Bất động sản

Bất động sản hàng hiệu: Nhiều tiềm năng nhưng cần gỡ các "nút thắt"

DNVN - Là khái niệm mới tại Việt Nam, bất động sản hàng hiệu tại Việt Nam hội tụ nhiều tiềm năng để phát triển mạnh trong tương lai. Tuy vậy, theo chuyên gia của Tập đoàn Savills, để phân khúc này phát triển mạnh hơn, Việt Nam cần tháo gỡ các nút thắt để thu hút nhà đầu tư nước ngoài.

Căn hộ Sunshine Sky City chinh phục khách hàng nhờ sở hữu hàng loạt ưu điểm vượt trội / Phạt 500 triệu và đình chỉ kinh doanh tạm thời đối với dự án Aurora Residences liên quan đến DRH Holdings

Nhiều tiềm năng tăng trưởng
Thị trường bất động sản hàng hiệu đang trên đà tăng trưởng tích cực. Nghiên cứu của Savills năm 2021 chỉ ra, phân khúc này đã tăng trưởng 230% trong vòng một thập kỷ qua. Đồng thời, thị trường này dự báo sẽ chào đón hơn 900 dự án mới trên phạm vi toàn cầu trước năm 2026, con số gần gấp đôi số lượng nguồn cung hiện tại.
Theo ông Matthew Powell - Giám đốc Savills Hà Nội: Sau những thành công ghi nhận ở khu vực Bắc Mỹ - nơi vốn được coi là cái nôi của phân khúc bất động sản hàng hiệu, hiện các nhà phát triển đang liên tục mở rộng sang các khu vực khác, trong đó có châu Á – Thái Bình Dương, nơi sở hữu tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, tạo điều kiện cho sự phát triển của dòng sản phẩm cao cấp này.

Ông Matthew Powell - Giám đốc Savills Hà Nội.
Đây là một phân khúc ngách trong toàn bộ thị trường bất động sản, do nguồn cung khan hiếm và mức giá cao. Tại Việt Nam, bất động sản hàng hiệu vẫn là khái niệm khá mới. Do vậy, phân khúc này tại Việt Nam vẫn hội tụ nhiều tiềm năng để phát triển mạnh trong tương lai.
Các thành phố ven biển của Việt Nam đang là điểm đến lý tưởng của nhiều thương hiệu quốc tế uy tín. Không chỉ tập trung vào các thành phố lớn và địa điểm nghỉ dưỡng, nhiều thương hiệu cũng phát triển dự án ở các khu vực vệ tinh. Lựa chọn này xuất phát từ vị trí địa lý và tâm lý của người dân. Những dự án này sẽ đáp ứng được nhu cầu trải nghiệm du lịch ngắn ngày vào cuối tuần thay vì đặt vé máy bay tới các địa phương khác xa thành phố.
Cần chính sách ưu đãi
Về mặt lý thuyết, phân khúc hàng hiệu là sản phẩm mang tính thanh khoản cao với mức lợi nhuận có thể dự báo trước. Điều này là bởi một dự án bất động sản hàng hiệu sẽ đi kèm chất lượng xây dựng đạt tiêu chuẩn cao cùng đội ngũ quản lý và vận hành chuyên nghiệp để đảm bảo giá trị và định vị của sản phẩm.
Chuyên gia Savills nhận định, tiềm năng của lĩnh vực này tại thị trường Việt Nam nằm chủ yếu ở khách hàng nước ngoài bởi đây là đối tượng khách hàng đã quen thuộc với các thương hiệu quốc tế nên có xu hướng lựa chọn loại sản phẩm này.

Theo chuyên gia Tập đoàn Savills, Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển bất động sản hàng hiệu.
Để bất động sản hàng hiệu phát triển mạnh hơn, Việt Nam có thể thu hút nhà đầu tư ngoại thông qua ưu đãi từ chính sách hành chính. Một trong những biện pháp được áp dụng thành công trên quốc tế là chính sách ưu tiên visa dành cho người đã về hưu. Quy định thị thực này sẽ khuyến khích đầu tư liên quan đến du lịch từ những cá nhân ở nước ngoài.
Ngoài ra, quyền sở hữu bất động sản đối với nhà đầu tư ngoại quốc cũng có thể được xem xét để nới lỏng. Theo Nghị định số 99/2015/NĐ-CP, một cá nhân hay tổ chức nước ngoài sẽ chỉ được sở hữu tối đa 30% số căn trong một dự án căn hộ chung cư và 10% số căn đối với dự án nhà ở riêng lẻ. Đây là con số khá nhỏ khi một khu resort thường chỉ có dưới 50 hoặc 100 căn. Điều chỉnh pháp lý sẽ góp phần gia tăng sức hấp dẫn với đầu tư nước ngoài vào các dự án nghỉ dưỡng.
Lưu ý với chủ đầu tư
Với các chủ đầu tư, mô hình bất động sản hàng hiệu đòi hỏi dòng vốn mạnh. Chủ đầu tư có thể thực hiện huy động vốn thông qua việc bán hàng trước khi xây dựng nhằm giảm nhu cầu vốn chủ sở hữu và vốn vay.
Tuy nhiên, chuyên gia Savills Hotels cũng lưu ý rằng, nếu chủ đầu tư không có đủ tiềm lực tài chính mà phụ thuộc quá nhiều vào việc bán hàng thì có thể dẫn đến nguy cơ việc xây dựng bị trì trệ nếu kết quả bán hàng không đạt như mong đợi, gây bất lợi cho phía người mua.
Một điểm cần lưu tâm khác đó chính là tính khả thi khi đưa thương hiệu lớn vào sản phẩm của mình. Thông thường, sự hiện diện của những đơn vị này sẽ mang tới định vị đẳng cấp hơn cho dự án. Những thương hiệu truyền thống của lĩnh vực này thường tới từ những thương hiệu lớn trong ngành quản lý khách sạn.
Tại Mỹ và Châu Âu, số lượng thương hiệu tham gia vào thị trường này rất đa dạng, có thể kể đến các tên tuổi lớn trong ngành ô tô và thời trang như Porsche và Armani. Tuy nhiên, những vị trí và dự án khác nhau lại có những đặc điểm riêng biệt.
Vì vậy, khả năng để đầu tư bất động sản hàng hiệu cũng sẽ đa dạng hơn. Câu hỏi đặt ra cho thị trường Việt Nam là liệu mô hình bất động sản siêu sang này có phù hợp với nhu cầu và năng lực của thị trường? Đây là bài toán mà chủ đầu tư cần nghiên cứu kỹ lưỡng để có được lựa chọn phù hợp cho dự án bất động sản của mình.
Theo đánh giá của Giám đốc Savills Hà Nội, sự xuất hiện của bất động sản hàng hiệu là dấu hiệu cho sự phát triển tích cực của thị trường Việt Nam. Việc nhiều chủ đầu tư bất động sản quy mô lớn xuất hiện tại Việt Nam thời gian qua là minh chứng rõ nét của sự tiến bộ trong tài năng và chuyên môn của những đơn vị trong nước.
Do đó, chuyên gia Matthew Powell, cho rằng phân khúc hàng hiệu tại Việt Nam sẽ còn ghi nhận những mốc tăng trưởng mới. Thị trường không còn là sân chơi của các thương hiệu, nhà thiết kế quốc tế, mà mở rộng cho cả những đơn vị trong nước. Các kiến trúc sư, nhà đầu tư, phát triển Việt đang có nhiều cơ hội để thể hiện chất lượng thiết kế và xây dựng của bản thân.
Minh Thu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm