Làm mắc-ca ở Quảng Trị: “Cứ để mọi người băn khoăn”
“Người ta hay nói Quảng Trị gió Lào, cát trắng. Đó là cách nói chữ bóng bẩy thôi, để nói Quảng Trị nghèo, khổ. Nhưng không phải vậy”, ông Nguyễn Đức Chính, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị nói, với ý nơi đây cũng có nhiều ưu điểm để đầu tư và phát triển.
Đúng là nhiều người đã quá quen với hình ảnh gió Lào, cát trắng. Tuy nhiên, nếu nhìn kỹ những tấm ảnh về căn cứ quân sự Khe Sanh, sân bay dã chiến Tà Cơn… một thời chiến tranh, những người tinh ý sẽ thấy nền của một màu đất đỏ bazan khác biệt.
Chính sự khác biệt đó đang tạo nên một Quảng Trị riêng có, một nét lạ trên bản đồ mắc-ca Việt Nam hiện nay. Họ cũng là nơi đang triển khai một mô hình được đánh giá là có lợi cho nông dân và an toàn, trong bối cảnh đang có những hoài nghi.
Tiềm năng Hướng Hóa
“Cây mắc ca không là vấn đề mới với chúng tôi. Từ năm 2014, Hội đồng Nhân dân tỉnh đã có nghị quyết về phát triển mắc-ca ở Hướng Hóa. Dù chưa có quy hoạch từ trên, nhưng chúng tôi vẫn làm, vì có lợi cho dân. Hiện nay, tỉnh đang thí điểm trồng 150 ha mắc-ca năm 2015 và dự kiến quy hoạch 1.500 ha”, ông Nguyễn Đức Chính, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết trong buổi tiếp xúc với một đoàn khảo sát mới đây.
Vì sao ông Chủ tịch tự tin vậy?
Cho rằng gió Lào và cát trắng chỉ là cách nói bóng bẩy về Quảng Trị thôi, ông Chính tỏ ý không hài lòng, vì thực tế không hoàn toàn vậy. Nơi đây có những tiềm năng thu hút đầu tư, điều kiện để làm giàu ngay chính ở lĩnh vực nông nghiệp.
Ông Chủ tịch dẫn chứng: ở huyện Hướng Hóa, gió từ Lào sang đã bị dãy núi Trường Sơn (Tây) chặn lại, nên rất mát mẻ. Gió chỉ nóng dần lên khi đổ ra phía biển, sau khi phơi nhiệt ở chặng đường 70 km từ Hướng Hóa.
Mùa gió Lào lại là mùa mưa ở Hướng Hóa, nơi có nền nhiệt độ quanh năm thấp và tạo nên một vùng tươi mát rộng lớn, trên nền đất đỏ bazan.
Điều kiện tự nhiên đó được UBND tỉnh đánh giá là thuận lợi để Hướng Hóa bổ sung phát triển cây mắc-ca, bên cạnh thế mạnh về hồ tiêu và cà phê. Đặc biệt, vùng đất đỏ bazan khu vực quanh thị trấn Khe Sanh, độ cao từ 700 - 800 m so với mực nước biển càng phù hợp với loại cây mới này.
Thực tế, trước khi UBND tỉnh tính đến cây mắc-ca để gắn với lợi thế tự nhiên đó, đã có doanh nghiệp sớm nhận ra. Họ vào, đầu tư lượng vốn lớn và làm. Mô hình phát triển mắc-ca có lợi ngay, tin trước - làm sau và an toàn cho nông dân xuất phát từ đây.
“Phải cho dân thấy trước”
Ông Huỳnh Văn Trí là người Tiền Giang. Cả gia đình định cư ở Úc từ năm 1977. Nhiều năm đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, lại có trợ lực từ cô con gái học chuyên ngành nông nghiệp công nghệ cao, ông Trí mong muốn trở về Việt Nam với một hướng đi mới.
Năm 2012, trong chuyến khảo sát công nghệ nuôi bò tại Israel, ông gặp anh Nguyễn Văn Tý, người Quảng Trị, cũng là một nhà đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp. Nghe chuyện và bất ngờ về thực địa của Hương Hóa với Khe Sanh, khả năng phù hợp với cây mắc-ca, ông Trí quyết định tìm về.
Sau đó một đoàn chuyên gia của Úc đến khảo sát. Bản thân họ cũng bất ngờ, đặc biệt ở Khe Sanh, lại có vùng đất và khí hậu như một ốc đảo riêng biệt như vậy, rất thuận lợi cho cây mắc-ca.
Từ đánh giá và kết luận chuyên môn của đoàn khảo sát, ông Trí quyết định đầu tư luôn.
“Tôi chọn đầu tư vào Quảng Trị, vì Tây Nguyên là vùng đất nhiều người dân làm giàu rồi, cũng nhiều nhà đầu tư vào rồi. Còn Quảng Trị còn nghèo và chưa có ai đầu tư mắc-ca cả. Là nhà đầu tư, tự bỏ tiền, tôi tính toán rất kỹ. Chính quyền tỉnh và địa phương tạo thuận lợi cho tôi, không gặp phải khó khăn gì về thủ tục”, ông Trí nói.
Cùng với mắc-ca, ông Việt kiều này đầu tư thêm các dự án du lịch, khách sạn tại Quảng Trị, với tổng số vốn cam kết 32,5 triệu USD.
Là nhà đầu tư, tự bỏ tiền vào một loại cây còn rất mới và đầy hoài nghi tại Việt Nam, quan điểm của ông Trí rất rõ ràng: cứ để những đồn đoán và hoài nghi, mình tự làm và tự chịu rủi ro, tự chịu trách nhiệm.
Công ty mang tên My Anh được thành lập, làm đầu mối trực tiếp triển khai đề án phát triển mắc-ca tại Quảng Trị. Công ty trực tiếp trồng mắc-ca trên đất của mình và dự định giao giống cho các hộ dân trồng trên cơ sở hợp đồng hợp tác với mình, sau khi trại giống đã chủ động quy mô lớn và cũng là khi hoàn khu trại thực nghiệm để người dân thấy rõ thực tế việc trồng cây này trên đất Hướng Hóa.
Mô hình đưa ra là đưa người nông dân thành công nhân, tham gia dự án và trả lương cho họ khi cây mắc-ca chưa cho sản phẩm. Khi cây cho quả, chế biến và tiêu thụ thành công, ông Trí mới mời các hộ dân cùng làm thực sự với mình.
“Tôi sẽ trồng thử nghiệm mắc-ca trước, thành công rồi cho dân thấy, cho họ tin trước rồi làm theo sau. Khi đã chứng minh cho họ thấy, tôi sẽ tổ chức tập huấn cách làm. Như thế để người dân tin tưởng và bản thân họ an toàn khi làm mắc-ca”, ông Trí cho biết.
Hiện công ty My Anh đang thử nghiệm trồng gần 2.000 cây mắc ca trên 2,7 ha mắc-ca. Giống được nhập từ Úc. Có loại chăm sóc theo chuẩn kỹ thuật, có loại “thả hoang” để xác định các khả năng phát triển và chất lượng quả. Mắc-ca được trồng xen với cà phê, đinh lăng để lấy ngắn nuôi dài.
Mặc dù diện tích mắc-ca mới chỉ 2 - 3 tuổi, chưa cho quả, nhưng ông Trí đã khởi công luôn việc xây dựng nhà máy chế biến với vốn đầu tư 2,2 triệu USD tại cụm công nghiệp Tân Thành (đặc khu kinh tế Lao Bảo), dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2015.
Việc xây dựng nhà máy một mặt để chủ động với đề án phát triển mắc-ca khi cho quả, cũng để khẳng định với nông dân mình làm trước, có cơ sở chế biến và bao tiêu về sau. Nhà máy này cũng tích hợp chế biến sản phẩm chuối xuất khẩu, như đi hai chân với mắc-ca.
“Cứ để mọi người băn khoăn”
Trao đổi với VnEconomy về băn khoăn nổi bật hiện nay, đầu ra sẽ thế nào mà làm mạnh với mắc-ca như vậy, ông Trí nói: “Cứ để mọi người băn khoăn. Chúng tôi làm trước, để dân tin trước rồi làm theo sau. Chúng tôi sẽ bao tiêu sản phẩm và sẽ thành công ở Quảng trị. Trước mắt chúng tôi chưa tính tới thị trường nội địa, tất nhiên có thì càng tốt”.
Toàn bộ kỹ thuật giống, trồng và chăm sóc, chế biến mắc-ca của công ty Mỹ Anh đều theo tiêu chuẩn của Úc và công nghệ của Nhật. Việc chuẩn hóa ngay từ đầu có mục đích để đảm bảo tiêu chuẩn xuất ngược sản phẩm vào chính thị trường Úc - nơi được xem là cái nôi của mắc-ca.
Điều đó tưởng như mâu thuẫn. Nhưng ông Trí cho hay, làm mắc-ca tại Quảng Trị và Việt Nam nói chung có lợi thế đặc biệt để cạnh tranh và tạo lợi nhuận.
Là loại cây kén khí hậu và thổ nhưỡng, lại gặp khó khăn do biến đổi khí hậu nên ngay ở Úc cũng khó mở rộng diện tích mắc-ca. Nhất là tại quốc gia này, chi phí đất đai, đầu tư công nghệ và đặc biệt là chi phí nhân công lao động cao gấp nhiều lần so với tại Việt Nam. Đây là mấu chốt để có lãi khi xuất ngược trở lại thị trường Úc.
Mặt khác, do thuộc đặc khu kinh tế Lao Bảo, ông Trí còn có lợi thế về ưu đãi thuế để cạnh tranh tốt hơn.
Ngoài xuất ngược vào Úc, ông Trí cho biết, thị trường mục tiêu và trọng tâm của công ty trước mắt là châu Âu.
Và như quan điểm nhà đầu tư này đưa ra ở trên, khi doanh nghiệp nhìn thấy tiềm năng và cơ hội, họ bỏ vốn tiên phong đầu tư, tự chịu rủi ro và cả những hoài nghi bên ngoài.
Chỉ đến khi thành công, dự kiến đến cuối 2016 dự án mắc-ca của My Anh tại Quảng Trị sẽ bắt đầu định hình kết quả, người dân có cơ sở để thực sự tin tưởng, thì mới ký hợp đồng mở rộng với các hộ, kéo họ vào cuộc một cách chắc chắn ở mô hình tin trước - làm sau.
Theo VnEconomy
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo