Làm gì để cân đối cán cân thương mại Việt Nam-Trung Quốc?
PV: 11 tháng đầu năm nay, nhập siêu của Việt Nam từ Trung Quốc đã lên mức 21,6 tỷ USD. Ông đánh giá sao về tình hình này?
TS Nguyễn Minh Phong: Năm 2001, Việt Nam nhập siêu từ Trung Quốc mới chỉ là 210 triệu USD, thì đến năm 2012, kim ngạch nhập siêu của Việt Nam từ thị trường này đã lên tới 16 tỷ USD và hiện tại là gần 22 tỷ USD, tăng liên tục qua các năm.
Nguyên nhân là Việt Nam có những ngành phải phụ thuộc và nguyên liệu của họ, chưa thay thế hoặc không thay thế được, nhất là dệt may, da giày. Thứ hai là sản phẩm của họ cạnh tranh hơn, có những cái trong nước, không sản xuất được thì phải nhập về.
Điều này còn xuất phát từ tâm lý người dân thích mua bán qua biên giới cho nhanh, trốn thuế… Những mặt hàng nhu yếu phẩm có mặt ở tất cả các thị trường từ nông thôn đến thành thị đều là hàng nhập tiểu ngạch vì Việt Nam có đường biên giới dài với Trung Quốc, cộng với hàng rào kỹ thuật của mình chưa xây dựng tốt, do vậy khả năng kiểm soát rất khó.
Tất cả lý do trên khiến các dòng hàng nhập vào là chính, xuất sang là phụ. Ngoài ra, chính sách của Trung Quốc cũng hỗ trợ doanh nghiệp rất mạnh để sản xuất hàng xuất khẩu sang Việt Nam. Có cả chính sách như thế, thậm chí chính sách phá giá, chính sách hỗ trợ mang tính chiến lược của chính phủ Trung Quốc.
Tác động nguy hiểm thì trước hết là sự mất cân đối sản xuất trong nước, thứ 2 là mất việc làm, tiếp nữa là hàng hóa của Trung Quốc có rất nhiều hàng xấu, hàng kém chất lượng, ảnh hưởng tới sức khỏe giống nòi, chưa kể người dân Việt Nam thiệt thòi về quyền lợi. Bên cạnh đó sự ảnh hưởng đến vấn đề phá sản, mất tiềm lực phát triển của doanh nghiệp trong nước nếu sản xuất những mặt hàng giống của họ.
Tất nhiên cũng có một vài mặt tích cực như giúp người dân mua được hàng rẻ, duy trì 1 phần nào mức giá vừa thì lạm phát cũng thấp đi, đồng thời một số nguyên liệu và máy móc của họ nếu phù hợp cũng giúp cho Việt Nam sản xuất hàng xuất khẩu, hoặc sản xuất, tiêu dùng trong nước. Nhưng tính tổng lại thì tốt không bằng xấu. Chính phủ các nước có thông báo chính thức trong thời gian vừa rồi và coi đó là vấn đề cần phải được làm cân bằng, được nhìn nhận ở cấp độ vĩ mô.
PV: Có trên 50% nguyên phụ liệu cho ngành dệt may Việt Nam đang nhập khẩu từ TQ. Doanh nghiệp dệt may trong nước liệu có nên lưu tâm về vấn đề này nhiều hơn hay không bởi yêu cầu về nguyên tắc xuất xứ hàng hóa ở TPP rất chặt chẽ?
TS Nguyễn Minh Phong: Vướng mắc lớn nhất đối với ngành dệt may chính là nếu không khai thác được xuất xứ hàng hóa 100% trong TPP thì sẽ không được hưởng lợi từ xuất khẩu, ngược lại còn bị cạnh tranh rất mạnh từ các nước cùng khối.
Trên thực tế, một số doanh nghiệp trong nước đã đầu tư trong nước để sản xuất vùng nguyên liệu, đa dạng hóa nguồn cung, hoặc chuyển sang các nước sau này có khả năng cùng nhóm TPP. Một việc cần làm nữa là có thể dịch chuyển một số mặt hàng sản xuất để bớt phụ thuộc vào dòng nguyên liệu đó.
Cuối cùng là tìm nguyên liệu thay thế ở trong nước. Đó là những giải pháp trên thực tế đang triển khai. Tuy nhiên do đất đai, điều kiện tự nhiên, ví dụ như vùng nguyên liệu bông nước mình chưa có nhiều nên cũng chưa thể mở rộng các vùng nguyên liệu cho ngành này.
PV: Theo ông, trong năm 2014 cần làm gì để cân đối cán cân thương mại Việt Nam-Trung Quốc?
TS Nguyễn Minh Phong: Việc này phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Thứ nhất, những doanh nghiệp đang nhập nguyên liệu của Trung Quốc không thể rút ngay được vì không có nguồn thay thế, chính vì vậy còn tùy thuộc vào cá nhân doanh nghiệp đó.
Thứ hai quan trọng hơn là Chính phủ nên có tổng rà soát đánh giá nhu cầu, đưa ra quy hoạch để sản xuất trong nước thay thế bao gồm vùng nguyên liệu, công nghiệp phụ trợ, có khu công nghiệp mới để sản xuất, tăng hàm lượng trong nước. Có một số mặt hàng mà lợi thế không còn thì nên chuyển, nhưng đó cũng là hướng lâu dài, có lúc mình mất lợi thế cạnh tranh, hơn nữa làm thì chỉ lợi cho đội bạn thì nên chuyển.
Ngoài ra cần lập lại hàng rào kỹ thuật, kiểm soát biên giới, đặc biệt phải yêu cầu buôn bán qua chính ngạch để kiểm soát tốt hơn, chứ như hiện tại buôn lậu quá nhiều, qua biên giới theo kiểu đường mòn thì số lượng rất khó để tính hết được. Chất lượng hàng kém, thất thu thuế, hơn nữa khi có tranh chấp xảy ra mình cũng không thể kiện được. Mình là người tiêu thụ mà lại thiệt đủ thứ. Chính vì thế trách nhiệm của hải quan rất nặng nề.
Một điều nữa là còn phụ thuộc khá lớn vào lợi ích nhóm, địa phương nào có buôn lậu lớn thì họ dung túng, một số người trong cuộc trách nhiệm trực tiếp cũng thích kiểu lobby hơn. Biên giới rất rộng, 1 đồn chỉ có 10 người mà quản lý 30 km, thì không kiểm soát hết được. Vấn đề là phải dùng biện pháp kinh tế, không dùng biện pháp hành chính nữa.
Cách thứ nhất là thông tin về thực tế chất lượng hàng của Trung Quốc để người dân biết được, và khi mua bán người tiêu dùng sẽ thận trọng, từ đó động lực buôn lậu dần mất đi. Thứ hai là phải phát triển, tạo điều kiện cho sản xuất ở trong nước, giá rẻ, chất lượng yên tâm thì người dân sẽ mua.
Vấn đề nữa liên quan tới việc có thể tổ chức những hình thức mới để quản lý biên giới. Ví dụ như giao khoán cho những trưởng trạm, trưởng đồn, có trách nhiệm thực hiện nếu để xảy ra buôn lậu nhiều thì sẽ bị phạt, việc này gần như đấu thầu các vị trí.
Hiện nay lương cán bộ ngành này thấp, không bắt lậu thì không được chia, làm tốt không được khen, bị mất quyền lợi nên họ sẽ tắc trách, vẫn có động cơ làm sai, chưa kể nguy hiểm lại không được bảo vệ, bởi các đối tượng buôn lậu sẵn sàng giết người.
Những đơn vị như Hải quan, quản lý thị trường…cần tổ chức hình thức đấu thầu trách nhiệm. Nếu đảm bảo ngăn chặn buôn lậu với mức độ nào thì sẽ được thưởng, có những chế độ khuyến khích, kể cả tài chính và hành chính. Tôi tin rằng nếu quyết tâm, có lợi ích vật chất một cách thiết thực thì trách nhiệm sẽ cao hơn rất nhiều.
Trân trọng cảm ơn ông!
End of content
Không có tin nào tiếp theo