Lotte Center Hà Nội “sinh nhầm thời"?
Trong khi Grand Plaza đã tạm đóng cửa hàng hơn năm nay chưa biết khi nào mở cửa trở lại, Tràng Tiền Plaza cũng đóng cửa để "tái cấu trúc"… thì việc “khai sinh” Lotte Center Hà Nội liệu có hợp thời?
Tọa lạc tại khu vực ngã ba Đào Tấn - Liễu Giai (quận Ba Đình, Hà Nội), Lotte Center Hà Nội cao 65 tầng, là tòa nhà cao thứ hai ở Hà Nội đã chính thức khai trương được vài ngày.
Tòa nhà hoàn thành đúng thời gian như dự kiến mà chủ đầu tư dự án là Tập đoàn Lotte đưa ra khi bắt đầu khởi công xây dựng dự án vào năm 2009. Thế nhưng, có điều khi bắt đầu đặt những viên gạch đầu tiên xây dựng dự án thì lúc đó thị trường bất động sản đang ở thời điểm “sôi”. Khi ấy, giá thuê mặt bằng bán lẻ tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh ở mức 50 – 100 USD/m2/tháng. Còn bây giờ, khi dự án hoàn thành và khai trương thì giá thuê trung bình toàn thị trường đã giảm sụt rất mạnh, từ 100USD/m2/tháng xuống còn 38,9 USD/m2/tháng.
Đáng nói, tỷ lệ bỏ trống tại các trung tâm thương mại liên tiếp gia tăng từ năm 2012 đến nay. Tỷ lệ trống toàn thị trường trong quý II/2014 là 18,2%, tăng 3,8% so với quý I/2014 và 2,3% so với cùng kỳ năm 2013. Riêng trong quý 3 này, theo CBRE (Tập đoàn CB Richard Ellis Group, có trụ sở chính đặt tại Los Angeles, là công ty kinh doanh dịch vụ bất động sản lớn nhất thế giới), trên thị trường Hà Nội, giá chào thuê trung bình của các tòa nhà hạng A đạt 30,4 USD/m²/tháng và 18,4 USD/m²/tháng đối với các tòa hạng B. Bên cạnh đó, tỷ lệ lấp đầy tại cả hạng A và hạng B đều giảm so với quý trước.
Thống kê của CBRE Việt Nam cho thấy, năm 2014, hàng loạt cao ốc hỗn hợp với diện tích “khủng” khác cũng gia nhập thị trường như: Gelex Tower (52, Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng), diện tích 18.300 m2; HANDICO Tower (Khu đô thị Mễ Trì, quận Từ Liêm), diện tích 29.040 m2; PSID Tower (148, Hoàng Quốc Việt, quận Cầu Giấy), diện tích 10.634 m2…
Việc gia nhập thị trường của các dự án trên sẽ làm tăng áp lực lên giá thuê, cũng như diện tích văn phòng, trung tâm thương mại bỏ trống trên toàn thị trường khiến bài toán cạnh tranh của Lotte Center Hanoi trở nên khó khăn hơn.
Còn nhớ 2 năm trước, Tập đoàn Keangnam cũng đến từ Hàn Quốc khi khai trương Dự án Cao ốc hỗn hợp Keangnam Landmark Tower đã dùng “chiêu” kêu gọi các bạn hàng, đối tác có “xuất xứ” Hàn Quốc, Nhật Bản di dời văn phòng về đóng tại tòa nhà. Điều này đã “vét” nhiều khách hàng từ các quận Cầu Giấy, Đống Đa khiến nhiều tòa văn phòng các khu vực đó mất lượng khách thuê đáng kể. Thậm chí, có đơn vị đã phải chuyển thành căn hộ cho thuê để kéo vốn và duy trì. Song, đến nay văn phòng cho thuê ở Keangnam Landmark Tower vẫn chưa được lấp đầy.
Chưa hết, trong bối cảnh nhiều trung tâm thương mại cao cấp ế ẩm, “Thiên đường mua sắm” Grand Plaza đã tạm đóng cửa hàng hơn năm nay chưa biết khi nào mở cửa trở lại, Tràng Tiền Plaza cũng đóng cửa để tái cấu trúc, Hòa Bình Green City vừa được chủ đầu tư rầm rộ công bố miễn phí hoàn toàn 25.000 m2 sàn thương mại để kích cầu... thì liệu Lotte Center có vượt qua được những khó khăn của thị trường để trụ vững là câu hỏi mà dư luận đang quan tâm?
Lotte Center cũng hướng đến phân khúc cao cấp, phục vụ khách VIP, mà điều này ông chủ của Tràng Tiền Plaza cũng đã làm nhưng không thành công. Vậy, Lotte Center sẽ có hướng đi mới nào để cạnh tranh trên thị trường vẫn là “ẩn sổ” chưa được tiết lộ!
Theo CBRE, trên thị trường văn phòng cho thuê ở Hà Nội một số dự án như Apex Tower, Handico Tower, TTTM Chợ Mơ… tiếp tục trì hoãn ngày hoàn thành nhưng nhìn chung thị trường cung vẫn vượt xa cầu. Theo dự báo, từ nay đến cuối năm, giá chào thuê trung bình vẫn tiếp đà giảm, tỷ lệ văn phòng trống sẽ tiếp tục tăng khi có thêm nguồn cung.
Do vây, việc khai trương tổ hợp Tòa nhà Lotte Center thời điểm này có lẽ sẽ là thách thức lớn và để có thể trụ vững trên thị trường thời điểm này buộc Lotte Center phải có chính sách, cách thức, lối đi riêng.
Infornet
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo