Hơn 80% nhà đầu tư nước ngoài yêu cầu tiêu chuẩn ESG lĩnh vực bất động sản công nghiệp
Các doanh nghiệp đua nhau mở rộng quỹ đất bất động sản công nghiệp / Nguy cơ khủng hoảng "thừa" khi bất động sản công nghiệp tăng trưởng nhanh
Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong 7 tháng đầu năm 2024, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam đạt hơn 18 tỷ USD, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, số vốn đã được giải ngân đạt hơn 12,55 tỷ USD, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm trước.
Như vậy, trong 7 tháng năm đầu năm nay, cả vốn đầu tư đăng ký và vốn đầu tư thực hiện tiếp tục tăng so với cùng kỳ, với mức tăng lần lượt là 10,9% và 8,4%. Đặc biệt, riêng tháng 7 đã ghi nhận tổng lượng vốn đăng ký hơn 2,8 tỷ USD - chiếm 15,6% tổng vốn đầu tư trong 7 tháng.
Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt hơn 12,65 tỷ USD, chiếm 70,3% tổng vốn đầu tư đăng ký, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước.
Đáng chú ý, ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư hơn 2,87 tỷ USD, chiếm gần 16% tổng vốn đầu tư đăng ký, tăng 78% so với cùng kỳ. Đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực bất động sản đã có bước tăng trưởng khá mạnh.
Bà Vân Nguyễn - Giám đốc cấp cao Khối thị trường giao dịch phía Bắc, JLL Việt Nam nhận định, thị trường khu công nghiệp Việt Nam đang có chuyển biến về chất lượng thu hút vốn đầu tư. Việt Nam đang trong làn sóng thu hút đầu tư mới và xu hướng tương lai là sẽ phát triển theo chiều sâu, định vị Việt Nam là thị trường tiến bộ, thu hút các nhà đầu tư trình độ cao.
Đồng quan điểm, ông Trương An Dương - Giám đốc điều hành khu vực phía Bắc và Khối bất động sản nhà ở Frasers Property Vietnam cho rằng, thị trường khu công nghiệp Việt Nam đã có sự phát triển khá mạnh thời gian qua. Trong đó có yếu tố thúc đẩy từ sự phát triển của hạ tầng giao thông cảng biển, sân bay phục vụ cho hoạt động xuất nhập khẩu.
Ông Tom Over - Giám đốc vận tải & công nghiệp, JLL Việt Nam & châu Á - Thái Bình Dương cũng cho rằng, thị trường bất động sản công nghiệp tại Việt Nam còn nhiều tiềm năng phát triển. Ở thời điểm hiện tại, GDP của Việt Nam đã tăng trưởng trở lại, xuất khẩu tăng 15% trong 6 tháng đầu năm 2024. Về tình hình đầu tư nước ngoài, Việt Nam vẫn là một trong những quốc gia nổi bật trong khu vực.
“Những số liệu nghiên cứu của JLL cho thấy, thị trường Việt Nam đang có sự phát triển nhiều, nhất là đang có nhiều dòng tiền đổ vào. Thông điệp chung của chúng tôi là hành trình vẫn còn rất dài và chúng ta mới ở đầu hành trình thôi”, ông Tom Over nhận định.
Nhấn mạnh quan điểm Việt Nam đang đứng trước cơ hội đón nhận làn sóng đầu tư trực tiếp nước ngoài lần thứ 4, kéo theo bất động sản công nghiệp phát triển nhưng Savills Việt Nam đặc biệt lưu ý, các khu công nghiệp cần chú ý đến xu hướng xanh để tăng sức hấp dẫn với các nhà đầu tư.
Dựa trên dữ liệu sơ cấp từ quá trình làm việc với khách hàng, chuyên gia của Savills đánh giá khoảng 80% – 85% các nhà đầu tư nước ngoài có yêu cầu về tiêu chuẩn ESG. Việt Nam phải thích ứng với xu hướng này.
End of content
Không có tin nào tiếp theo