"Luật Hỗ trợ DNNVV cần hướng hoạt động về Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam"
Liên quan đến dự án Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, PV Doanh Nghiệp Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Dương Thanh Tương - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Đắk Lắk.
PV: Dự án Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam sẽ được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV đang diễn ra. Với tư cách là Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp địa phương, Ông đánh giá như thế nào?
Việc ra Luật để Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ theo tôi là rất cần thiết. Lâu nay, các doanh nghiệp hoạt động theo Luật Doanh nghiệp chứ chưa có Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Tôi đánh giá, việc ra đời Luật này sẽ tác động rất lớn đến cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa từ chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước tới doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam.
PV: Ông kỳ vọng gì khi Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ được Quốc hội thông qua?
Với tư cách là Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa ở địa phương, tôi rất là kỳ vọng vào dự án Luật này. Bởi khi dự án Luật được thông qua, các doanh nghiệp thành viên của Hiệp hội đã có định hướng để kinh doanh, phát triển từ đó sẽ giúp Hiệp hội có hướng phát triển tốt hơn và hoạt động sẽ đi vào chiều sâu hơn, đồng thời thúc đẩy cho phát triển kinh tế xã hội chung của đất nước.
PV: Là người luôn đi sâu đi sát với doanh nghiệp. Theo ông, khó khăn nhất của khối doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam hiện nay là gì?
Khó khăn lớn nhất hiện nay của doanh nghiệp nhỏ và vừa là việc tìm nguồn vốn để đầu tư phát triển sản xuất và việc tiếp cận với nguồn vốn. Khó khăn thứ 2 nữa là vấn đề cải cách thủ tục hành chính từ phía cơ quan Nhà nước và đặc biệt là các chi phí kinh doanh cả chi phí chính thức và không chính thức đang khiến những doanh nghiệp nhỏ và vừa phải lao đao.
Theo tôi, Nhà nước cần làm thế nào để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, chứ không tình trạng này kéo dài thì sẽ khiến các doanh nghiệp chết yểu. Vì vậy, cần quy định rõ trong Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa phải tháo gỡ vướng mắc như về thủ tục cấp đất, tiếp cận đất, thủ tục về thuế, phí và các lĩnh vực thuộc về đầu tư…
PV: Nhiều ý kiến cho rằng, doanh nghiệp nhỏ và vừa là những doanh nghiệp có ít vốn, sức cạnh tranh còn yếu nên rất mong muốn được Nhà nước hỗ trợ để khởi nghiệp. Các doanh nghiệp trong đợi gì ở các Quỹ như Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, Quỹ khởi nghiệp sáng tạo khi Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa được thông qua, thưa ông?
Khi có Luật rồi thì chúng tôi muốn các nguồn hỗ trợ từ các quỹ này sẽ được thực hiện đầy đủ hơn, đồng bộ hơn. Trước đây, các Quỹ tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp chỉ hoạt động theo quy định trong Nghị định 56 của Chính phủ, giờ đưa vào Luật được thì chúng tôi rất vui mừng, bởi cơ quan hỗ trợ sẽ có trách nhiệm với chúng tôi hơn.
PV: Nhiều ý kiến lo rằng sẽ có “lợi ích nhóm” của cơ quan hỗ trợ và doanh nghiệp được hỗ trợ vì vậy cần phải minh bạch, công khai việc hỗ trợ doanh nghiệp. Ông đánh giá việc này như thế nào?
Tất nhiên, vấn đề hỗ trợ cả về nguồn vốn, công nghệ khi công khai, minh bạch, có sự bàn bạc giữa doanh nghiệp với ngân hàng, hay đơn vị hỗ trợ và được cơ quan quản lý nhà nước quan tâm giúp đỡ thì chắc chắn sẽ không có “lợi ích nhóm”.
Lợi ích nhóm sẽ xảy ra khi mất dân chủ, công bằng, nhất thân nhì thế tức là họ dùng thân thế để tạo mối quan hệ rồi cấu kết với nhau để cùng có lợi. Khi Luật ra đời thì chắc chắn sẽ không còn lợi ích nhóm mà muốn như vậy thì việc hỗ trợ phải công khai minh bạch.
PV: Thời gian qua có rất nhiều ý kiến về vai trò, trách nhiệm cùng như quyền của các Hiệp hội ngành nghề, Hiệp hội đa ngành như Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam chưa được nêu rõ. Ông đánh giá như thế nào về vai trò của Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam?
Dù còn nhiều ký kiến khác nhau, nhưng đối với Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, việc ra đời dự án Luật trước hết cần phải gắn liền với hoạt động của Hiệp hội này bởi dự án Luật sẽ là cầu nối, tác động tích cực tới hoạt động của Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam.
Theo tôi, dự án Luật cần hướng về hoạt động của Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, bởi thực tế hiện nay thì doanh nghiệp nhỏ và vừa đã chiếm tới 97% doanh nghiệp của Việt Nam mà đơn vị lâu nay vẫn là cơ quan đại diện cho quyền lợi và nghĩa vụ của doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam. Hơn nữa, cần quy định rõ hơn về vai trò của Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam trong Luật.
PV: Khi Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa được Quốc hội thông qua, Ông kỳ vọng như thế nào vào Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, cơ quan đại diện cho phần lớn doanh nghiệp ở Việt Nam hiện nay?
Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa ra đời là động lực mạnh mẽ về mặt Luật pháp, chủ trương của Nhà nước, nên khi được gắn trách nhiệm và nghĩa vụ hỗ trợ doanh nghiệp thì Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam sẽ có cơ sở hoạt động vững chắc hơn, hiệu quả hơn. Đặc biệt, Hiệp hội sẽ là điểm tựa, cầu nối giúp doanh nghiệp tiếp cận với chủ trương, chính sách của Nhà nước nhanh hơn.
Ngoài ra, khi được gắn trách nhiệm, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam sẽ phải hướng dẫn các doanh nghiệp tiếp cận nguồn hỗ trợ một cách nhanh và đơn giản nhất. Đồng thời, định hướng các doanh nghiệp nhỏ và vừa làm thế nào giúp họ vận dụng Luật một cách hiệu quả nhất để họ có thể phát triển kinh doanh ổn định và bền vững.
Xin chân thành cảm ơn ông!
End of content
Không có tin nào tiếp theo