Doanh nhân

Lê Nguyệt Minh, nữ doanh nhân bỏ CNTT để trồng rau sạch

Lê Nguyệt Minh, vị nữ doanh nhân trẻ đã giám từ bỏ vị trí Giám đốc điều hành 1 công ty công nghệ thông tin để bắt đầu một hành trình mới. Hành trình của khát vọng cải thiện chất lượng cuộc sống Việt Nam, thông qua việc nghiên cứu, phát triển hệ thống trồng rau sạch Janus Aquaponics. Chính câu nói: “Hãy bắt đầu điều cần bắt đầu, hãy kết thúc điều cần kết thúc. Bước lên đường, vững bước trên đường. Ngay lúc này bạn ở đoạn đầu của 1 cuộc hành trình. Điều đó thật tuyệt vời”...đã thôi thúc cô gái trẻ đưa ra quyết định táo bạo này.

Cô gái trẻ với nhiều thành tích đáng nể

Nguyệt Minh đã từng là học sinh tiêu biểu của trường THPT Chuyên Bắc Giang khi không chỉ dành được giải nhì trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia môn Hóa Học mà cô còn được trao tặng rất nhiều những bằng khen và giải thưởng cho cán bộ Đoàn có thành tích xuất sắc.

Những tưởng việc được đặc cách tuyển thẳng vào đại học sẽ giúp Nguyệt Minh có thể theo học khối ngành kinh tế để thực hiện ước mơ trở thành doanh nhân của mình. Thế nhưng trước sức ép của gia đình cùng với việc không muốn phụ sự kỳ vọng của cha mẹ vào cô con gái độc nhất, Nguyệt Minh đã chọn vào học trường Đại học Sư Phạm Hà nội với lời giao kèo “Con học 04 năm sư phạm cho bố mẹ rồi sau đó hãy để con đi theo con đường mình mong muốn”.

Đúng như lời hứa với chính bản thân mình, sau 4 năm Nguyệt Minh đã không từ bỏ ước mơ và trở lại với con đường theo đuổi đam mê trở thành một doanh nhân thành đạt.

Nguyệt Minh bắt đầu sự nghiệp bằng việc đầu quân về một công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Là một cô gái thông minh, cùng sự phấn đấu không ngừng nghỉ, cô đã chung tay giúp công ty phát triển tới quy mô có 3 văn phòng đại diện ở Bắc – Trung – Nam, với 200 nhân sự và doanh thu hàng triệu đô la mỗi năm.

Nữ doanh nhân từ bỏ vị trí giám đốc để làm rau sạch

Nguyệt Minh (áo đỏ) và thầy giáo cùng các bạn trong lớp học MBA tại University of Greenwich

Khi tuổi đời còn rất trẻ, cùng với sự tín nhiệm của các đồng nghiệp, Nguyệt Minh đã được bổ nhiệm vào vị trí Giám đốc điều hành (CEO) của công ty như một phần thưởng xứng đáng cho sự phấn đấu của cô.

Không tự mãn với những gì đạt được, Nguyệt Minh quyết định sang Anh Quốc để được học nâng cao hơn các kiến thức về quản trị doanh nghiệp.

Chính những tháng ngày du học tại Anh, cô đã có cơ hội được tiếp xúc và tìm hiểu về thực phẩm organic (thực phẩm hữu cơ) và nhen nhóm ước mơ được làm một điều gì đó để cải thiện chất lượng thực phẩm ở Việt Nam.

Mong muốn mang vườn rau Mỹ tới ngôi nhà Việt

Trong quá trình sinh sống và học tập tại nước Anh, Nguỵệt Minh đã được thấy rằng chất lượng cuộc sống của người dân nơi đây rất được coi trọng. Lựa chọn thực phẩm sạch, an toàn là điều mà người dân phương Tây quan tâm nhiều nhất.

Thực phẩm organic được bán rộng rãi và đa dạng. Đây đều là những thực phẩm được sản xuất bằng phương pháp canh tác hữu cơ, không hề sử dụng phân bón hóa học, các hóa chất bảo vệ thực vật độc hại hay chất kích thích… Tuyệt đối sạch và an toàn cho người sử dụng.

“Trong khi đó các thông tin về thực phẩm bẩn, thực phẩm không đạt vệ sinh an toàn thực phẩm tại Việt Nam lại tràn ngập trên các mặt báo. Tính mạng và sức khỏe của người tiêu dùng bị đe dọa từng ngày. Thực phẩm sạch và an toàn ở Việt Nam còn rất hạn chế với giá thành khá cao và nguồn gốc mập mờ. Vì thế tôi nuôi hi vọng sẽ phải làm một điều gì đó để cải thiện chất lượng cuộc sống cho người Việt Nam”, cô chia sẻ.

Chấp nhận từ bỏ vị trí CEO của công ty lớn, Nguyệt Minh tìm hướng đi mới để thực hiện mong muốn của mình, cô bắt đầu bằng việc tìm kiếm các mô hình trồng rau sạch quy mô nhỏ phù hợp với các hộ gia đình từ các nước có nền nông nghiệp công nghệ cao phát triển như Anh, Mỹ, Isarel, Nhật Bản…

Trong quá trình tìm kiếm, cô nhận thấy rằng mô hình Aquaponics được phát triển bởi các nhà khoa học người Mỹ là phù hợp với việc sản xuất rau hữu cơ ở quy mô nhỏ, đồng thời cũng gặp gỡ được nhóm nghiên cứu về Aquaponics tại Việt Nam.

Bằng việc hợp tác với nhóm nghiên cứu Aquaponics Việt Nam, Nguyệt Minh đã cho ra đời thương hiệu Janus Aquaponics thuộc dự án khuvuonxanh.vn nhằm nhân rộng mô hình tự cung cấp rau hữu cơ, cá sạch trên sân thượng tới đông đảo hơn nữa các hộ gia đình.

Aquaponics là hệ thống kết hợp giữa nuôi trồng thủy sản và thủy canh, trong đó chất thải của cá sẽ được biến đổi thành chất dinh dưỡng nuôi cây, qua bể trồng cây thì nước sẽ được lọc sạch trả lại bể cá.

Hệ thống trồng rau sạch của nữ doanh nhân.

Aquaponics là hệ thống kết hợp giữa nuôi trồng thủy sản và thủy canh.

Thông qua Janus Aquaponics người tiêu dùng có thể tự tay cung cấp thực phẩm sạch cho bữa ăn gia đình mình mà không phải lo lắng đến vấn đề kỹ thuật, kiến thức nông nghiệp. Không chỉ dừng lại ở đó, dự án khuvuonxanh.vn của Nguyệt Minh còn hợp tác với nhóm nghiên cứu và các giáo sư trường đại học ở Nhật Bản để nghiên cứu về các phương pháp mới trong sản xuất thực phẩm hữu cơ, trước mắt nhóm đang tập trung nghiên cứu về ứng dụng của than - một nguyên liệu rất rẻ và phổ biến ở Việt Nam, từ đó có thể giảm chi phí sản xuất và sẽ có nhiều hơn nữa người dân được tiếp cận với nguồn thực phẩm sạch.

Kết thúc cuộc gặp gỡ, khi được hỏi liệu có lo lắng về hành trình mới này không, cô gái này cười tươi đầy hy vọng:

“Mục tiêu dài hạn của chúng tôi không chỉ dừng lại ở việc đầu tư vào các dự án cung cấp thực phẩm sạch mà sẽ còn mở rộng sang các ngành dịch vụ khác miễn là đạt được tiêu chí góp phần xây dựng cuộc sống xanh (green life) cho mọi người”.

Tổng hợp theo Cafebiz/Trí thức trẻ

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo