Bất động sản

Bất động sản cho thuê “tụt đáy” , chủ đầu tư than trời

DNVN - Do ảnh hưởng dịch Covid - 19, hơn 1 năm qua hàng loạt khách sạn, nhà cho thuê với nhiều phân khúc phải hoạt động cầm chừng. Nhiều mặt bằng treo bảng cho thuê, sang nhượng hàng tháng ròng vẫn chưa thoát cảnh “ế”, thậm chí có lượng lớn khách sạn, nhà hàng rao bán.

Cảnh báo về nguy cơ bong bóng bất động sản trên toàn thế giới / Giá nhà đất tăng trên diện rộng, cổ phiếu bất động sản hút nhà đầu tư

Nhiều căn hộ treo bảng cho thuê nhà nhưng vẫn.... ế ẩm

Nhiều căn hộ treo bảng cho thuê nhà nhưng vẫn.... ế ẩm.

Ế ẩm vì vắng khách du lịch

Thời điểm này vào những năm trước, nhiều người gặp khó trong việc đi tìm cho mình một mặt bằng đẹp để kinh doanh; hay một chung cư có thể ở được với giá thành vừa túi tiền. Hiện, mặc dù giá cho thuê đã giảm đáng kể nhưng người thuê và người cho thuê vẫn khó tìm được tiếng nói chung. Ế ẩm mặt bằng tiếp tục là thực trạng chung ở hầu khắp các tuyến phố trên địa bàn TP Đà Nẵng.

Hơn một năm kể từ ngày dịch Covid-19 bùng phát, thị trường mặt bằng cho thuê tại Đà Nẵng đã giảm sâu và không cho thấy dấu hiệu khởi sắc, nhiều mặt bằng cửa hàng, khách sạn, nhà ở vẫn treo biển cho thuê hoặc bán khiến làn sóng trả mặt bằngvẫn chưa dừng lại.

Theo ghi nhận của phóng viên, rất nhiều mặt bằng kinh doanh ở các tuyến đường trọng điểm, quận trung tâm TP Đà Nẵng đang trong tình trạng cửa đóng then cài. Nhiều nhà hàng, quán cafe, cửa hàng kinh doanh… treo biển trả mặt bằng ngày càng nhiều vì không cầm cự nổi. Hầu hết chủ các mặt bằng cho thuê hiện nay không còn “hét giá” như trước, mà chủ động giảm 10% - 40% so trước đây. Hợp đồng ít ràng buộc về thời hạn thuê mặt bằng hay điều kiện thanh toán nhưng cũng không dễ tìm được khách.

Nhiều mặt bằng đã xuống cấp vì không có người thuê

Nhiều mặt bằng đã xuống cấp vì không có người thuê.

Kể từ khi dịch bệnh tái bùng phát, không có nhiều khách du lịch, đặc biệt khách quốc tế nên hầu hết các cửa hàng kinh doanh, buôn bán đều ế ẩm. Trong bối cảnh kinh doanh khó khăn, những nơi được coi là “đất vàng, đất bạc” tuyến đường thương mại và du lịch trọng điểm trên địa bàn Đà Nẵng như: Khu trung tâm phố Nguyễn Văn Linh Điện Biên Phủ, Lê Duẩn, đường biển tỉ đô Võ Nguyên Giáp, khu phố du lịch An Thượng… cũng lâm cảnh “chợ chiều”. Thời điểm này dễ dàng bắt gặp hình ảnh nhiều nhà hàng, siêu thị, cơ sở kinh doanh đóng cửa, dừng hoạt động. Thậm chí, nhiều nơi còn treo bảng “cho thuê”, “sang mặt bằng” hoặc “cần bán” do không đủ chi phí để duy trì hoạt động vì dịch bệnh kéo dài.

Có nhiều nguyên nhân khiến thị trường mặt bằng cho thuê gặp khó như kinh tế sụt giảm, sức mua kém..., dẫn đến nhà đầu tư không dám liều thuê mặt bằng mở cửa hàng vì chi phí quá lớn. Nhiều người cũng thay đổi thói quen chuyển từ việc mua trực tiếp tại cửa hàng sang mua online. Điều này khiến hàng loạt hộ kinh doanh phải nhượng lại cửa hàng hoặc trả mặt bằng.

Chị Lê Thị Bích Hường, phường Hoà Xuân, quận Cẩm Lệ, là chủ một Spa chia sẻ: Khi dịch bệnh chưa xuất hiện, hàng trăm khách một ngày ra vào làm không xuể, đa số là khách nước ngoài và ổn định, hoạt động kinh doanh vì thế cũng rất tốt. Tuy nhiên, từ khi dịch bệnh bùng phát và ngày càng trở nên phức tạp, trong khi đó khách quốc tế là lượng khách tiêu tiền lớn vẫn chưa biết đến khi nào mới trở lại Việt Nam, khiến việc kinh doanh phải ngừng hoạt động. Hàng chục nhân viên cũng vì vậy phải cho nghỉ.

