Doanh nghiệp

Làm giàu từ ý chí vươn lên

Từ một gia đình khó khăn, chồng bị di chứng chất độc da cam, làm ruộng không hiệu quả, chị Đào Thị Thiện – Chủ nhiệm HTX sản xuất chế biến và tiêu thụ sản phẩm nấm Sáng Thiện Quảng Hội - quyết tâm đổi nghề. Sản xuất nấm đã giúp chị thoát nghèo. Năm 2013, chị là một trong số 62 gương nông dân Việt Nam xuất sắc do Hội Nông dân Việt Nam trao tặng.

Chị Thiện bên khu vực sản xuất nấm.

Cứu mình cứu người

Nhớ lại ngày đầu tiên đến với nghề trồng nấm, chị Đào Thị Thiện – thôn Quảng Hội, xã Quang Tiến, huyện Sóc Sơn, Hà Nội không thể quên. Đó là ngày 15.4.2006 chị quyết tâm thoát nghèo từ sản xuất nấm. Qua tivi chị biết được mô hình trồng nấm có thể thu lãi cao và tạo công ăn việc làm cho bà con nông dân.

Với 2 triệu đồng vốn tự có do tham gia Quỹ Tình thương phụ nữ nghèo, chị làm đơn xin vay tiền Ngân hàng Phát triển nông thôn huyện Sóc Sơn thêm 8 triệu đồng. Vẻn vẹn 10 triệu đồng vốn khởi nghiệp ban đầu chị quyết tâm trồng nấm.

Lúc đầu chị chỉ trồng nấm rơm trên quy mô gia đình 200m2, vừa làm vừa học hỏi một số mô hình trồng nấm. Sau hai tháng triển khai, chị tìm xuống Trung tâm Công nghệ sinh học thực vật (Viện Di truyền Nông nghiệp Hà Nội) để học hỏi kỹ thuật, mua sách.

Khi gặp khó khăn, chị gọi điện vào đường dây nóng nhờ các thầy cô hỗ trợ. Từ giống nấm đầu tiên (nấm rơm), chị phát triển trồng thêm nấm sò, nấm mỡ. Chỉ sau hai tháng, chị đã trồng thành công 3 loại nấm này. Sau một năm, chị mở rộng diện tích trồng nấm lên 650m2.

Nhờ mô hình trồng nấm, gia đình chị Thiện đã thoát nghèo, trở thành hộ kinh tế điển hình của thôn, xã. Tháng 7.2010, chị thành lập HTX sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nấm Sáng Thiện Quảng Hội. Hiện HTX có 16 xã viên tham gia góp vốn với 63 lao động thường xuyên và 33 lao động thời vụ.

Diện tích trồng nấm của HTX cũng đã được mở rộng thành 5.300m2. Tùy từng công việc (bán thời gian hoặc toàn thời gian) mà thu nhập của mỗi lao động từ 1 – 3 triệu đồng/tháng.

Chị Đào Thị Thiện – Chủ nhiệm HTX chia sẻ: “HTX hiện có hơn 20 lán trại trồng nấm với 5 loại nấm: Rơm, sò, mỡ, mộc nhĩ, linh chi. Thu hoạch trung bình mỗi năm khoảng 2,5 tỉ đồng, trừ hết chi phí còn lãi khoảng 800 – 900 triệu đồng/năm”.

Không chỉ có làm giàu cho mình, chị Thiện còn chuyển giao công nghệ sản xuất nấm cho chị em trong thôn, xã, huyện và các tỉnh để cùng làm giàu.

Tìm kiếm thị trường, làm kinh tế giỏi

Mặc dù diện tích sản xuất nấm của HTX đã được nâng lên, nhưng chị Thiện vẫn hy vọng sẽ tiếp tục mở rộng diện tích sản xuất trong năm 2014. Sản xuất giỏi nhưng chị Thiện vẫn trăn trở tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm của mình.

Đến nay, nấm Sáng Thiện Quảng Hội đã chiếm lĩnh được 5 thị trường chính: Thái Nguyên, Lạng Sơn, Đông Anh, Sóc Sơn, trung tâm TP.Hà Nội. 14 siêu thị, trung tâm thương mại đặt nấm thường xuyên của HTX. Nguồn thu nhập tương đối ổn định, tuy nhiên cùng với sự xuất hiện nấm Trung Quốc trong thời gian qua cũng ảnh hưởng tới thị trường tiêu thụ.

Theo chị Thiện: “Thông tin nấm Trung Quốc cũng làm cho thị trường tiêu thụ giảm, ảnh hưởng đến thu nhập của bà con trồng nấm. Chúng tôi hy vọng các cấp có thẩm quyền kiểm tra, kiểm soát chặt nhập khẩu đầu vào nước ta để khách hàng có thể yên tâm sử dụng sản phẩm nấm do chính người Việt Nam sản xuất”.

Một trong những yếu tố khiến chị Đào Thị Thiện cùng HTX của mình thành công trong sản xuất nấm đó là chị tiết kiệm chi phí đầu vào. Mặc dù trại nấm của chị như vậy, thường phải sử dụng thiết bị để sấy nấm, nhưng chị áp dụng công nghệ, sử dụng tiết kiệm điện với mức chi phí khoảng 400.000 – 500.000đ/tháng.

Chị cho thay toàn bộ bóng sợi tóc thành bóng đèn compact. Chỉ khi thu gom đủ lượng nấm, các hội viên mới cho vào lò sấy... Chính vì sản xuất giỏi, tiết kiệm nguồn nguyên liệu đã giúp cho mô hình trồng nấm của chị Thiện thành công. Đây cũng là mô hình trồng nấm điển hình được Hội Nông dân Việt Nam ghi nhận, chị Đào Thị Thiện được trao giải Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2013.

Theo Lao Động
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo