Lãnh đạo không nghiêm, cấp dưới dễ chùn tay
Có luật, có chế tài, song không phải lúc nào luật cũng được thực hiện. Việc tháo dỡ nhà xây dựng trái phép của tướng Phan Như Thạch ở Đà Nẵng so với những công trình xây dựng không phép ở các địa phương khác là một ví dụ cho thấy có sự khác biệt trong việc áp dụng pháp luật ở các địa phương.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nghĩa nói:
“Muốn đất nước phát triển và ổn định, cần luật tốt và thực thi luật tốt. Đó là một công thức lý tưởng song khó đạt được, vì trên thế giới có rất ít quốc gia đạt được trình độ phát triển cao và văn minh, các nước còn lại đều chật vật trong xây dựng luật có chất lượng tốt và tổ chức thực thi pháp luật hiệu quả”.
* Ông nhận định thế nào về tình hình xây dựng và thực thi pháp luật tại Việt Nam?
- Nhìn lại 30 năm qua, dường như lĩnh vực pháp luật về quy hoạch, xây dựng chưa được ưu tiên. Nhiều đô thị ở nước ta đã phát triển tự phát, thiếu quy hoạch và quản lý xây dựng hiệu quả.
Có không ít ví dụ người dân có đất tự xây nhà, đôi khi chưa có giấy phép. Chính quyền biết chuyện đó, song dần dà hợp thức hóa bằng cách xây dựng hạ tầng, cung cấp điện, nước, thậm chí cho hình thành tổ chức chính quyền, từng bước một đã hợp thức hóa sự tự phát đó.
Điều này cho thấy sự nhân nhượng của chính quyền. Việc đó từng diễn ra trong nhiều năm, tạo ra thói quen không tuân thủ quy hoạch và quy trình quản lý xây dựng.
Khi chưa có luật quy hoạch và xây dựng rõ ràng, xuất hiện các hoạt động xây dựng tự phát, đôi khi chính quyền không cấp phép song người dân vẫn xây, còn chính quyền thì phạt.
Người ta thường “phạt cho tồn tại”. Với biên lai thu tiền phạt, đôi khi người dân được đóng tiền sử dụng nhà đất, làm căn cứ để xác minh tài sản trên đất. Đó là hiện trạng phạt cho tồn tại với người dân xây dựng tự phát, nhất là khu vực người nghèo.
* Và tình trạng nhân nhượng này không chỉ áp dụng cho dân nghèo mà cả người không gặp khó khăn về chỗ ở? Không chỉ cá nhân mà cả tổ chức?
- Đối với những người khá giả hơn, đối với doanh nghiệp có thế lực, đôi khi quy trình cấp phép hay quy hoạch chưa hoàn toàn hợp lý, vì thế người ta vẫn lấn, vẫn xây vượt phép, chấp nhận phạt và tiếp tục tồn tại. Các cơ quan chức năng đã biết hành vi trái luật, song không triệt để thi hành luật. Thường khi người ta không triệt để thi hành pháp luật đều phải có lý do.
Công chức thi hành pháp luật thường hiểu biết pháp luật rất tường tận. Song nếu tuân thủ nghiêm chỉnh pháp luật thì người công chức ấy được gì? Ngược lại, nếu không tuân thủ luật thì người công chức ấy sẽ mất gì, được gì?
Xét từ động cơ lợi ích, nếu cái được nhiều hơn và trách nhiệm phải chịu thấp hơn, thông thường người ta sẽ chọn lối hành xử có lợi cho cá nhân, miễn sao không ảnh hưởng đến địa vị và lợi ích của họ. Như vậy, luật chỉ được thực thi tốt nếu có trách nhiệm giải trình rõ ràng giữa các cơ quan quản lý trong lĩnh vực quy hoạch và xây dựng.
* Cùng một đất nước, cùng sử dụng một hệ thống pháp luật nhưng đã có sự vận dụng không giống nhau, theo ông, do đâu có tình trạng đó?
- Luật quốc gia chỉ có một, song chất lượng pháp quy do địa phương ban hành có khác nhau. Những địa phương có truyền thống phát triển và quản lý đô thị như TP.HCM thì có kinh nghiệm và bộ máy thi hành pháp luật, có thói quen quản lý đô thị tốt hơn các địa phương khác, nhất là vùng nông thôn vừa trở thành đô thị.
Điều khác biệt trong quản lý đô thị ở các địa phương phụ thuộc vào nhiều yếu tố, 63 tỉnh thành có chất lượng văn bản pháp quy và thực thi pháp luật khác nhau.
Thứ nhất là quyết tâm chính trị của lãnh đạo địa phương, muốn quản lý xã hội bằng pháp trị rõ ràng. Nhiều địa phương do đặc thù mới tách tỉnh nên hình thành một đội ngũ lãnh đạo mới, đoàn kết, có người đứng đầu là lãnh đạo có ý chí cải cách, thường địa phương đó có thể tạo ra sự khác biệt. Bình Dương và Đà Nẵng là hai ví dụ cho hiện tượng này.
Thứ hai, cần có những liên minh thúc đẩy cải cách. Thường một cá nhân lãnh đạo dù có ý chí cải cách mạnh mẽ cũng không thể tạo ra đổi mới, lãnh đạo đó cần có sự hậu thuẫn của các lực lượng khác trong xã hội thúc đẩy cải cách, ví dụ từ khu vực doanh nghiệp và sự hưởng ứng của nhân dân.
Đà Nẵng là ví dụ về việc ý tưởng của lãnh đạo nhận được sự hậu thuẫn của đội ngũ cán bộ cấp dưới, của hệ thống chính trị, của người dân và cả báo chí ủng hộ, vì thế Đà Nẵng đạt được nhiều thành công trong quản lý đô thị.
Việc ông Thạch tháo dỡ biệt thự xây dựng trái phép là một hiện tượng cá biệt, để giải thích chắc có nhiều nguyên nhân, ví dụ: lãnh đạo địa phương thể hiện thái độ quyết tâm cao đối với xử lý nghiêm hành vi vi phạm, sự đeo đuổi của báo chí cùng dư luận của bạn đọc nên tạo được sức ép liên tục khó lẩn tránh, và cá nhân người vi phạm cũng hợp tác để giảm thiệt hại cho cá nhân cũng như góp phần giữ sự ổn định cho địa phương.
Trong khi đó những công trình xây dựng vượt phép ở nhiều địa phương khác vẫn ngang nhiên “phạt cho tồn tại”. Nên đặt câu hỏi nếu tôi là lực lượng thi hành pháp luật khi tiến hành phá dỡ những ngôi nhà vượt phép như vậy thì tôi được gì, mất gì? Nguyên nhân “phạt cho tồn tại” cũng nằm ở đó.
Thường doanh nghiệp, cá nhân vi phạm trong các trường hợp đó rất có thế lực: tiền bạc, quan hệ và ảnh hưởng chính trị, nên họ có nhiều công cụ để cản trở, thách thức các lực lượng thi hành pháp luật.
Thói quen này có từ xa xưa, luật áp dụng với thường dân thì phổ quát, bình thường; luật áp dụng cho quan thì có nhân nhượng, nới lỏng, gọi là “bát nghị”. Đây là một thói quen xấu từ thời phong kiến, tạo ra sự bất bình đẳng và khinh nhờn pháp luật.
* Theo ông, phải làm thế nào để khắc phục được tư duy “bát nghị”?
- Muốn xây dựng đội ngũ thi hành pháp luật công tâm, không sợ các thế lực đó thì phải có cơ chế chịu trách nhiệm giải trình rõ ràng. Hiện nay còn nhiều lý do để lý giải việc lực lượng thi hành pháp luật ngần ngại trước khi dỡ phá nhà của người có thế lực, dù nhà đó là trái phép.
Nếu quan điểm của lãnh đạo chưa rõ ràng thì nhân viên thi hành pháp luật không thể mạnh tay thực thi pháp luật nghiêm minh được.
Bủa vây quan chức là vô số lợi ích. Hiện tượng “phạt cho tồn tại” với công trình trái phép thường có những lý do kinh tế, lịch sử và chính trị, chứ không chỉ là thói xấu dễ loại bỏ. Cuối cùng, nếu có tranh chấp lợi ích thì phải có một nơi phán xử công bằng.
Nếu thiếu một tòa án phán xử công bằng, độc lập, bảo vệ công lý khách quan thì chưa chắc công chức thực thi luật nghiêm đã được bảo vệ. Khi pháp luật không chắc chắn như vậy thì người công chức phải tự bảo vệ mình bằng đủ mọi cách ứng xử.
Đà Nẵng là ví dụ về việc ý tưởng của lãnh đạo nhận được sự hậu thuẫn của đội ngũ cán bộ cấp dưới, của hệ thống chính trị, của người dân và cả báo chí ủng hộ, vì thế Đà Nẵng đạt được nhiều thành công trong quản lý đô thị
PGS.TS Phạm Duy Nghĩa
End of content
Không có tin nào tiếp theo