"Mớt hoạt động được một năm thì dịch, đầu tư biết bao nhiêu, nhưng giờ chấp nhận mất trắng, thanh lý cũng không ai mua. Thiết bị spa để lâu không dùng đến bây giờ hư hỏng hết. Để duy trì tôi phải chuyển đổi từ hoạt động kinh doanh Spa sang cho thuê phòng trọ nhằm đỡ chi phí tiền thuê nhà trong 5 năm. Dù đã lấy giá phòng rất thấp nhưng vẫn không được mấy người thuê. Mỗi tháng trừ các khoản chi phí tính ra vẫn lỗ hàng chục triệu đồng”, chị Hường cho biết thêm.

Qua tìm kiếm tại các website hay các trang fanpage trên facebook chuyên về bất động sản như chotot.com, batdongsan.com.vn, thuê nhà Đà Nẵng, bất động sản Đà Nẵng… người thuê dễ dàng tìm thấy hàng trăm mặt bằng cho thuê tại nhiều vị trí ở Đà Nẵng. Mặt bằng được rao với các mức giá từ vài triệu đồng đến hàng chục triệu đồng tùy theo diện tích sàn sử dụng và vị trí như thế nào.

Anh Trần Công Hậu, là người hoạt động trong lĩnh vực môi giới bất động sản trên địa bàn TP Đà Nẵng nhiều năm cho biết: "Số lượng bất động sản cho thuê (mặt bằng kinh doanh, văn phòng, nhà ở…) tại Đà Nẵng tăng khoảng 30% so với cùng kỳ năm 2020. Tuy nhiên, mức giá cho thuê mặt bằng thời điểm này đã giảm khoảng 40% có nơi giảm đến 50% so với các thời điểm trước dịch".

Nhiều căn hộ khang trang cũng cùng chung số phận vì đại dịch Covid

Nhiều căn hộ khang trang cũng cùng chung số phận vì đại dịch Covid

Chủ đầu tư "hụt hơi"

Hiện, trước tình hình dịch Covid - 19 diễn biến phức tạp, nhiều người chưa dám đầu tư kinh doanh. Vì vậy, một số mặt bằng đẹp ở những vị trí đắc địa vẫn treo bảng cho thuê nhiều tháng nay. Lượng khách hỏi thuê chủ yếu tập trung vào những căn hộ để ở với mức giá giao động từ 3-5 triệu đồng/tháng. Đối với các mặt bằng lớn phục vụ cho việc đầu tư kinh doanh thì hầu như không có khách hỏi.

Đà Nẵng vốn là thị trường phụ thuộc nhiều vào khách du lịch. Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, trong thời gian qua đã ảnh hưởng nhiều đến hoạt động kinh doanh. Nhiều khách thuê do không có khả năng chi trả chi phí mặt bằng và vận hành trong thời gian dài, dẫn đến đóng cửa. Phải mất thêm một khoảng thời gian nữa mới có thể lấy lại đà phục hồi, nhu cầu thuê mặt bằng sẽ tăng lên. Chính vì thế để thu hút khách, giá thuê mặt bằng bán lẻ và văn phòng tại Đà Nẵng thời điểm này thấp hơn hẳn so với giai đoạn trước Covid – 19. Với mặt bằng Vip tại những trục đường lớn triệu đô như Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Văn Linh, Điện Biên Phủ.. có giá trước dịch trên 400 triệu/tháng thì đến nay mức giá giao động từ 200 – 300 triệu/tháng tổng diện tích từ 200 - 400m2 … Các đường ở trung tâm thành phố giao động từ 30 – 100 triệu/ tháng tuỳ vào diện tích và mực đích sử dụng. Đây cũng là cơ hội cho những doanh nghiệp có ngành nghề kinh doanh ổn định và dòng tiền vững chắc tiếp tục tham gia hợp đồng thuê lâu dài.

Ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam

Ông Nguyễn Văn Đính- Phó chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam.

Ông Nguyễn Văn Đính- Phó Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho biết: "Trước những đợt khủng hoảng kéo dài do tác động của dịch covid-19 đã tác động tiêu cực đến kinh tế, xã hội và làm thị trường BĐS càng thêm khó khăn. Đặc biệt phân khúc thị trường BĐS cho thuê (nhà phố, căn hộ, văn phòng, trung tâm thương mại, dịch vụ cho thuê); phân khúc BĐS du lịch (khách sạn, cơ sở lưu trú du lịch…) và thị trường BĐS thứ cấp, mua đi bán lại cũng chịu ảnh hưởng lớn nhất".

Bên cạnh đó, các hoạt động du lịch, mua bán tại Đà Nẵng gần như tê liệt kéo theo hệ quả các doanh nghiệp, các đơn vị cho thuê hay các cửa hàng ảnh hưởng nặng về kinh tế, không có kinh phí để duy trì nên việc đóng cửa và sang nhượng mặt bằng là điều tất yếu sẽ xảy ra.

Thu Nga
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm