Phân tích

Lo ngại không đủ nguồn lực để tái cơ cấu nền kinh tế

(DNVN) - Thảo luận tại tổ về kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 vào sáng 22/10, nhiều đại biểu Quốc hội đã bày tỏ băn khoăn trước khả năng huy động nguồn lực thực hiện.

Theo kế hoạch trình Quốc hội, Chính phủ dự kiến nguồn lực để thực hiện kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016- 2020 trong khuôn khổ các nguồn lực huy động chung của nền kinh tế giai đoạn 2016- 2020, dự kiến khoảng 10.567 nghìn tỷ đồng theo giá thực tế (tương đương khoảng 480 tỷ USD). 

Trong đó, tổng vốn đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách Nhà nước của các bộ, ngành và địa phương dự kiến khoảng 3.570 nghìn tỷ đồng (tương đương gần 180 tỷ USD). 

Về cơ cấu dự kiến vốn trong nước khoảng 75%, vốn ngoài nước khoảng 25%. Nguồn vốn FDI trong thời kỳ này dự kiến khoảng 1.462 nghìn tỷ đồng (tương đương khoảng 68 tỷ USD). Nhu cầu huy động và sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi thời kỳ 2016- 2020 cũng đạt khoảng 39,5 tỷ USD (các Bộ, ngành Trung ương khoảng 21 tỷ USD, các địa phương khoảng 18,5 tỷ USD với tổng số trên 1.203 dự án).

Tại phiên thảo luận, trong các phần phát biểu của mình, các đại biểu đều bày tỏ băn khoăn trước việc huy động nguồn lực thực hiện tái cơ cấu kinh tế giai đoạn 2016- 2020. 

Đại biểu Bùi Sĩ Lợi- Thanh Hóa phát biểu tại phiên họp tổ.

Đại biểu Bùi Sĩ Lợi đặt câu hỏi, nguồn vốn thực hiện tái cơ cấu sẽ huy động từ đâu khi ngân sách nhà nước ngày càng hạn hẹp. Đại biểu Nguyễn Hữu Quang cho rằng tái cơ cấu phải tạo ra nguồn lực để tiếp tục thực hiện tái cơ cấu chứ không thể phụ thuộc hoàn toàn vào ngân sách nhà nước.

Bày tỏ lo ngại không đủ nguồn lực bảo đảm thực hiện tại cơ cấu, đại biểu Lê Minh Thông- Thanh Hóa nhấn mạnh lập kế hoạch tái cơ cấu phải tính đến tính khả thi của kế hoạch. Theo tính toán sơ bộ, so sánh giữa dự kiến nguồn lực thực hiện tái cơ cấu trong 5 năm, dự kiến tổng vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước với mức thu ngân sách nhà nước hàng năm thì việc cân đối ngân sách nhà nước, bố trí nguồn lực thực hiện tái cơ cấu là rất khó khăn.

Các đại biểu cũng cho rằng dự kiến nguồn lực để thực hiện kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế khoảng 480 tỷ USD là con số không hề nhỏ so với quy mô nền kinh tế GDP loanh quanh 200 tỷ USD và thu ngân sách chưa đến 50 tỷ USD của nước ta. Đại biểu Mai Hồng Hải- Hải Phòng bày tỏ băn khoăn con số lên đến 10 triệu tỷ là rất lớn và dự kiến huy động bên ngoài như Chính phủ dự kiến liệu có đảm bảo hay không?

Đại biểu Lê Thanh Vân- Cà Mau cho rằng, khi mà cân đối thu chi chưa bảo đảm, mỗi năm vẫn bội chi 5%, nợ xấu và nợ đọng xây dựng cơ bản không giải quyết được mà trong 5 năm tới mà huy động nguồn lực lớn như trên là rất đáng lo ngại, sẽ rất khó khăn cho Chính phủ để tìm cách giải quyết.

Cũng băn khoăn về nguồn lực thực hiện kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế dự kiến khoảng 10.567 nghìn tỷ đồng, đại biểu Đặng Thuần Phong - Bến Tre đề nghị Chính phủ làm rõ cơ sở dự toán nguồn lực này.

 

“Khả năng huy động nguồn lực này như thế nào? Lộ trình từng năm ra sao? Tiêu chí và hướng phân bổ, ưu tiên nguồn lực này vào những lĩnh vực nào?” - đại biểu Đặng Thuần Phong đề nghị.

Vậy số tiền này phân bổ cho những nguồn lực nào? Cùng chung băn khoăn và thắc mắc về phân bổ nguồn lực, đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) ý kiến, có phải là 91 hoạt động trong phụ lục của Đề án sẽ tiêu hết số tiền đó không?

Nên đọc
Hòa Lộc
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo