Năm 2017 chứng kiến một số lượng kỷ lục các nữ tỷ phú tự thân hiện là 56 so với con số 42 người trong năm trước đó, với tổng tài sản ước tính lên tới 129,1 tỷ USD, theo tạp chí Forbes. Đây cũng là năm tỷ lệ tỷ phú nữ tự thân cao kỷ lục, chiếm 25% số lượng tỷ phú nữ trên thế giới, và cao gấp đôi mức năm 2009, thời điểm xảy ra khủng hoảng tài chính toàn cầu. Một nửa số lượng này đến từ châu Á.
Chu Quần Phi (Zhou Qunfei): "Từ bỏ học đến nhiều tiền nhất thế giới"
Chu Quần Phi (47 tuổi, Hong Kong - Trung Quốc) là nữ tỷ phú tự thân giàu nhất thế giới năm 2017. Chu đã nhanh chóng trở thành tỷ phú không lâu sau khi công ty của bà là Lens Technology, chuyên sản xuất màn hình điện thoại, phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) vào năm 2015. Nguồn tin từ hãng Bloomberg và Tạp chí Times cho hay, khối tài sản của Chu hiện ước tính lên tới 9,2 tỷ USD. Riêng Lens có giá trị ước tính khoảng 11 tỷ USD.
Sinh ra trong một gia đình nghèo khó tại khu vực nông thôn Trung Quốc, Chu buộc phải bỏ học vào năm 16 tuổi. Ban đầu, bà đi làm thuê cho một công ty sản xuất mặt kính đồng hồ đeo tay nhưng không quên tham dự các lớp học buổi tối, trong đó có lớp kế toán. Bà từng cho biết khi đó bà “chỉ muốn học để xem mình có được trả tiền hay không”. Tất cả những gì bà muốn là thay đổi số mệnh của mình với nỗ lực riêng của bản thân. Bước vào tuổi 22 vào năm 1993, với toàn bộ vốn liếng tích góp, Chu thành lập công ty riêng chuyên sản xuất kính đồng hồ, giữa bối cảnh “nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng nhanh chóng mặt, có vô vàn cơ hội cho doanh nghiệp, cho cả phụ nữ” như Chu từng phát biểu với báo chí. Năm 2003, Motorola, Inc (Mỹ) gọi điện cho Chu, hỏi liệu bà có muốn giúp phát triển Lens chống xước cho điện thoại mới ra mắt Razr V3. Đơn đặt hàng đến tới tấp sau đó từ cả HTC, Nokia, và Samsung. Năm 2007, Apple khi ra mắt sản phẩm iPhone đầu tiên cũng đã liên hệ làm việc với Chu. Đến năm 2017, Lens đã thành lập 32 nhà máy, tuyển dụng hơn 90.000 nhân viên, với lợi nhuận ròng tăng hơn 70% so với mức 1,2 tỷ nhân dân tệ (NDT, 184,66 triệu USD) năm trước đó. Chu cho biết, bà không hối tiếc về việc kinh doanh, và rằng tại nơi bà lớn lên, con gái thường không được lựa chọn có tiếp tục đi học hay không, mà sẽ kết hôn, từ đó sống tại một nơi cả cuộc đời.
Nữ tỷ phú Oprah Winfrey.
Oprah Winfrey: "Chưa một phút tập trung vào tiền"
Luôn nằm trong danh sách nữ tỷ phú nhiều tiền nhất thế giới, song nữ hoàng truyền thông Mỹ Oprah Winfrey (sinh ngày 29/1/1958 tại Kosciusko, Mississippi) lại không bao giờ tập trung vào tiền. Bà từng nói: “Lý do từ trước đến nay tôi luôn thành công về mặt tài chính là sự tập trung của tôi chưa bao giờ, không một phút nào dành cho tiền”. Với khối tài sản lên đến 2,8 tỷ USD, Winfrey là phụ nữ Mỹ gốc Phi duy nhất lọt vào danh sách tỷ phú của Forbes. Bà được biết đến là nhà sản xuất truyền hình, người dẫn chương trình truyền hình xuất chúng nhất nước Mỹ, và là một trong số những người phụ nữ có tầm ảnh hưởng lớn nhất thế giới.
Để có được hiện tại, Winfrey đã phải bước qua một tuổi thơ đầy khắc nghiệt: Bố mẹ ly hôn, chuyển đến ở với ông bà, đoàn tụ với mẹ song không nhận được nhiều quan tâm, nhiều lần bị lạm dụng tình dục, bỏ nhà ra đi, làm mẹ trẻ… Sau khi mất đi người con trai, và chỉ khi trở về sống với bố, Winfrey mới được học hành và nhận sự chỉ dạy nghiêm túc để sau đó trở thành học sinh danh dự, rồi học sinh nổi tiếng nhất Trường Trung học East Nashville, chiến thắng một số giải thưởng trong các cuộc thi nói. Bước sang tuổi 19, sau khi hoàn thành khóa học truyền thông tại Đại học Bang Tennessee, Winfrey được nhận vào làm việc tại một trạm radio địa phương, đồng phụ trách các bản tin tối. Năm 1984, bà bắt đầu dẫn chương trình “AM Chicago”. Ban đầu, đây chỉ là một chương trình nói chuyện buổi sáng sớm, bị xếp hạng thấp nhất tại địa phương nhưng chỉ sau một vài tháng với sự có mặt của Winfrey, đã nhanh chóng trở thành show được xem nhiều nhất nước Mỹ, ba năm sau đó được đổi tên thành “The Oprah Winfrey Show” - show nổi tiếng nhất lịch sử ngành truyền hình, thu hút hơn 30 triệu khán giả Mỹ và được phát tại 144 quốc gia trên thế giới. Không dừng lại ở đó, bà còn rất thành công với “Change Your Life TV”, thu hút 22 triệu khán giả nữ, bên cạnh việc đồng sáng lập Oxygen Media, sáng lập Tạp chí Oprah, lập quỹ từ thiện “Oprah’s Angel Network”…
Một trong những câu trích dẫn được lan truyền nhiều nhất của bà là: “… Bạn không chỉ có trách nhiệm với cuộc đời mình, mà việc nỗ lực hết mình tại thời điểm hiện tại sẽ đặt bạn vào vị trí tốt nhất trong thời điểm kế tiếp”.
Nữ tỷ phú Marian Bayo Ilitch luôn sánh vai cùng chồng.
Marian Bayo Ilitch: "Khởi nghiệp từ nhà hàng pizza nhỏ"
Không phải bỏ học rồi đều thành công, song điểm chung của nhiều nữ tỷ phú tự thân là không đi học. Phụ nữ tự thân giàu nhất nước Mỹ Marian Bayoff Ilitch (sinh ngày 7/1/1933), bỏ học Cao đẳng Cộng đồng Dearborn để cùng người chồng quá cố Mike Ilitch thành lập một nhà hàng pizza nhỏ, sau này trở thành chuỗi nhà hàng mang về doanh thu thường niên lên đến 4 tỷ USD. Điều làm nên thành công của chuỗi nhà hàng này là thực đơn đơn giản và hấp dẫn mà các gia đình, đặc biệt là những nhà có trẻ nhỏ, đều đủ khả năng chi trả. Little Caesars Pizza ra đời như thế, nay trở thành một trong ba chuỗi pizza quốc tế hàng đầu với nhà hàng hiện diện tại khắp 50 bang của nước Mỹ và 17 thị trường quốc tế. Sự thành công của Ilitches mở ra nhiều “cánh cửa” kinh doanh khác cho nhà Ilitches. Tính đến ngày 8/3 vừa qua, khối tài sản Marian Ilitch sở hữu có giá trị ròng lên tới 5,3 tỷ USD.
Nữ tỷ phú Sheryl Sandberg.
Sheryl Sandberg: "Thành công ở tuổi “đầu 3”" Giám đốc điều hành (COO) Facebook Sheryl Sandberg (48 tuổi) khi được hỏi làm gì ở những năm 20 tuổi để thành công ở độ tuổi 30, cho biết, đó là “leo lên một tàu tên lửa, sẵn sàng chấp nhận mạo hiểm và làm điều gì chưa từng làm trước đó, tìm cách bắt đầu tin tưởng vào bản thân”. Bà cho biết, bà là một người có niềm tin lớn lao rằng chúng ta phải cam kết với mọi điều và biến chúng trở thành thói quen thường lệ, nếu muốn chúng mang lại kết quả, và rằng một nơi rõ ràng, đặc biệt đối với phụ nữ, để mơ lớn thực sự rất quan trọng. Phụ nữ nắm quyền điều hành là một điều hiếm thấy tại ngành công nghệ, khi chỉ 11% tổng giám đốc tại các công ty Thung lũng Silicon là nữ giới, Sandberge là một trong những “của hiếm”.
Sandberg bồi đắp cho bản thân nhiều kinh nghiệm làm việc tại Ngân hàng Thế giới (WB) và Bộ Tài chính Mỹ trước khi chuyển đến Thung lũng Silicon vào năm 2001 để cống hiến cho Google (với cương vị Phó Chủ tịch mảng hoạt động và bán hàng trực tuyến toàn cầu), trước khi làm việc cho Facebook, với tư cách Giám đốc điều hành. Là thành viên nữ đầu tiên trong Ban Giám đốc Facebook, bà quản lý hoạt động kinh doanh của công ty, đặc biệt tập trung vào việc mở rộng toàn cầu, bên cạnh việc bao quát hoạt động tiếp thị, bán hàng, phát triển doanh nghiệp và nguồn nhân lực. Tính đến năm 2017, Sandberg sở hữu khối tài sản lên đến 1,58 tỷ USD, cũng chính năm này bà được vinh danh trong danh sách những phụ nữ quyền lực và danh sách phụ nữ tự thân Mỹ của Forbes.
“Phụ nữ nỗ lực rất nhiều. Song chúng ta vẫn chỉ chiếm phần trăm nhỏ các công việc hàng đầu trong bất kỳ ngành nào, tại bất cứ quốc gia nào trên thế giới. Tôi nghĩ một phần lý do là từ khi ở độ tuổi còn rất nhỏ, ta khuyến khích các cậu bé của chúng ta dẫn đầu…” là lời nhắn nhủ từ nữ COO này.
Nữ tỷ phú Folorunsho Alakija.
Folorunsho Alakija: "3 kinh nghiệm đáng lưu ý"
“… Nếu tôi có thể đạt được những gì tôi có ngày hôm nay, tôi biết bạn cũng có thể làm như vậy” - là lời nhắn từ nữ tỷ phú Folorunso Alakija (sinh năm 1951). Được Forbes bình chọn là phụ nữ giàu nhất Nigeria với khối gia tài ước tính đạt 2,1 tỷ USD. Alakija đã chứng tỏ được mình là một phụ nữ thành công trong sự nghiệp và có đầu óc trong kinh doanh. Alakija hiện đang là Giám đốc quản lý Rose of Sharon Group - Tổ chức phi chính phủ chuyên hỗ trợ góa phụ và trẻ cơ nhỡ, Phó Tổng Giám đốc Famfa Oil Limited - công ty khai thác, sản xuất dầu và khí đốt hàng đầu Nigeria, người sáng lập thương hiệu quần áo Supreme Stitches nổi tiếng, đồng thời là chủ trong nhiều mảng kinh doanh khác.
3 kinh nghiệm đáng lưu ý của bà là: (1) Nồng nhiệt với những gì mình làm: Nếu một người đang giữ một vị trí hay làm một công việc không phải nghề nghiệp mơ ước của mình, đừng để điều này ngăn trở việc học càng nhiều càng tốt từ vai trò đó. Không bao giờ ta biết mình có thể gặp ai sẽ giúp mình thăng tiến. (2) Tận dụng những cơ hội: Nếu dự định một ngày nào đó sẽ khởi nghiệp, mọi người nên đọc thật nhiều về ngành này, tham dự các sự kiện và nói chuyện với những người đang làm việc trong ngành mình quan tâm. Nếu tìm được một cơ hội chưa ai tiếp cận, nên đào thật sâu cơ hội này trước nó tuột khỏi tay. Alakija tiếp cận ngành thời trang, theo bà, là khi “người Nigeria rất tự hào khi trưng diện thời trang châu Phi”. (3) Tạo ảnh hưởng bất kể vị trí công việc đang nắm giữ: Bất kể nắm vị trí nào, mọi người đều có những điều có thể chia sẻ với những người tìm đến mình với vai trò là cố vấn. Hãy tạo ảnh hưởng trong cộng đồng, khu dân cư.