Góc nhìn

Lào tham vấn thủy điện Don Sahong: 4 lý do lo ngại...

Kết quả nghiên cứu, đánh giá khoa học sẽ là luận chứng thuyết phục Lào tham vấn không là hình thức.

Đập thủy điện Don sahong nỗi lo ngại với môi trường

Trước sự phản ứng của Chính phủ các nước trong Hiệp định Mekong MRC 1995, đặc biệt là của các hiệp hội, tổ chức phi chính phủ (NGO) và cộng đồng quốc tế, đại diện Chính phủ Lào vừa mới tuyên bố chấp nhận tham vấn về dự án thủy điện Don Sahong.

PV đã phỏng vấn TS Tô Văn Trường- Ban chủ nhiệm chương trình nghiên cứu khoa học KC08/11-15 Bộ KHCN (nguyên chuyên gia ở Ban thư ký Mekong Bangkok 1988-1996) xung quanh vấn đề nói trên.
 
Thưa ông, Lào chấp nhận tham vấn xây đập thủy điện Don Sahong, quan điểm của ông thế nào?
 
Tháng 9/2013, Lào tuyên bố sẽ xây đập thủy điện Don Sahong vì trên dòng nhánh sông Mekong nên chỉ thông báo cho Ủy hội sông Mekong (MRC) mà không cần tham vấn, thỏa thuận trước.
 
Hai nước Campuchia và Việt Nam, cùng nhiều hiệp hội, tổ chức phi chính phủ của Thái Lan, và nhiều nhà khoa học trên thế giới đã phản đối vì nó tác động lớn đến môi trường. Gần 60 tổ chức phi chính phủ NGO Mekong và quốc tế gửi thư chung đến Thủ tướng 4 nước ven sông kêu gọi hủy bỏ các dự án thủy điện trên dòng chính hạ lưu sông Mekong.
 
Liên minh cứu sông Mekong cũng ra Tuyên bố chung bảo vệ an ninh lương thực và người dân khu vực, và kêu gọi các Thủ tướng trong Hiêp định MRC ngừng xây dựng thủy điện trên dòng chính Mekong.
 
Tuy nhiên, cần lưu ý là Lào chỉ tuyên bố hoãn 6 tháng, có thể đây chỉ là động thái “câu giờ” vì các lý do:
 
Thứ nhất thủy điện Xayabury là công trình đầu tiên trên dòng chính ở Hạ lưu vực Mekong dù bị phản đối quyết liệt những Lào vẫn tiến hành xây dựng.
 
Thứ hai đang trong thời điểm mùa mưa, Lào có muốn cũng không thể thi công ngoài hiện trường.
 
Thứ ba là Don Sahong là công trình trên dòng nhánh, Lào sẽ dễ vin vào lý do trong Hiệp định Mekong (MRC 1995) chỉ cần thông báo, không cần thoản thuận trước, và các nước không có quyền phủ quyết.
 
Thứ tư là thái độ của ông Hans Guttman, CEO của MRC theo Bangkok Post không khuyến cáo Lào tạm hoãn hay dừng dự án Don Sahong trong giai đoạn này. 
 
Hiệp định Ủy hội sông Mekong 1995 (MRC 1995) đã chặt chẽ về cơ sở pháp lý chưa? Nếu so sánh với tiền thân của Ủy ban sông Mekong có những điểm gì cần phải quan tâm trong việc quản lý khái thác sử dụng sông Mekong vì mục đích phát triển vững bền của tất cả các quốc gia trong lưu vực, thưa ông?
 
Năm 1957 dưới sự bảo trợ của Liên Hiệp Quốc, Ủy ban sông Mekong (Mekong River Committee) được thành lập bao gồm 4 quốc gia Thái Lan, Lào, Campuchia và Nam Việt Nam. Văn phòng thường trực đặt tại Bangkok có kế hoạch phát triển toàn diện hạ lưu vực sông Mekong chủ yếu do Mỹ bảo trợ.
Sau 1975 hoạt động của Ủy ban bị gián đoạn, nên 1978-1992 thành lập Ủy ban lâm thời (Interim Mekong Committee – IMC) nhưng bị phía Thái Lan luôn tìm cách phủ định tính pháp lý của IMC. Sau thời gian dài thương thảo, Chính phủ 4 nước ký kết tại Thái Lan hiệp định Ủy hội sông Mekong MRC 1995.
 
Cơ chế hợp tác trong MRC 1995 còn nhiều hạn chế vì tính ràng buộc pháp lý chưa được chặt chẽ như thỏa hiệp Ủy ban sông Mekong 1957 và IMC 1978. Hiệp định MRC 1995, các quốc gia không có quyền phủ quyết, coi phát triển công trình trên sông nhánh Mekong chỉ cần thông báo không nhất quyết phải đồng thuận. Nếu “mổ xẻ” kỹ thì ngay định nghĩa dòng chính sông Mekong (trang 34) nói sai vị trí tại Việt Nam (sông chính chảy qua Mỹ Tho)? vv…
 
Những đánh giá tác động về môi trường nếu đập Xayabury và Don Sahong được xây dựng  đã được các nhà khoa học cảnh báo, vì sao Lào vẫn quyết tâm xây dựng?
 
Khi con người tác động vào tự nhiên như xây dựng thủy điện, sân bay, bến cảng vv…bao giờ cũng đem lại cả 2 mặt lợi và hại vì thế trong khoa học có phương pháp luận đánh giá so sánh làm sao cho cái lợi lớn nhất và cái hại ít nhất.
 
Lào là nước nghèo, có tiềm năng thủy điện dồi dào nếu phát triển toàn bộ hệ thống các công trình 12 đập thủy điện ở hạ lưu vực sông Mekong, Lào sẽ nhận được hơn 70% tổng lợi ích của các công trình nói trên. Tuy nhiên, có những thứ không đánh giá được bằng tiền nên phải cân nhắc thận trọng vì quyền lợi chung của cả cộng đồng trong lưu vực sông.
 
Việt Nam phải làm gì, thưa ông? Theo ông với những nghiên cứu, đánh giá của VN có thể tranh thủ được sự đồng thuận của các nước và đi đến buộc Lào phải dừng việc xây dựng chứ không để tham vấn chỉ là hình thức? Nếu không thì giải pháp là thế nào, thưa ông?
 
Trước mắt, Chính phủ Việt Nam cần bám sát theo Hiệp định Mekong 1995, thủ tục PNPCA có ba giai đoạn, thông báo trước, tham vấn trước và thỏa hiệp trước khi thực hiện các dự án dòng chính vào mùa mưa và bất cứ ở đâu vào mùa khô và không gây tổn hại cho các quốc gia khác. Về lâu dài, cần nghiên cứu, có cuộc đột phá về tổ chức, xây dựng cơ chế pháp lý hoạt động của 4 nước ven sông chặt chẽ, hiệu quả hơn.
Giải pháp thiết thực nhất là vận động những bên liên quan, cùng thống nhất quan điểm là hoãn quyết định đối với tất cả các đập trên dòng chính cho một thời gian, để đánh giá toàn diện, nghiên cứu bài bản và khoa học các giải pháp xây dựng những thiết kế khác để khai thác năng lượng dòng sông hài hòa lợi ích chung, phát triển bền vững cho cả lưu vực.
 
Đối với Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường và Ủy ban sông Mekong của Việt Nam cần đẩy mạnh tiến độ nghiên cứu của dự án đánh giá tác động đến kinh tế xã hội và môi trường của hệ thống thủy điện sông Mekong đối với nước ta do chuyên gia Đan Mạch thực thi.
 
Bộ Khoa học và công nghệ đang thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học cấp nhà nước KC08.13/11-15 “Nghiên cứu đánh gía tác động của các bậc thang thủy điện trên dòng chính hạ lưu sông Mekong đến dòng chảy, môi trường, kinh tế xã hội vùng đồng bằng sống Cửu Long và đề xuất giảm thiểu bất lợi”.
 
Hy vọng dự án, đề tài nghiên cứu nói trên, kết hợp với các nghiên cứu khác của các nhà khoa học ở trong và ngoài nước là cơ sở, luận cứ khoa học thuyết phục Lào việc tham vấn thủy điện Don Sahong không phải chỉ là giải pháp hình thức.
 
Xin cám ơn ông!
Theo Đất Việt
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo