Làm sao để huy động vàng, USD trong dân?
Trong khi Chính phủ đang phải đi vay nước ngoài phục vụ đầu tư phát triển trong nước thì những người có vàng , tiền nhàn rỗi đem cất vào két sắt ở nhà. Chính vì thế, làm cách nào để huy động nguồn lực USD, vàng trong dân một lần nữa được đại diện Chính phủ nêu tại cuộc làm việc của Tổ công tác Chính phủ với Ngân hàng Nhà nước diễn ra mới đây.
"Ngân hàng Nhà nước cần sớm có chủ trương huy động nguồn lực trong dân, chủ yếu là vàng và USD", Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng truyền ý kiến của Thủ tướng tại cuộc họp với ngành ngân hàng vừa qua.
Nhận định về chủ trương này, nhiều chuyên gia cho rằng, việc huy động nguồn lực USD, vàng trong dân là chủ trương đúng nhưng khó bởi còn nhiều vấn đề, đặc biệt là từ phía ngân hàng.
Tăng lãi suất tiền gửi
Theo đánh giá của một số lãnh đạo ngân hàng, việc Ngân hàng Nhà nước cân nhắc tăng trở lại lãi huy động USD trong nước lúc này là hợp lý. Đây cũng là một trong những cách giúp thu hút nguồn lực USD nhàn rỗi trong dân, thay vì phải đi vay nước ngoài với mức lãi cao trong khi nhu cầu ngoại tệ của nền kinh tế ngày một tăng.
Chia sẻ với báo giới, ông Nguyễn Hưng - Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) cho rằng, nếu tiếp tục duy trì mức lãi gửi 0% một năm với USD thì sẽ khó lấy được tiền từ dân.
"Khi đầu tư mà không sinh lời thì người dân sẽ không muốn gửi ngân hàng. Chưa kể chênh lệch giữa lãi gửi VND và USD hiện cũng đáng kể, 5-6% một năm, thì việc chỉ gửi tiền vào ngân hàng an toàn sẽ không là sự lựa chọn, bởi họ có thể cất giữ ở nhà", ông Hưng nói.
Đồng quan điểm, theo một chuyên gia tài chính tiền tệ cho rằng, khái niệm huy động ngoại tệ trong dân cách hiểu đúng là Ngân hàng Nhà nước đi vay ngoại tệ thông qua của dân thông nghiệp vụ huy động - cho vay của các ngân hàng thương mại. Mà muốn huy động được thì nhiều khả năng Ngân hàng Nhà nước sẽ phải nâng trần lãi suất tiền gửi ngoại tệ lên thay vì duy trì ở mức 0%.
Theo vị này, NHNN cần nâng lãi suất huy động USD đối với tài khoản cá nhân lên 0,25%-0,5%/năm vì nền kinh tế vẫn có nhu cầu lớn vay ngoại tệ. "Nếu lãi suất bằng 0% thì để USD ở nhà hay gửi ngân hàng như nhau. Nhưng nếu kỳ hạn 3 tháng có lãi suất tuy thấp, như 0,25%, thì người dân sẽ xem xét khả năng gửi vào hệ thống ngân hàng", vị này nhận định.
Phương án tăng lãi suất huy động đã được tính đến nhưng bài toán này lại đặt nhà điều hành đứng trước thách thức khác, đó là câu chuyện đôla hoá nền kinh tế và đây chính là điều khiến cơ quan quản lý lo ngại.
Trả lãi cho người gửi vàng
Đây có thể là phương án khiến nhiều người ngạc nhiên bởi từ trước đến nay, người dân gửi vàng vào các tổ chức tín dụng đều không được hưởng lãi suất, mà trái lại còn phải trả phí giữ hộ vàng khá cao (dao động từ 300 - 1.000 đồng/chỉ /tháng tùy theo từng kỳ hạn), mặc dù mất phí gửi vàng nhưng đa số người dân vẫn chọn cách này vì nhiều lo ngại khác nhau như để an toàn, sợ mất trộm...
Như vậy, hiện nhu cầu gửi vàng hoặc cho vay vàng của người dân hiện nay là rất lớn. Do đó, nếu Chính phủ tổ chức huy động vàng trong dân, có trả lãi suất, thì sẽ được rất nhiều người dân hưởng ứng. Bởi, chứng chỉ vàng sẽ không giống như trái phiếu Chính phủ. Trong khi trái phiếu chỉ được đảm bảo bằng VND, mà VND có thể mất giá theo thời gian, nhưng chứng chỉ vàng được bảo đảm bằng vàng, mà vàng luôn là công cụ bảo toàn giá trị trong bất kỳ hoàn cảnh nào.
Ngoài ra, để hấp dẫn hơn, Chính phủ cũng cần có hành lang pháp lý quy định chứng chỉ vàng có thể được sử dụng cầm cố, chuyển nhượng, giao dịch trên thị trường chứng khoán. Bên cạnh đó, đề án huy động vàng trong dân của Chính phủ cũng cần làm rõ được những băn khoăn của người dân hiện nay, đó là số vàng huy động được từ dân cư sẽ được sử dụng như thế nào để tránh bị thất thoát, lãng phí như một số dự án hiện nay. Đặc biệt, cam kết của Chính phủ hoàn trả lại vàng cho dân khi đáo hạn, đặc biệt là vấn đề đảm bảo rủi ro.
Theo chuyên gia Cấn Văn Lực, việc phát hành chứng chỉ vàng để huy động vàng trong dân là phương án hợp lý và cần được tính đến. Theo ông, với chứng chỉ này, người dân không được trả lãi suất hoặc được trả lãi suất thấp và được mang chứng chỉ đi thế chấp để vay vốn đầu tư, khi đó người dân sẽ dễ dàng chấp nhận hơn.
Mặc dù vậy, theo một số chuyên gia, vấn đề vấn nằm ở thói quen của người dân Việt Nam là muốn "giữ của" trong nhà, không như những người dân nước khác, họ có tiền nhàn rỗi thì tìm đến kênh đầu tư để sinh lời chứ không để "tiền chết". Vì thế vấn đề đặt ra nữa là, cơ quan điều hành phải có kênh đầu tư hấp dẫn để người dân thực hiện việc đầu tư.
End of content
Không có tin nào tiếp theo