Góc nhìn

Lợi thế lao động giá rẻ thất bại ngay trên sân nhà

“Bộ LĐTBXH phải làm rõ trách nhiệm trong việc thiếu tạo sự kết nối giữa doanh nghiệp và lao động, trong tình trạng lao động không có chuyên môn kỹ thuật chiếm 60% trong tổng số 900.000 lao động đang thất nghiệp” - ĐBQH Trương Văn Vở (Đồng Nai) phát biểu tại nghị trường trong phiên thảo luận về kinh tế - xã hội ngày 30.10.

ĐB Nguyễn Hữu Đức: Các cơ sở đào tạo nghề chưa đáp ứng nhu cầu thị trường lao động. Ảnh: HẢI NGUYỄN

“Kỹ sư làm thợ mộc, cử nhân làm xe ôm, giúp việc”

Dành toàn bộ 7 phút phát biểu tại nghị trường để nói về thị trường lao động, ĐBQH Nguyễn Phi Thường (Hà Nội) phân tích mô hình tăng trưởng theo chiều dọc, chủ yếu dựa vào 2 yếu tố vốn và lao động đã không còn thích hợp nữa. Theo ông Thường, sắp tới yếu tố vốn sẽ khó khăn do nợ công đã đến giới hạn, đi vay khó khăn và làm thế nào để cải thiện nợ công vẫn còn là câu chuyện phải bàn. 
 
VN đang ở giai đoạn dân số vàng, đồng nghĩa với việc đang già hóa dân số. Do vậy, theo ông, nâng năng suất lao động (NSLĐ) là vấn đề mang tính chất sống còn”. Ông Thường cũng bày tỏ lo ngại trước những con số: 50% số lao động chưa qua đào tạo. NSLĐ thấp nhất khu vực Châu Á- TBD. Thấp hơn Singapore 15 lần, thấp hơn Nhật 11 lần… 
 
So với các láng giềng có mức thu nhập trung bình, NSLĐ Việt Nam chỉ bằng 1/5 Malaysia, trong khi sự hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới cũng như Hiệp định kinh tế ASEAN có hiệu lực ngay 2015, cho phép lao động ASEAN được di chuyển tự do hơn, sẽ khiến yếu tố giá rẻ, lợi thế của lao động Việt Nam sẽ không còn sức cạnh tranh ngay trên sân nhà.
 
Ông Thường bày tỏ, ngay tại thị trường trong nước cũng có thể nhìn thấy sự trì trệ. NSLĐ thấp. Lao động đông về số lượng, nhưng ít qua đào tạo. Tỉ trọng trong nông lâm lớn nhưng NSLĐ trong các ngành này rất thấp. Trình độ công nghệ thấp, hàm lượng không thay đổi sau 10 năm. Sự tụt hậu xa của VN so với các nước trong khu vực . Trong khi đó lao động có chuyên môn thì thất nghiệp đến mức “Kỹ sư làm thợ mộc, cử nhân làm xe ôm, giúp việc”.
 
Lao động dựa vào sức người không còn phù hợp
 
ĐBQH Nguyễn Hữu Đức (Đồng Tháp) cho rằng việc lao động phổ thông chủ yếu dựa vào sức người là không còn phù hợp. Người lao động phải được tiếp cận khoa học kỹ thuật để nâng cao NSLĐ. Ông Đức cũng nhìn nhận nguyên nhân của vấn đề nằm ở chỗ các cơ sở đào tạo nghề chưa đáp ứng nhu cầu thị trường lao động. Chất lượng đào tạo thấp chưa đáp ứng nhu cầu DN. 
 
“Đây là bài học lớn về tăng trưởng nóng của ngành giáo dục cơ sở vật chất đào tạo thì phân tán, tràn lan trong đào tạo”. Và hậu quả của việc đào tạo chỉ trú trọng đến số lượng mà xem nhẹ chất lượng lao động.
 
ĐBQH Nguyễn Thị Hồng Hà (Hà Nội) bày tỏ sự quan tâm đến chỉ tiêu tỉ lệ lao động qua đào tạo trong 9 tháng ước đạt 47,8%. Theo bà, tỉ lệ lao động qua đào tạo thấp không chỉ ảnh hưởng đến năng suất lao động, làm chậm quá trình tái cơ cấu mà còn cảnh báo khó đạt chỉ tiêu trong năm 2015 và những năm sau.
 
Điều lo ngại ở đây là thị trường lao động Việt Nam dù đang phát triển cả về lượng và chất song vẫn còn nghịch lý đó là tình trạng thiếu hụt lao động chuyên nghiệp có trình độ cao, nhất là các chuyên gia và nhà quản lý. Trong khi đó chúng ta lại đang dư thừa lượng lớn lao động xã hội trong đó có khoảng 25-30% công chức - viên chức nhà nước không đảm bảo được vị trí công tác. Tình trạng sinh viên ra trường không có việc làm, thậm chí nhiều doanh nghiệp FDI không nhận sinh viên, xu hướng đầu vào thay đổi đầy cảm tính gây hụt.
 
ĐBQH Tôn Thị Ngọc Hạnh (Đắk Nông) nhắc lại chỉ tiêu tạo 1,6 triệu việc làm trong mục tiêu của Chính phủ năm 2015. “Chưa bàn đến con số này là nhiều hay ít - bà nói- nhưng xuất phát từ quan ngại về những hệ lụy xã hội rất lớn và sâu sắc, tôi cho rằng Chính phủ cần quan tâm hơn, quyết liệt hơn, có giải pháp căn cơ hơn, để giải quyết thách thức lao động có trình độ cao phải giấu bằng cấp để làm những công việc giản đơn kiếm sống, hoặc tệ hơn là không có việc làm.
 
Và vấn đề của thị trường lao động, theo các vị ĐBQH, chỉ có thể được giải quyết bằng việc đổi mới đào tạo. Sản phẩm đầu ra phải đủ tiêu chuẩn, đáp ứng nhu cầu của DN, nhu cầu của thị trường và chuyển dịch cơ cấu lao động sang các ngành phi nông nghiệp.
Theo Lao động
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo