Bất động sản

Nhiều khoản vay tín dụng của doanh nghiệp bất động sản có nguy cơ thành nợ xấu

DNVN - Dù con số dư nợ tín dụng và nợ xấu bất động sản tại TP.HCM vẫn đang nằm trong ngưỡng an toàn nhưng Hiệp hội Bất động sản TP.HCM - tổ chức đại diện cho doanh nghiệp trong ngành vẫn đưa ra lời cảnh báo về rủi ro tiềm ẩn khi các khoản vay tín dụng có nguy cơ chuyển sang nợ xấu.

Đà Nẵng: Hướng dẫn mới nhất về xử lý vướng mắc trong cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất / Đồng Nai: Bất lực hay buông lỏng trong quản lý về trật tự xây dựng?

Theo số liệu từ Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn thành phố trong 10 tháng đầu năm 2020 vào khoảng 2,42 triệu tỷ đồng (tương đương trên 104 tỷ USD), tăng 5,5% so với cuối năm 2019. Trong đó, nợ trung và dài hạn chiếm 52%.

Trong đó, dư nợ tín dụng bất động sản đạt khoảng 293.750 tỷ đồng, tăng gần 6% so với cuối năm 2019. Nợ xấu tín dụng của doanh nghiệp bất động sản chiếm 2,7% tổng dư nợ.

Đối với chương trình cho vay hỗ trợ nhà ở (gói 30.000 tỉ đồng theo Nghị quyết 02/NQ-CPcủa Chính phủ), thì dư nợ còn 2.985 tỉ đồng với 8.554 khách hàng, bao gồm hai doanh nghiệp dư nợ 120 tỉ đồng và 8.552 cá nhân, hộ gia đình dư nợ 2.865 tỉ đồng.

Theo Chủ tịch HoREA, TPHCM: Một số khoản vay tín dụng bất động sản có nguy cơ thành nợ xấu.

Theo nhận định của Chủ tịch HoREA, một số khoản vay tín dụng bất động sản có nguy cơ thành nợ xấu.

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, dư nợ tín dụng và nợ xấu bất động sản tại TP.HCM vẫn còn trong ngưỡng an toàn nhưng tiềm ẩn rủi ro. Khả năng một số khoản vay tín dụng bất động sản có nguy cơ chuyển thành nợ xấu, trong đó có cả nguồn vốn đầu tư trái phiếu bất động sản của các tổ chức tín dụng và cá nhân.

"Cần quan tâm đến dư nợ tín dụng tiêu dùng, nhất là đối với một số khoản vay sửa nhà, xây nhà, nhưng chuyển sang kinh doanh bất động sản. Số này chiếm 1,7% tổng dư nợ tín dụng tiêu dùng, cần phải có cơ chế kiểm soát và quản lý phù hợp", Chủ tịch HoREA lưu ý.

Ngoài ra, số liệu của HoREA cho biết, trong 9 tháng đầu năm, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã có gần 1.100 đợt phát hành từ 175 doanh nghiệp với tổng giá trị 341.000 tỉ đồng, tăng 79% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, các doanh nghiệp bất động sản phát hành 173.500 tỉ đồng, chiếm hơn 40% và đây là tỷ trọng cao nhất toàn thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Nhưng, đáng quan ngại là tỷ lệ nhà đầu tư trái phiếu là cá nhân chiếm đến hơn 20% số lượng nhà đầu tư và nguồn vốn đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng chiếm tỷ trọng lớn, tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhất là vào thời điểm đáo hạn trái phiếu.

“Nhằm tăng cường công tác quản lý thị trường trái phiếu doanh nghiệp, kể từ ngày 1/9/2020, Nghị định 81/2020/NĐ-CP có hiệu lực, quy định chặt chẽ các điều kiện phát hành, nên lượng trái phiếu tháng 09/2020 giảm đến 84% so với tháng 08/2020. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp, trong đó có trái phiếu bất động sản sẽ được kiểm soát chặt chẽ hơn”, ông Châu chia sẻ.

Dẫu vậy, bất cập lớn hiện nay là chưa có các tổ chức tư vấn uy tín (tương tự như Fitch Ratings) để đánh giá, xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp phát hành trái phiếu nhằm đảm bảo minh bạch thông tin cũng như góp phần bảo vệ nhà đầu tư trái phiếu.

Nguồn cung sụt giảm mạnh

Theo phân tích của Hiệp hội Bất động sản TPHCM, thị trường bất động sản từ đầu năm đến nay được chia làm hai giai đoạn, từ tháng 3 đến tháng 7 thị trường bất động sản bị tác động nặng nề bởi đại dịch Covid-19, làm trầm trọng thêm những khó khăn sẵn có của thị trường bất động sản trong 3 năm gần đây. Thị trường bịsụt giảm cả nguồn cung dự án và nguồn cung sản phẩm nhà ở, nhất là loại căn hộ có giá vừa túi tiền và nhà ở xã hội.

Đặc biêt, đại dịch Covid-19 đã tác động rất lớn đến phân khúc bất động sản cho thuê (văn phòng cho thuê; nhà, mặt bằng cho thuê; trung tâm thương mại cho thuê); bất động sản du lịch, condotel; môi giới bất động sản và khoảng 35 ngành nghề có liên quan bất động sản.

Theo thống kê của Sở Xây dựng TP.HCM, trong 9 tháng đầu năm, chỉ có 20 dự án nhà ở đủ điều kiện huy động vốn (giảm 37,5% so với 9 tháng đầu năm 2019) với 6.722 căn (giảm 65,8% so với 9 tháng đầu năm 2019).

Trong đó, chỉ có 163 căn hộ bình dân, chiếm tỉ lệ 2,5% trong tổng số nhà ở dự án (giảm đến 98,5% so với cùng kỳ năm 2019); chỉ có 1.863 căn hộ trung cấp, chiếm tỉ lệ 25% (giảm 56,4% so với 9 tháng đầu năm 2019). Trong khi đó, có đến 4.876 căn hộ cao cấp, chiếm tỉ lệ 72,5%, cao nhất trong tổng số nhà ở thương mại và tăng 24,5% so với cùng kỳ 2019.

Văn Đức
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm