Góc nhìn

Kỳ vọng đầu tàu kinh tế Đông Nam Bộ

Nhìn từ những chỉ tiêu thống kê có thể thấy Đông Nam Bộ (ĐNB) là trung tâm quan trọng của nền kinh tế cả nước, thế nhưng tiến sĩ Trần Du Lịch - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội vẫn cho rằng sự phát triển của vùng này lâu nay vẫn chưa xứng với tiềm năng.

 

Ông đánh giá thế nào về vị trí, vai trò của ĐNB trong phát triển kinh tế -xã hội chung của đất nước?
 
-Thực tế đã chứng minh, nhờ vị thế địa kinh tế quan trọng đã giúp ĐNB trở thành vùng kinh tế mở cửa năng động, đóng vai trò là cửa ngõ kinh tế và cầu nối Việt Nam với thế giới.
 
Sản xuất đồ gỗ xuất khẩu tại Công ty cổ phần công nghiệp gỗ Kaiser VN (KCN Mỹ Phước, tỉnh Bình Dương).
 
Đến nay, vùng ĐNB chiếm 38% GDP, đóng góp gần 60% ngân sách quốc gia, GDP tính theo đầu người cao gần gấp 2,5 lần mức bình quân cả nước, hơn 2,5 lần so với vùng đồng bằng sông Hồng (vùng có GDP đầu người cao thứ 2 cả nước), là vùng có hạ tầng cơ sở tốt nhất, có tỷ lệ đô thị hóa cao nhất nước. Thực tế, 6 trên 13 địa phương có đóng góp cho ngân sách trung ương đều thuộc các tỉnh ĐNB, đã chứng minh sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế khu vực này…

Là vùng có lợi thế nhất cả nước, những đóng góp như vậy của ĐNB, theo ông, liệu đã tương xứng?
 
-Có thể nói, ĐNB là địa phương thu hút đầu tư mạnh nhất. TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai đều tập trung phần lớn các khu công nghiệp, trong các khu công nghiệp này lại được lấp đầy chứ không có hiện tượng bỏ hoang như nhiều tỉnh thành khác. Cảng biển thì khu vực này có các cảng biển lớn thuộc Bà Rịa - Vũng Tàu (cảng Cái Mép - Thị Vải) và TP.HCM (cảng Cát Lái), chiếm tỷ trọng lớn trong giao thương quốc tế. Ngoài ra, ĐNB cũng là địa phương phát triển mạnh các cây công nghiệp, công nghiệp chế biến, trong lĩnh vực chăn nuôi thì ĐNB tập trung hầu hết các nhà chế biến thức ăn lớn trong và ngoài nước, cũng nơi dẫn đầu cả nước về chăn nuôi…
 
Tuy nhiên, tôi cho rằng phát triển đó chưa đúng với tiềm năng, là vì dù có lợi thế nhưng các địa phương chưa khai thác hết được. Lấy ví dụ, cảng Cái Mép - Thị Vải (Bà Rịa - Vũng Tàu) dù rất tốt, nhưng do quy hoạch giao thông đường bộ chưa tốt, nên phần lớn giao thương quốc tế đổ về Cái Lái (TP.HCM), gây ùn ứ. Hoặc dù có tiềm năng phát triển cây cao su nhưng hiện nay vẫn chỉ dừng lại ở mức độ khai thác cây bán mủ, chưa có các sản phẩm cao su công nghiệp, công nghệ cao…

Chính sách phát triển cảng biển hay nâng cao giá trị gia tăng trong sản xuất đã được hoạch định từ hàng chục năm nay, nhưng vì sao thực trạng này vẫn kéo dài?
 
-Có nhiều nguyên nhân, nhưng theo tôi sâu xa nhất vẫn là bởi các “thành viên” vẫn đang còn duy trì tư duy kinh tế cục bộ từng tỉnh, thiếu đi sự hợp tác, liên kết hoặc có liên kết mà chưa phát huy tác dụng, chưa có phối hợp của toàn vùng. Tôi ví dụ, nói đến vùng kinh tế trọng điểm phía Nam từ hàng chục năm nay đã có ban chỉ đạo, nhưng sự điều phối phát triển chung vẫn chưa thực hiện được.
 
Vụ việc lấp sông Đồng Nai gần đây mà báo chí nêu là một ví dụ. Thực tế đây là vấn đề chung về tài nguyên, môi trường, nhưng khi xảy ra vụ việc các tỉnh cũng không ngồi với nhau được để giải quyết. Thậm chí là từ hàng chục năm nay đã tồn tại cái gọi là Ban chỉ đạo lưu vực sông Đồng Nai - sông Sài Gòn nhưng cũng không thấy ai lên tiếng.
 
Vậy theo ông, cần những giải pháp nào để khắc phục, từ đó ĐNB thực sự thành đầu tàu phát triển kinh tế cả nước?
 
-Như tôi đã nói, các thành viên của vùng kinh tế ĐNB phải cùng nhau phối hợp tốt để tháo gỡ 4 lĩnh vực, gồm: Thứ nhất là phân bố lực lượng sản xuất một cách có hiệu quả, thứ hai là giải quyết giao thông nối kết để giảm chi phí cho DN, thứ ba là phát triển một thị trường nguồn nhân lực chung, thứ tư là giải quyết vấn đề bảo vệ môi trường chung.
 
Chẳng hạn, đối với các địa phương lân cận, TP.HCM là “hậu cần” để thu hút đầu tư phát triển. TP.HCM tập trung các ngành nghề dịch vụ, tài chính, ngân hàng, đào tạo cung ứng nhân lực…, còn các tỉnh sẽ phát triển các khu công nghiệp. Ví dụ như Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu phát triển rất mạnh thu hút vốn FDI, thì TP.HCM là nơi các chuyên gia chọn để ăn, ở, sinh hoạt, giải trí… Như vậy cũng đồng thời giảm áp lực tăng dân số lao động phổ thông cho TP.HCM.

Xin cảm ơn ông!
Theo Dân Việt
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo