Bất động sản

Đại gia Dũng “lò vôi” mang hàng trăm sổ đỏ dự án Khu nhà ở Đại Nam đi thế chấp ngân hàng

DNVN - Theo Văn phòng Đăng ký đất đai thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Dương, Công ty CP Đại Nam đang thế chấp 309 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) dự án Khu nhà ở Đại Nam (phường Phú Tân, TP.Thủ Dầu Một) tại ngân hàng.

TP.HCM: Công ty Công ích quận 4 biến tầng thương mại chung cư Belleza thành nhà kho / Gỡ điểm nghẽn kết nối giao thông giữa Long An và TP.HCM

Cụ thể, tại văn bản số 318/VPĐKĐĐ&CGCN ngày 2/02/2021 của Văn phòng Đăng ký đất đai gửi Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Dương về việc cung cấp danh sách chủ đầu tư đã thế chấp dự án đầu tư xây dựng nhà ở ghi rõ:

"Căn cứ thông tư liên tịch số 07/2019/TT-BTP ngày 25/11/2019 của Bộ Tư pháp về việc hướng dẫn một số nội dung về đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất. Nay văn phòng Đăng ký đất đai cũng cấp danh sách chủ đầu tư đã thế chấp dự án nhà ở tại Văn phòng đăng ký đất đai cho Sở Tài nguyên và Môi trường. Cụ thể, Công ty Cổ phần Đại Nam: 309 GCN".

Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh Bình Dương cung cấp cho Sở Tài nguyên và Môi trường danh sách 309 sổ đỏ của Công ty CP Đại Nam tại dự án Khu nhà ở Đại Nam đã thế chấp.

Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh Bình Dương cung cấp cho Sở TN&MT danh sách 309 sổ đỏ của Công ty CP Đại Nam tại dự án Khu nhà ở Đại Nam đã thế chấp.

Theo danh sách đính kèm văn bản trên thì 309 Giấy chứng nhận (thuộc dự án Khu nhà ở Đại Nam, phường Phú Tân, TP. Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) được thế chấp tại Ngân hàng OCB – Chi nhánh Bình Dương theo hồ sơ số 03981.

Trước đó, tháng 10/2020, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Dương đã công khai danh sách 29 sổ đỏ dự án Khu nhà ở Đại Nam đang được Công ty CP Đại Nam thế chấp tại Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam - Chi nhánh Bình Dương theo hồ sơ số 2629 - 2630.

Theo tìm hiểu, dự án khu nhà ở Đại Nam do Công ty CP Đại Nam làm chủ đầu tư với tổng vốn đầu tư hơn 2.300 tỷ đồng. Dự án được UBND tỉnh Bình Dương chấp thuận chủ trương đầu tư từ cuối năm 2018 với quy mô hơn 105 ha cung cấp cho thị trường hơn 2.500 nền đất. Công ty CP Đại Nam là doanh nghiệp nổi tiếng tại tỉnh Bình Dương gắn liền với tên tuổi của ông Huỳnh Uy Dũng (hay còn gọi là Dũng “lò vôi”) sở hữu nhiều dự án, quỹ đất lớn.

Với vị trí đắc địa nằm trong tổng thể Khu liên hợp Công nghiệp - Dịch vụ - Đô thị Bình Dương, dự án khu nhà ở Đại Nam từng được kỳ vọng sẽ trở thành nơi đáng sống và đầu tư sinh lợi bậc nhất tại Bình Dương cho khoảng 20.000 người. Tuy nhiên, sau khi chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Khu nhà ở Đại Nam chưa lâu, ngày 28/5/2019, Thanh tra Sở Xây dựng Bình Dương ban hành Quyết định số 38/QĐ-XPVPHC xử phạt vi phạm hành chính đối với công ty CP Đại Nam vì xây dựng không phép.

Hàng trăm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại dự án Khu nhà ở Đại Nam của đại gia Dũng “lò vôi” đang thế chấp tại ngân hàng.

Hàng trăm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại dự án Khu nhà ở Đại Nam của đại gia Dũng “lò vôi” đang thế chấp tại ngân hàng.

Theo các chuyên gia kinh tế, việc chủ đầu tư các dự án bất động sản mang sổ đỏ nền đất thế chấp ngân hàng để vay vốn phục vụ hoạt động đầu tư kinh doanh nếu xét một cách tổng thể thì đây cũng là hoạt động bình thường của các doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh.

Tuy nhiên, sự việc này cũng đã và đang để xảy ra nhiều hệ luỵ cho khách hàng mua nền đất tại các dự án khi không được chủ đầu tư bàn giao sổ đúng hạn. Thực tế, đã có nhiều trường hợp chủ đầu tư không có khả năng thanh toán, giải chấp để mang sổ về khiến khách hàng phải căng băng rôn cầu cứu chính quyền dẫn đến tình trạng tập trung đông người gây mất an ninh trật tự tại địa phương.

Trao đổi với báo chí về việc hiện nhiều chủ đầu tư mang dự án đi thế chấp ngân hàng, Luật sư Nguyễn Đức Chánh - Đoàn luật sư TP.HCM cho biết: “Theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 19 Nghị định 99 năm 2015 của Chính phủ thì, trường hợp có thế chấp dự án đầu tư xây dựng hoặc thế chấp nhà ở sẽ bán, cho thuê mua thì chủ đầu tư phải gửi kèm theo giấy tờ chứng minh đã giải chấp hoặc biên bản thống nhất của bên mua, bên thuê mua nhà ở và bên nhận thế chấp về việc không phải giải chấp và được mua bán, thuê mua nhà ở đó...”

“Như vậy, trong trường hợp chủ đầu tư có thế chấp dự án/nhà ở thì phải giải chấp hoặc có biên bản thống nhất giữa khách hàng và ngân hàng về việc không phải giải chấp và được mua bán nhà ở thì mới đủ điều kiện được bán, bên cạnh điều kiện theo quy định tại khoản 1 Điều 55 của Luật Kinh doanhbất động sản”, vị luật sư phân tích.

“Việc chủ đầu tư mang dự án đi thế chấp là hết sức bình thường bởi để có nguồn tài chính xây dựng dự án, hầu như chủ đầu tư nào cũng mang dự án đi thế chấp. Và tất nhiên, người đang chịu thiệt nhiều nhất là khách hàng.

Bởi dự án đang được thế chấp mà chưa giải chấp thì việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người mua có thể bị kéo dài, dẫn đến tài sản vốn thuộc quyền sở hữu của người mua nhưng không thể thực hiện các giao dịch mua bán, tặng cho…

Hiện, quy định pháp luật chưa thực sự rõ ràng trong việc bảo vệ quyền lợi của người mua nhà. Nên quyền lợi của khách hàng khi xảy ra tranh chấp liên quan đến việc dự án bị thế chấp cũng còn nhiều rủi ro.

Vì vậy, cần có những hướng dẫn, quy định giải quyết những trường hợp nêu trên để bảo vệ quyền lợi khách hàng và đảm bảo tính minh bạch trong những giao dịch thị trường bất động sản”, ông Chánh cho hay.

Văn Đức
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm