Lo tiền giả mệnh giá 5000đ...dâng Phật: Quan điểm của sư thầy
Đó là chia sẻ của Sư thầy Thích Thanh Huân- trụ trì chùa Pháp Vân, Phó văn phòng TW Giáo hội Phật giáo VN.
Được biết, thời gian gần đây xuất hiện rất nhiều đồng tiền mệnh giá 5000 đồng là tiền giả tại các chợ cóc, chợ tạm trên địa bàn thành phố HN. Theo nhận định của các chuyên gia thì tiền có mệnh giá nhỏ hiện nay bị làm giả là do nhu cầu tín ngưỡng đi lễ cầu, đền chùa của người dân dịp Tết tăng mạnh.
Nên bỏ cả vàng mã
Chia sẻ với Đất Việt, Sư thầy Thích Thanh Huân cho biết: "Tất cả các hình thức dù là tiền giả hay là tiền mã, tôi cũng không đồng tình, đặc biệt là việc giả mạo đồng tiền thật để lưu hành phục vụ mục đích tín ngưỡng".
Theo quan điểm của ông Huân, nếu có chăng tất cả mọi hình thức về tiền, khi cúng nên đặt tiền lễ phật rồi thu lại, chứ không phải tiền mã thì đốt, còn tiền thật thì cứ nhét vào đủ chỗ trên cửa chùa, nhưng văn hóa thì không phải thay đổi được ngay trong một sớm một chiều.
Thiết nghĩ, chuyện dùng tiền vàng, riêng cá nhân ông không cổ vũ, nên dẹp bỏ phong tục đó. Nhưng điều khó nhất là việc này tồn tại cũng như một nhận thức của cộng đồng, như một nét đặc sắc của văn hóa tín ngưỡng.
Ông Huân cho rằng: "Dùng tiền đi lễ chùa chỉ là hình thức gửi gắm cái tâm của người trần thế với người âm, nên theo quan điểm cá nhân tôi, thì dưới bất kỳ hình thức nào, cũng không nên dùng tiền vàng mã, cũng không nên lấy đồng tiền mệnh giá 100.000đ - 500.000đ nhái (gọi là tiền âm phủ) đi thắp hương, cũng cố gắng phân biệt, tránh mắc phải chuyện tiền giả để đi lễ chùa".
Giải thích về việc không đồng tình, ông Huân lý giải, thứ nhất, tiền giả làm ảnh hưởng đến phong tục tâp quán, sự bình yên trong tâm tư xã hội.
Thứ hai, các nhà sư trong chùa, không thể phát hiện được giữa hai loại tiền thật - tiền giả, người thường còn khó phân biệt, bởi tất cả tiền đều được đưa vào quỹ công đức, tu bổ chùa chiền.
Ông khẳng định: "Về tâm linh, tất cả chỉ là biểu trưng cho lòng thành kính, tâm của mọi người, đối với những người đã khuất, nên tốt nhất là cúng bằng đồng tiền thật, cơm thật, áo thật, đồ vật thật. Bởi những đồ cúng lên, có phải người âm nhận được những đồ đó đâu, họ chỉ nhận tấm lòng của người dâng lên, họ cũng không đem được tiền đi đâu, kể cả tiền giả hay là tiền thật".
Cần xử lý nghiêm
Để xử lý tình trạng này, theo ông Huân, nên có hình thức xử lý nghiêm ngặt. Ông Huân nhấn mạnh, đã là tâm thành kính thì tại sao lại để có sự giả tạo.
"Tôi không cổ vũ, không đồng tình để nó trở thành hiện tượng loạn văn hóa, tư duy, nhiều khi họ làm khác đi, thu hút mọi người, quần chúng, đó là mục đích của người kinh doanh, cần định hướng lại. Nhất là làm đồng tiền giả trước tiên là sai về đạo đức làm ăn kinh doanh", ông Huân chia sẻ.
Chính vì vậy, các cơ quan quản lý văn hóa - xã hội cần phải vào cuộc có định hướng, hiện tượng như vậy phải xử lý kịp thời, đợt này xuất hiện tiền giả không bị xử lý, thì sẽ thành tiền lệ, tiền thật - tiền giả lẫn lộn là vô cùng tệ hại.
Trước đó, chia sẻ với PV, TS Cấn Văn Lực - Cố vấn cấp cao Chủ tịch HĐQT Ngân hàng BIDV kiêm Giám đốc Trường đào tạo Ngân hàng BIDV cho biết: "Năm nay nhà nước lại tiếp tục không cho in tiền lẻ mệnh giá 5000đ, nên mới dẫn đến tình trạng khan hiếm, từ đó dẫn đến xuất hiện động cơ làm tiền giả".
Lý giải nguyên nhân, ông Lực cho hay: "Do nhu cầu của người dân tương đối cao vào dịp Tết, bởi Tết là thời điểm để đi chùa, chiền, lễ hội rất nhiều, nên không ai quan tâm đến việc tiền giả hay tiền thật, chỉ cần có tiền đẹp, tiền mới để bày tỏ thành tâm. Những người làm tiền giả cũng biết tranh thủ thời điểm để lợi dụng".
Mặt khác, tiền lẻ chủ yếu cũng chỉ để đi chùa, đền, chứ bây giờ cũng rất ít người dùng tiền lẻ để đi mừng tuổi hay biếu tặng.
Đồng quan điểm ông Cao Sỹ Kiêm - Nguyên Thống đốc Ngân hàng nhà nước VN cho hay: "Nắm bắt thị trường tiền lẻ ngày Tết khan hiếm, nên mới xuất hiện tình trạng làm tiền giả để kiếm lời, đây là một hình thức có sự chuẩn bị, phán đoán từ trước".
Tiền lẻ mệnh giá này cũng chỉ nhằm phục vụ nhu cầu tín ngưỡng, nhu cầu lễ chùa của người dân, chứ giờ sẽ không còn ai mừng tuổi 5000đ, chủ yếu đi rải cửa chùa, cửa đền".
End of content
Không có tin nào tiếp theo