Bất động sản

Lập gói tín dụng tới 100.000 tỷ cho bất động sản?

Nhiệm vụ then chốt mà Thủ tướng đề ra trong năm nay, thứ nhất đó là tập trung xử lý nợ xấu. Tính đến hiện tại, chúng ta đã xử lý được 1/3 nợ xấu bằng biện pháp dự phòng rủi ro, mua nợ của VAMC.

TS. Lê Xuân Nghĩa

Sắp tới, Thủ tướng cho rằng phần còn lại chúng ta phải xử lý nhanh hơn, hiệu quả hơn và nhất thiết phải tạo ra mối quan hệ lành mạnh và hiệu quả giữa doanh nghiệp và ngân hàng để tận dụng cơ hội đầu tư mới.

 
Thứ hai là cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước). Cải cách doanh nghiệp nhà nước là dấu hiệu để nhà đầu tư nước ngoài đánh giá lại Việt Nam có thực sự cải cách chứ không phải nói rồi không làm. Thủ tướng đã phê chuẩn 100 đề án trên cơ sở 101 tập đoàn, tổng công ty. Vừa qua, Bộ Tài chính cũng đã ban hành rất nhiều thông tư hướng dẫn liên quan đến cải cách doanh nghiệp nhà nước.
 
Nhưng cổ phần hóa những tập đoàn lớn là vô cùng phức tạp, nội chuyện tìm cho ra công ty định giá để định giá doanh nghiệp đó. Khi tìm được thì làm sao định giá? Chẳng hạn như ở Vietnam Airlines làm sao chúng ta định giá được máy bay mua cách đây 5 năm, bằng bao nhiêu giá trị thực, và định giá có ai tin không.
 
Lần này sẽ tiến hành cắt bớt các khâu có liên quan đến kỹ thuật liên quan cổ phần hóa để đẩy nhanh tiến trình này. Và cụ thể giải tỏa các rào cản về mặt pháp lý, xử lý những cái khó về mặt kỹ thuật; chấp nhận cái giá họ đưa ra để tham chiếu, không cần chính xác đẩy nhanh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.
 
Đồng thời công khai lộ trình từng chương trình cổ phần hóa và minh bạch phần khâu của tiến trình cổ phần hóa để gây sức ép, nếu không những người có lợi ích cá nhân của họ, sẽ cản trở tiến trình này.
 
Thứ ba là phục hồi thị trường bất động sản. Để giải quyết vấn đề bất động sản, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước bắt đầu sửa đổi lại thủ tục và quy định liên quan đến gói 30.000 tỷ. Tuy nhiên, kết quả thế nào còn chờ Chính phủ thông qua. Cần phải thay đổi theo như đề xuất của nhóm chuyên gia. 
 
Chẳng hạn thay đổi nhà ở cho người thu nhập thấp thành nhà ở phổ thông, nhà ở xã hội; Sửa lại cơ chế xác nhận đã có nhà ở thành cơ chế xác nhận nơi sống/cư trú một cách chính xác, tăng kỳ hạn cho vay lên 15 năm và giảm lãi suất cho vay; cho phép vận dụng linh hoạt dựa trên giá bán là chính chứ không phải diện tích căn hộ. 
 
Ví dụ bạn bán nhà 100 m2 mà dưới 1,7 tỷ vẫn được hưởng ưu đãi, không nhất thiết nhà từ 70 m2 trở xuống mới được hưởng ưu đãi, nhưng giá nhất định phải giá thấp. Ngoài ra phải thành lập cơ chế để tránh chuyện gian lận, cả về giá lẫn diện tích. Tất cả những chỉnh sửa này sẽ được tiến hành trong quý 1 và sẽ được công bố.
 
Gần đây, có thông tin Ngân hàng Nhà nước đang tập trung chỉ đạo 4 ngân hàng quốc doanh liên kết với Ngân hàng Xây dựng, do Ngân hàng Xây dựng làm đầu mối, thành lập ra một gói tín dụng có thể lên đến 70.000 tỷ đồng, thậm chí trên 100.000 tỷ đồng, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực: phát triển cơ sở hạ tầng quan trọng và phát triển nhà ở cho người có thu nhập trung bình. 
 
Nhà ở này không nhất thiết là căn hộ mới, mà những ai đang ở trong nhà cấp 4, nhà cửa chật hẹp muốn thay đổi, muốn đập đi để xây mới, 1 tầng xây lên 3 (vừa ở vừa cho thuê)... đều được hưởng ưu đãi của gói tín dụng này. 
 
Điều này sẽ làm phục hồi thị trường xây dựng ở diện rộng hơn, mạnh mẽ hơn. Với hoạt động như vậy từ vĩ mô đến vi mô, chúng ta có thể hy vọng thị trường xây dựng có thể phục hồi dần dần và cùng với tiến độ xử lý nợ xấu, thị trường bất động sản cũng sẽ phục hồi.
Theo VnEconomy
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo