Lại định xây căn hộ “hộp diêm”?
Phá vỡ quy hoạch
Luật Nhà ở quy định căn hộ thương mại rộng tối thiểu 45m2, theo kiến trúc sư (KTS) Lưu Trọng Hải (Hội KTS TP.HCM) là cách hạn chế nén dân vào các khu chung cư và để đảm bảo những nhu cầu tối thiểu của con người như ăn, ngủ, học tập, tiếp khách...
Nhu cầu căn hộ siêu nhỏ là có thật, song đứng từ góc độ quy hoạch, kiến trúc và quản lý xã hội thì nhất định phải xem lại. Theo KTS Hải, căn hộ chỉ có 25m2 sẽ phá vỡ quy hoạch đô thị, hơn nữa cũng không đáp ứng được cho đến nơi đến chốn nhu cầu chỗ ở của người dân.
Chưa kể, hiện nay TP.HCM đang hướng tới xây dựng cơ cấu đô thị bền vững, với những công trình có tuổi thọ ít nhất 70 - 75 năm. Nếu cho xây dựng các chung cư siêu nhỏ, manh mún, chỉ đáp ứng nhu cầu ngắn hạn là đi ngược với mục tiêu phát triển đô thị.
Căn hộ siêu nhỏ cũng không phù hợp với nghị quyết và chủ trương của Thành ủy và UBND TP.HCM về chỉ tiêu phát triển nhà ở giai đoạn 2010 - 2015 và định hướng 2020.
Theo số liệu tổng điều tra dân số và nhà ở, diện tích cư trú bình quân trên địa bàn TP hiện là 25,7 m2/người. Trên cơ sở này, TP đang nghiên cứu đề ra chỉ tiêu phấn đấu nâng diện tích cư trú bình quân lên 26,9 m2/người vào năm 2015 và đạt 28,3 m2/người vào năm 2020.
Trong khi đó, đề xuất xây căn hộ 25m2 nếu chỉ cho 1 người ở thì cũng đã kéo giảm tiêu chuẩn bình quân nhà ở trên đầu người của TP vào thời điểm hiện tại, chứ đừng nói 5 - 10 năm sau hay lâu hơn.
Không quản lý được
KTS Nguyễn Ngọc Dũng - Ủy viên BCH Hội KTS TP.HCM - cho rằng việc doanh nghiệp muốn xây căn hộ siêu nhỏ là bình thường, bởi họ chỉ đơn thuần dựa trên bài toán cung - cầu và lợi nhuận để đề xuất.
Nhưng Bộ Xây dựng là cơ quan "gác cửa" công tác quy hoạch, xây dựng, mà lại đưa ra một đề xuất có thể gây ảnh hưởng lâu dài cho quy hoạch đô thị thì rất khó hiểu. Bởi với các "siêu đô thị" như TP.HCM và Hà Nội, việc xây dựng nhà ở không chỉ dựa trên nhu cầu mà còn phải căn cứ vào quy hoạch, chiến lược và điều kiện cơ sở hạ tầng hiện hữu.
Hiện nay, mục tiêu chiến lược của TP.HCM và Hà Nội là giãn dân ra ngoại thành và các địa phương lân cận. Nếu cho phép phát triển các khu chung cư siêu nhỏ trong nội thành sẽ là động thái khuyến khích tăng mật độ dân số, khiến nhu cầu về giao thông, chỗ đậu xe, bệnh viện, trường học, y tế, mảng xanh… đã quá tải càng trở nên quá tải.
Thực trạng phố cổ Hà Nội hiện nay là một minh chứng: nhà chật chội, ăn ngủ khổ, vệ sinh cũng khổ. Đây là hậu quả của việc quản lý diện tích nhà ở không nghiêm và bây giờ đang phải tính tới chuyện di dời hàng ngàn hộ dân.
Là người có kinh nghiệm tiếp cận với công tác quy hoạch đô thị tại nhiều nước trên thế giới, ông Dũng khẳng định một số nước có đầu tư các phòng siêu nhỏ 20 - 30m2 (còn gọi là “studio”).
Tuy nhiên, các "studio" này chỉ cho thuê nhằm quản lý sử dụng theo đúng quy định, đơn thuần là nơi để ngủ nghỉ, tương tự các khách sạn, ký túc xá, khu lưu trú (trong đó khống chế không cho phép sử dụng một số dịch vụ như ăn uống, nấu nướng...).
Hơn nữa, các nước này có trình độ phát triển cao, hạ tầng hoàn hảo, công tác quản lý quy hoạch, quản lý sử dụng tại các khu dân cư cũng rất chặt chẽ. Do đó, nếu đưa ra mô hình căn hộ 25m2 tại VN thực chất là mập mờ về thuật ngữ và cả quy chuẩn, gọi là căn hộ nhưng về cơ bản không khác phòng trọ.
Nếu "bật đèn xanh" cho xây căn hộ siêu nhỏ thì các chủ đầu tư sẽ "nhảy" vào làm ầm ầm, và đẩy các đô thị tới tình cảnh mọc lên các khu "hộp diêm", đè nặng lên hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội.
Kinh nghiệm singapore Singapore cách đây 30 năm cũng cho phát triển mô hình căn hộ 40m2 do chính phủ đầu tư và giao Cục Phát triển gia cư phân phối cho người dân. Tuy nhiên, chính phủ khống chế thời gian sử dụng các căn hộ này trong khoảng 20 năm, sau thời gian này, nhà được trả lại cho chính phủ để tiến hành mở bung ra 80 - 100m2 (tất nhiên thiết kế căn hộ đã được tính sẵn trước đó để dễ dàng mở rộng). Như vậy, Singapore phát triển căn hộ siêu nhỏ theo một kịch bản phù hợp với xu thế phát triển, chứ không phải làm tạm. (KTS Nguyễn Ngọc Dũng - Ủy viên BCH Hội KTS TP.HCM) |
Theo Phương Thanh (TN)
End of content
Không có tin nào tiếp theo