chính phủ đã quyết tâm làm cho môi trường đầu tư kinh doanh tốt hơn. Nền kinh tế đã đạt được những mốc rất quan trọng từ các chỉ tiêu đề ra và chưa bao giờ chúng ta làm được như vậy. Bội chi ngân sách khả quan nhất, xuất khẩu đạt rất tốt, đặc biệt là số lượng doanh nghiệp thành lập mới nhiều nhất.

Để đạt được những kết quả trên, yếu tố quyết định được bắt đầu từ quan điểm của Chính phủ quyết tâm thực hiện nguyên tắc chỉ đạo, điều hành, lãnh đạo, kiến tạo, liêm chính hành động và phục vụ. Tất cả thay đổi, những điểm sáng đều bắt nguồn từ đây. Nền kinh tế thị trường có một nguyên tắc rất quan trọng, đó là chủ thể nào phục vụ tốt thì chủ thể đó sẽ được hưởng kết quả tốt. Đây là nguyên tắc, quy luật đúng với chính bối cảnh Việt Nam trong mối quan hệ giữa Chính phủ - người dân và doanh nghiệp. Những kết quả kinh tế đạt được đã chứng minh nguyên tắc đó. Vì thế mà các kế hoạch của Chính phủ, của đất nước năm 2017 đã đạt được rất tốt. Qua đó để thấy được môi trường kinh doanh thực sự được cải thiện tốt hơn nên mới có được những kết quả cụ thể như vậy.

PV: Theo đánh giá của ông, những nỗ lực của Chính phủ, các địa phương cùng các ban ngành đã đáp ứng được mong mỏi của doanh nghiệp, đặc biệt là sự chuyển động ở các địa phương?

Tiến sĩ Tô Hoài Nam: Phải khẳng định, năm 2017 có rất nhiều chuyển biến tích cực. Chính phủ thường xuyên chỉ đạo liên tục và cụ thể, theo dõi cập nhật, tạo áp lực về hành chính với bộ ngành, địa phương trong việc hỗ trợ doanh nghiệp cải thiện môi trường đầu tư. Điều ấn tượng là Chính phủ đã tạo áp lực cả qua kênh truyền thông, áp lực của xã hội buộc các bộ ngành phải thực thi tốt hơn chứ không chỉ có những áp lực trên bàn họp. Nhờ đó mà nhiều địa phương đã chuyển biến tích cực hơn, giải quyết được nhiều khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp một cách cụ thể hơn. Thái độ phục vụ từ phía các cơ quan nhà nước, đặc biệt từ những người đứng đầu các địa phương với cộng đồng doanh nghiệp đã cầu thị hơn. Ví như, ông Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh đã xin lỗi công khai 68 doanh nghiệp trên phương tiện đại chúng vì lí do một số doanh nghiệp bị thanh tra 2 lần trong năm. Những việc làm cụ thể như vậy có ý nghĩa rất lớn với môi trường kinh doanh của địa phương đó.

Tôi nghĩ, điều cộng đồng doanh nghiệp mong mỏi nhất cũng là điều cả xã hội và Chính phủ đều mong mỏi, đó là vẫn còn nhiều cán bộ công chức chưa liêm chính như mong muốn, cần có sự thay đổi.

Tiến sĩ Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Thường trực, kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam

 PV: Theo ông, tình hình “sức khỏe” của các doanh nghiệp hiện nay có thể hấp thụ được những đổi mới về mặt chính sách?

Tiến sĩ Tô Hoài Nam: “Sức khỏe” của doanh nghiệp Việt Nam nhìn chung đã có sự cải thiện do hoạt động kinh doanh tốt hơn nên đã tích lũy được nhiều hơn về nguồn lực, nguồn vốn và cả kinh nghiệm. Còn việc các doanh nghiệp hấp thụ các chính sách của Chính phủ cũng hoàn toàn khả thi. Chẳng hạn, với cải cách thủ tục hành chính, Chính phủ và các ngành làm càng nhiều thì các doanh nghiệp càng hưởng lợi. Vì đây là một trong những cách thức, giải pháp để tháo gỡ khó khăn làm cho môi trường kinh doanh tốt hơn. Đương nhiên, các doanh nghiệp sẽ hưởng lợi từ những giải pháp cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ.

Tuy nhiên, điều mà Chính phủ cần phải tăng cường thêm cho cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp NVV là khả năng ứng dụng công nghệ tin học trong sản xuất kinh doanh. Thiếu vốn cho đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh cũng là điều các doanh nghiệp quan tâm, dù các ngân hàng đưa ra quy chuẩn nhưng doanh nghiệp vẫn khó khăn trong tiếp cận vốn.Vấn đề thuế, hải quan rồi bảo hiểm thì doanh nghiệp hiện đang phối hợp rất tốt, các cơ quan nhà nước có đổi mới gì thì doanh nghiệp đã tiếp cận được ngay, không có gì vướng cả.

Vấn đề mặt bằng đất đai rồi một loạt các dịch vụ hành chính công khác, doanh nghiệp cũng thích ứng được và khả năng triển khai tốt hay không phụ thuộc vào độ thoáng của chính sách và đạo đức công vụ. Tôi khẳng định, cộng đồng doanh nghiệp NVV hoàn toàn có đầy đủ năng lực, điều kiện để tiếp cận các chính sách của Chính phủ. Đặc biệt, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp NVV ngày 1/1/2018 chính thức có hiệu lực sẽ giúp cộng đồng doanh nghiệp NVV có điểm tựa để hoạt động kinh doanh bền vững hơn.

PV: Năm 2017, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài FDI là động lực chính thúc  đẩy tăng trưởng nền kinh tế Việt Nam khi đầu tư FDI vào nước ta hơn 33 tỉ USD. Ông đánh giá thế nào về vấn đề này và cần làm gì để các doanh nghiệp Việt Nam tham gia hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu?

 

Tiến sĩ Tô Hoài Nam: Chúng ta đã có giai đoạn rất cầu thị với các doanh nghiệp của nước ngoài. Việt Nam đã trải thảm đỏ để mời họ đầu tư vào đất nước với kì vọng các doanh nghiệp FDI sẽ là đầu kéo để hỗ trợ phát triển cho các doanh nghiệp Việt Nam về công nghệ, về kĩ năng quản lý... Thế nhưng thực tế những năm gần đây, dù có sự chuyển biến nhưng nếu nhìn tổng thể thì thấy sự kì vọng này không đạt được. Các doanh nghiệp FDI thường dựa vào lý do doanh nghiệp Việt thiếu nhiều điều kiện nên không thể chọn là nhà cung cấp nguyên phụ liệu cho họ được. Nhìn tổng thể về doanh nghiệp FDI, ngoài nhân công, giá thuê đất, hạ tầng và thuế thì các chính sách của Việt Nam gần như không tác động gì vào khu vực doanh nghiệp này. Mối quan hệ giữa doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp Việt cũng không có gì lớn lắm, vì cơ bản mua cũng mua nước ngoài, bán cũng ở nước ngoài. Đến khi có sự tranh chấp thì cũng giải quyết ở tòa án nước ngoài. Tôi cho rằng, chủ trương mong muốn doanh nghiệp FBI làm cái đầu kéo thì chưa thực hiện được.

Vấn đề đặt ra, vậy phải làm thế nào để cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu? Chính sách của chúng ta cần có những quy định để các doanh nghiệp FDI phải có một tỉ lệ nhất định mua hàng hóa của các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là doanh nghiệp NVV. Tôi nhấn mạnh đến doanh nghiệp NVV vì nếu ta giải thích về quy định bắt buộc này đối với nội địa trong nước cho các doanh nghiệp NVV thì sẽ dễ giải thích với thế giới và các hiệp định ta kí kết, bởi thế giới họ có nguyên tắc phải chừa lại một phần thị trường cho doanh nghiệp yếu hơn, bé hơn trong cạnh tranh. Ta có  quy định đó để tạo nên được thị trường và tạo cho nền công nghiệp phụ trợ của Việt Nam phát triển. Số lượng các doanh nghiệp NVV ở nước ta chiếm đến đại đa số, nếu phát triển được công nghiệp phụ trợ thì rất tốt vì với thế giới thì khu công nghiệp phụ trợ thường là doanh nghiệp NVV đảm đương.

Chúng ta không thể trông chờ vào các doanh nghiệp nước ngoài mà cần phải tự làm mạnh mình, tự cường thông qua việc có những chính sách để thúc đẩy khu vực đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp, phát huy những lợi thế cạnh tranh mà là tiềm năng của Việt Nam như nông nghiệp, da giày, chế biến gỗ, chế biến chế tạo, điện tử tin học. Thực tế trong năm 2017 đã chứng mình rằng công nghiệp chế tạo của ta tăng trưởng rất nhanh. Đó là những thông tin tốt và tôi thấy rằng đó là hướng đi đúng đắn cho doanh nghiệp Việt Nam. 

Các doanh nghiệp FDI phải có một tỉ lệ nhất định mua hàng hóa của các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa

PV: Theo ông, từ kỳ vọng năm 2018, các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam mong muốn những điều gì?

 

Tiến sĩ Tô Hoài Nam: Kì vọng của doanh nghiệp là rất mong muốn Chính phủ tiếp tục thực hiện tinh thần kiến tạo, liêm chính, hành động và phục vụ của năm 2017, và 10 chữ tiếp nối của năm 2018 là: "Kỷ cương, Liêm chính, Hành động, Sáng tạo và Hiệu quả". Với tinh thần này thì môi trường kinh doanh sẽ tốt hơn nhiều, doanh nghiệp cũng bớt ngột ngạt hơn về mặt tư tưởng. Vì còn nhiều cán bộ công chức thực hành chưa liêm chính được như mong muốn nên doanh nghiệp cũng muốn cần phải khắc phục tốt hơn để bảo đảm nhiều cán bộ, công chức có tâm huyết, nhiệt huyết hơn để tinh thần phục vụ lớn hơn. Một điểm nữa doanh nghiệp mong muốn là giữ vững được ổn định về chính trị, về kinh tế, tỉ giá, lạm phát, tạo nên được một môi trường ít biến động để giữ tin cho họ làm kinh doanh...

Riêng cộng đồng doanh nghiệp NVV, rất mong muốn Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp NVV được triển khai một cách thực chất để thực sự làm công cụ quan trọng giúp doanh nghiệp được tăng cường năng lực của mình, làm cho doanh nghiệp có nhiều yếu tố bền vững hơn. Cùng đó, cần cải thiện khả năng tiếp cận tín dụng rồi mặt bằng sản xuất kinh doanh cho các doanh nghiệp. Giảm các giấy phép con liên quan đến các điều kiện kinh doanh và đăng kí quyền tài sản, giảm các đoàn thanh tra kiểm tra doanh nghiệp theo định kì hoặc vì lí do nào đó. Các doanh nghiệp cũng mong muốn được tiếp cận nhiều hơn với thị trường mua sắm công trên nguyên tắc công khai, bình đẳng và minh bạch.

PV: Xin trân trọng cám ơn ông!

Riêng cộng đồng Doanh nghiệp nhỏ và vừa, rất mong muốn Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa được triển khai một cách thực chất để thực sự làm công cụ quan trọng giúp doanh nghiệp được tăng cường năng lực của mình, làm cho doanh nghiệp có nhiều yếu tố bền vững hơn.


Nên đọc

Tiến sĩ Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Thường trực, kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam 

 

Trí Khang thực hiện (Tạp chí Doanh nghiệp & Hội nhập)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo