Doanh nghiệp

Luật Cạnh tranh tiềm ẩn nguy cơ “cá lớn nuốt cá bé”

(DNVN) - Dự kiến, Luật Cạnh tranh (sửa đổi) sẽ được Quốc hội thông qua vào ngày 12/6/2018. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề cần phải xem xét kỹ trước khi thông qua. Không ít cử tri lo ngại, khối doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) không được bảo vệ và càng trở nên yếu thế hơn, dễ dàng bị "nuốt gọn", thao túng...

Trả lời phỏng vấn báo chí, TS. Tô Hoài Nam, PCT thường trực Hiệp hội DNNVV Việt Nam tỏ ý lo ngại về việc loại bỏ quy định về giá thành ra khỏi Luật Cạnh tranh. Ông cho rằng, với tiềm lực kinh tế mạnh của các doanh nghiệp nước ngoài, khi tham gia vào thị trường trong nước họ có thể loại bỏ doanh nghiệp sản xuất trong nước. Khi đã bỏ ra rồi rất khó khôi phục. Bất cứ ngành nào trong nước mà DNNVV không còn, không khôi phục lại, đấy là trả giá rất lớn.

(Nguồn: Quốc hội TV)

Trong cuộc thảo luận tại hội trường chiều ngày 24/05/2018, nhiều ĐBQH cũng bày tỏ sự băn khoăn xung quanh vấn đề này.

Đại biểu Đinh Công Sỹ - Sơn La cho rằng, tại Điều 28 quy định về hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, lạm dụng vị trí độc quyền, bị cấm. Tại khoản 1 có quy định cấm doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường thực hiện các hành vi sau đây: Bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ dưới giá thành toàn bộ dẫn đến hoặc có khả năng dẫn đến loại bỏ đối thủ cạnh tranh. Đề nghị Ban soạn thảo giải thích rõ thuật ngữ này trong phần giải thích từ ngữ, đó là "giá thành toàn bộ".

Đại biểu Âu Thị Mai - Tuyên Quang nêu thực trạng: Thực tế không nhiều doanh nghiệp vận dụng quy định của Luật Cạnh tranh để đảm bảo quyền của mình nhất là DNNVV. Sở dĩ như vậy vì DNNVV không đủ sức theo các vụ kiện cạnh tranh. Mặt khác, họ không thấy được quyền lợi và nghĩa vụ của họ trong Luật Cạnh tranh. Đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung điều khoản quy định quyền và nghĩa vụ của DNNVV đảm bảo phù hợp thống nhất với quy định của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017.

Tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội đã thảo, cho ý kiến về dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi).

Luật Cạnh tranh phải tạo hàng rào bảo vệ sân chơi chung lành mạnh cho các chủ thể kinh tế. Các doanh nghiệp nước ngoài cũng phải trong phạm vi điều chỉnh. Về vấn đề này, đại biểu Trần Văn Huynh (Huệ Tín) - Kiên Giang băn khoăn, dường như các quy định này rất khó khả thi, ít nhất là từ góc độ tư pháp quốc tế, khi mà từ các hành vi này về nguyên tắc không thuộc phạm vi áp dụng của pháp luật nội địa hay quyền tài phán của Việt Nam. Ngay cả khi quy định về phạm vi áp dụng này là để phòng ngừa, tạo khung sẵn để ngăn chặn và xử lý hành vi cạnh tranh liên quan khi có thể. Với hiện trạng của dự thảo chỉ đề cập trong phần về phạm vi và đối tượng không có các quy định nội dung nào thích hợp để áp dụng đối với đối tượng là doanh nghiệp nước ngoài. Ở phạm vi ngoài lãnh thổ Việt Nam mục tiêu này cũng không thực hiện được khi cần. Ví dụ, không rõ việc xác định các hành vi cạnh tranh của các doanh nghiệp nước ngoài ở lãnh thổ Việt Nam sẽ thực hiện như thế nào, trên cơ sở nào và các biện pháp nào sẽ áp dụng. Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc kỹ hơn về vấn đề này.

Đại biểu Huynh nêu quan điểm, nhiệm vụ của hệ thống pháp luật về cạnh tranh phải đặt toàn bộ cộng đồng doanh nghiệp trong môi trường cạnh tranh bình đẳng, không phân biệt đối xử và phát huy tối đa quan hệ thị trường để có được sàng lọc tự nhiên.

Luật Cạnh tranh sửa đổi phải đảm bảo các nguyên tắc, góp phần bảo vệ bảo đảm cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, tăng cường hiệu quả, hiệu lực về tính minh bạch trong thực thi pháp luật về cạnh tranh, phù hợp với các cam kết quốc tế, nâng cao hiệu quả kinh tế, phúc lợi xã hội. Bảo vệ quyền lợi hợp pháp của tất cả các doanh nghiệp và người tiêu dùng. 

Nên đọc
Kim Thanh (lược ghi)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo