Hai rào cản lớn của ngành xây dựng trong cải thiện hồ sơ tín nhiệm
Bcons Solary: Không gian sống hiện đại giữa lòng đô thị trẻ / Thương hiệu bán lẻ ngày càng 'chuộng' trung tâm thương mại
Theo báo cáo mới công bố của CTCP Xếp hạng tín nhiệm Đầu tư Việt Nam (VIS Rating), hồ sơ tín nhiệm của ngành xây dựng đã có cải thiện nhẹ trong ba tháng đầu năm, chủ yếu nhờ nhu cầu xây dựng tăng mạnh từ các dự án đầu tư công và bất động sản được tháo gỡ thủ tục pháp lý. Đáng chú ý, Nghị định 175/2024/NĐ-CP cùng chỉ đạo gần đây của Chính phủ đang góp phần rút ngắn thời gian phê duyệt và cấp phép xây dựng mới, tạo thuận lợi cho hoạt động triển khai dự án.
Đặc biệt, định hướng thúc đẩy nhà ở xã hội đã mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp lớn trong ngành như Công ty Cổ phần Xây dựng Coteccons (CTD), Công ty Cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC) và CTCP Đầu tư Xây dựng Newtecons.
Theo VIS Rating, giá trị hợp đồng chưa thực hiện của nhiều nhà thầu lớn tiếp tục tăng mạnh. CTD đạt mức 37.000 tỷ đồng (tăng 6% so với quý trước), còn VCG (Tổng Công ty Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam) ước tính khoảng 30.000 tỷ đồng (tăng 7%).

Dù vậy, thách thức lớn nhất của ngành hiện nay đến từ chi phí đầu vào leo thang. Trong 5 tháng đầu năm, giá cát xây dựng tăng tới 30%, xi măng tăng 8% và thép tăng gần 2%. Điều này khiến biên lợi nhuận trước lãi vay, thuế, khấu hao và khấu trừ (EBITDA) toàn ngành giảm từ 9,8% xuống còn 9%, ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng sinh lời và thanh toán nợ.
Một điểm sáng khác là khả năng tiếp cận vốn đang được cải thiện rõ rệt. Tín dụng toàn ngành tăng 3,56% tính đến tháng 4/2025, cao hơn nhiều so với mức 0,7% của cùng kỳ năm ngoái. Nợ ngắn hạn tăng 7%, chiếm gần 70% tổng nợ vay – phản ánh nhu cầu vốn lưu động gia tăng khi hoạt động thi công được đẩy mạnh.
Mức lãi suất vay trung bình giảm về 5,8%/năm cũng đang tạo thêm dư địa thanh khoản cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh vẫn ở mức âm, trong khi phần lợi nhuận giữ lại chưa đủ để bù đắp nhu cầu vốn ngày càng tăng.
Theo báo cáo, các công ty xây dựng quy mô lớn đang duy trì lợi thế rõ rệt về khả năng trả nợ và thu hồi công nợ. Hệ số bao phủ lãi vay của nhóm này đạt 3,5 lần – cao hơn đáng kể so với mức 2,1 lần của nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ngoài ra, vòng quay khoản phải thu của các công ty lớn cũng nhanh hơn, giúp duy trì thanh khoản trong môi trường chi phí cao và cạnh tranh gay gắt.
Dù doanh thu toàn ngành dự kiến tăng 15% trong năm nay, nhưng lợi nhuận kế hoạch lại giảm 4% do biên lợi nhuận bị co hẹp. Tỷ lệ đòn bẩy tài chính (nợ vay/EBITDA) duy trì ở mức 4,9 lần – phản ánh rủi ro tiềm ẩn nếu thị trường đầu ra có biến động.
VIS Rating dự báo, hoạt động xây dựng sẽ tăng tốc trong nửa cuối năm khi các kế hoạch giải ngân đầu tư công được đẩy mạnh và thị trường bất động sản có dấu hiệu phục hồi. Tuy nhiên, chi phí đầu vào cao và cạnh tranh khốc liệt sẽ tiếp tục là rào cản chính đối với khả năng cải thiện hồ sơ tín nhiệm của ngành.
Các doanh nghiệp được khuyến nghị tập trung vào nâng cao năng lực quản trị dòng tiền, kiểm soát chi phí và mở rộng kênh huy động vốn để tăng sức chống chịu trước biến động.
End of content
Không có tin nào tiếp theo