Góc nhìn

Lao động địa phương chưa đủ đáp ứng yêu cầu doanh nghiệp FDI

“Một trong những khó khăn của doanh nghiệp FDI tại Việt Nam là kỹ năng và trình độ người lao động tại địa phương chưa đáp ứng đủ yêu cầu công việc. Để giải quyết vấn đề này, cần có sự hỗ trợ rất lớn từ các doanh nghiệp phụ trợ trong nước”, ông Tang Weng Tei, Chủ tịch Công ty TNHH Thành phố Thương mại Á Châu – ATC (Singapore) nhận định.

Theo con số đưa ra trong diễn đàn “Ngày nhà máy FDI hội tụ” tại Bắc Ninh, trong chín tháng đầu năm 2014, các nhà đầu tư nước ngoài đã đăng ký vào Việt Nam 11,8 tỷ USD bằng 74,5% so với cùng kỳ năm 2013.

Đối với tỉnh Bắc Ninh, tính đến hết tháng 9/2014, có 510 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng số vốn trên 8 tỷ USD.

Cùng với việc tiếp nhận các dự án sản xuất công nghiệp, Bắc Ninh đang hướng tới các dự án kinh doanh dịch vụ thương mại, trong đó có dự án thành phố Thương mại Á Châu trong Khu công nghiệp VSIP.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Ninh, ông Nguyễn Nhân Chiến cho biết với 510 dự án, tổng vốn đầu tư hơn 8 tỷ USD, trong đó có nhiều tập đoàn tên tuổi hàng đầu thế giới như Samsung, Microsoft, Canon...

Trả lời báo chí trong khuôn khổ Diễn đàn, ông Tang Weng Tei nói: “Mục tiêu của các doanh nghiệp FDI khi tới Việt Nam là họ muốn tăng cường sản xuất để những sản phẩm của họ có thể xuất khẩu được ra thị trường nước ngoài. Và để làm được điều đó thì các doanh nghiệp FDI cần có sự hỗ trợ của các doanh nghiệp phụ trợ trong nước”.

Ông Tang Weng Fei, Chủ tịch Thành phố Thương mại Á Châu – ATC

Ông Tang Weng Tei đưa ra ví dụ cụ thể: khi có một thỏa thuận hay một chương trình hợp tác đào tạo cho công ty Microsoft, họ đã yêu cầu các doanh nghiệp hỗ trợ việc đào tạo cho nhân viên về tăng cường kỹ năng lao động cho người lao động. Bởi kỹ năng và trình độ lao động của người dân địa phương hiện nay hầu hết chưa đủ để đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp nước ngoài.

Còn theo TS. Đoàn Duy Khương - Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI: bất cứ doanh nghiệp nào, dù là doanh nghiệp Việt Nam hay doanh nghiệp quốc tế đều có những điểm mạnh, điểm yếu. Vấn đề là làm sao nhận ra điểm mạnh, điểm yếu của mình trong bối cảnh cạnh tranh.

Với các doanh nghiệp, điều quan trọng là phải có công cụ phân tích và hiểu được điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội, thách thức của mình và tìm hiểu thị trường và phải hiểu được mình mạnh ở điểm nào, làm được đến đâu và khai thác những điểm mạnh đó. Nếu không có những công cụ như thế, các doanh nghiệp sẽ gặp bỡ ngỡ hoặc cảm thấy thất vọng, thấy môi trường hội nhập quốc tế là một thách thức lớn mà không thể vượt qua được.

Tuy nhiên, ông Đoàn Duy Khương cũng tin tưởng: với những nỗ lực liên tục và thường xuyên của Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp FDI và sự hợp tác đối thoại công tư, môi trường kinh doanh của Việt Nam sẽ ngày càng hoàn thiện hơn, qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài mở rộng sản xuất, phát triển lâu dài tại Việt Nam, góp phần hiệu quả vào quá trình tái cấu trúc nền kinh tế và hiện thực hóa tầm nhìn phát triển công nghiệp đến năm 2035 của Chính phủ.

Kiều Luyến
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo