Góc nhìn

Luật hóa để ngăn ngừa gian lận trong kế toán tài chính

Luật Kế toán mới cần hướng đến mục tiêu tiệm cận chuẩn mực quốc tế về kế toán-minh bạch thông tin, chấp nhận và thừa nhận các chuẩn mực kế toán quốc tế.

Xung quanh những tranh cãi về việc có quá nhiều “giấy phép con” để thành lập DN kinh doanh dịch vụ kế toán trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kế toán đang được Bộ Tài chính (cơ quan soạn thảo) đưa ra lấy ý kiến, PSG.TS. Đặng Văn Thanh- Chủ tịch Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam đã có ý kiến về vấn đề này.

Ông có cho rằng, nếu quy định mới được áp dụng sẽ xảy ra 2 khả năng: Thứ nhất, sẽ có DN chấm dứt hoạt động kinh doanh dịch vụ kế toán vì không đủ sức (cả về thời gian và tiền bạc) để "xin" các giấy phép con; thứ hai, không đăng ký hành nghề, không xin Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh nhưng vẫn “vô tư” kinh doanh dịch vụ kế toán?


Dịch vụ kế toán ra đời chưa đầy 10 năm nhằm đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế thị trường. Tuy nhiên, tôi phải nhấn mạnh đây là dịch vụ kinh doanh có điều kiện bởi liên quan đến chất lượng thông tin kế toán và được đối tượng sử dụng thông tin dùng để quyết định kinh tế; đồng thời phục vụ mục đích quyết toán thuế với cơ quan Thuế.

Do vậy, tại nhiều quốc gia để kiểm soát chất lượng dịch vụ, cũng như năng lực chuyên môn, phẩm chất đạo đức hành nghề của những người làm kế toán đều được quy định trong Luật và có những chuẩn mực ràng buộc rất chặt chẽ.

Nhìn lại các quy định của Luật Kế toán 2003 về dịch vụ kế toán, Hội nghề nghiệp về kế toán cũng không còn phù hợp. Đơn cử như về chất lượng công tác kế toán cũng là một nội dung cần bàn: Chất lượng kế toán còn chưa đáp ứng yêu cầu quản lý và đòi hỏi của xã hội, các biểu hiện hạch toán kế toán không trung thực, gian lận đã xảy ra; báo cáo tài chính chưa kịp thời và độ tin cậy chưa cao.

Điều đó dẫn tới hệ lụy như các nhà đầu tư chưa tuyệt đối tin tưởng vào báo cáo tài chính đã được kiểm toán; bản thân các báo cáo tài chính của DN không bảo đảm được tính chính xác và không ít trường hợp chỉ để đạt mục đích nào đó chứ không vì mục đích khách quan tin cậy về thông tin kinh tế tài chính. Trên thực tế đã có DN vì để được trợ giá, vì tránh nộp thuế thu nhập thì báo cáo kết quả kinh doanh thua lỗ, nhưng khi để cổ phần hóa, để bán được cổ phiếu thì báo cáo lãi và cố chứng minh DN đang hoạt động có hiệu quả.

Hoạt động nghiệp vụ tại Cục Thuế tỉnh Yên Bái. Ảnh: T.Hằng


Việt Nam đã gia nhập WTO có nghĩa đã chấp nhận các điều khoản, cam kết và quyết tâm thực hiện. Luật Kế toán mới cần hướng đến mục tiêu tiệm cận chuẩn mực quốc tế về kế toán-minh bạch thông tin, chấp nhận và thừa nhận các chuẩn mực kế toán quốc tế, cũng như chứng chỉ hành nghề kế toán và kiểm toán của các nước trong khu vực và thế giới… Đồng thời, các quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán và phương thức tổ chức cần được nghiên cứu chỉnh sửa để phát triển ngành nghề này và nâng cao chất lượng dịch vụ.

Tuy nhiên, với dịch vụ mới như dịch vụ kế toán Việt Nam- giống như đứa trẻ mới biết đi, đòi hỏi các quy định ban hành cũng cần tính toán lộ trình thực hiện trong khoảng thời gian từ 3 đến 5 năm. Vì nếu đưa ra quy định khắt khe quá và áp dụng ngay thì sẽ tạo ra phản ứng ngược, không tạo cơ chế khuyến khích dịch vụ phát triển mà có nguy cơ “teo tóp” đi.

Thực tế hiện nay, nhu cầu dịch vụ kế toán là rất lớn khi số lượng DN thành lập ngày càng đông, nhưng ngược lại đội ngũ kế toán hành nghề khoảng 200 người, số DN làm dịch vụ này chưa vượt quá 50 DN. Nguyên nhân chỉ ra là còn nhiều “rào cản” trong việc khuyến khích dịch vụ này phát triển như công tác đào tạo, tổ chức thi cấp chứng chỉ..., thưa ông?


Tính đến thời điểm hiện nay, Việt Nam mới có ngót nghét 1.000 kiểm toán viên độc lập và khoảng 200 kế toán viên hành nghề so với nhu cầu của gần 500.000 DN đang hoạt động. Nhìn con số này cho thấy, lực lượng kế toán, kiểm toán là quá mỏng. Để trở thành kế toán viên, kiểm toán viên hành nghề phải trải qua kỳ thi do Bộ Tài chính tổ chức.

Cho đến nay, ở Việt Nam chưa có chương trình đào tạo mà chỉ là ôn thi và tổ chức thi để cấp chứng chỉ hành nghề cho các kế toán viên. Một năm chỉ tổ chức thi một lần. Đề thi và yêu cầu bài thi còn nặng về lý thuyết. Chính vì vậy, chưa thể đáp ứng được yêu cầu kế toán viên cả về chất lượng và số lượng.

Vấn đề đặt ra hiện nay là khẩn trương hơn trong việc tổ chức thi, không phải thi 1 kỳ mà nhiều kỳ, từ 2 đến 3 kỳ/năm; hình thức tổ chức thi thông thoáng hơn, thậm chí có quy định “mềm” đặc cách cho cán bộ được đào tạo chính quy về nghiệp vụ kế toán, có kinh nghiệm lâu năm. Bởi vì nhóm đối tượng này nếu phải thi thì khó đạt mà chúng ta đánh mất đi lực lượng kế toán tiềm năng. Chúng tôi đặt quyết tâm, mỗi năm trên thị trường có khoảng 200 kế toán viên được cấp chứng chỉ hành nghề, thay vì con số từ 20 đến 30 người như hiện nay.

Do lực lượng kế toán mỏng, chất lượng không cao nên dịch vụ kế toán của Việt Nam đang bị mất thị phần trên sân nhà, thưa ông?


Hiện nay, các DN kinh doanh dịch vụ kế toán của Việt Nam chưa chiếm lĩnh các khách hàng là DN có vốn đầu tư nước ngoài. Hầu hết phân khúc này thuộc về công ty kế toán, kiểm toán nước ngoài. Nguyên nhân là do bản thân các DN cung cấp dịch vụ chưa tự vươn lên, chưa khẳng định chất lượng dịch vụ với khách hàng. Mặt khác, tự các DN trong nước cạnh tranh không lành mạnh và đánh mất thị trường tại Việt Nam như: Các DN làm dịch vụ cho khách hàng trong nước hầu như đều bị lực lượng hành nghề tự do, hành nghề dịch vụ kế toán không đúng quy định của pháp luật, cạnh tranh không lành mạnh (chào giá dịch vụ rẻ và chất lượng dịch vụ thấp). Bởi vậy, việc chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ kế toán của các DN dịch vụ  cũng không đồng đều nhau, thường bỏ qua các quy trình kiểm soát .

Để giúp cho các DN dịch vụ kế toán cung cấp dịch vụ có chất lượng tốt, góp phần minh bạch hóa các thông tin kinh tế tài chính của các DN cũng như chấn chỉnh kịp thời việc chấp hành các chính sách chế độ kinh tế tài chính Nhà nước, Bộ Tài chính đã xây dựng Quy chế kiểm soát chất lượng dịch vụ kế toán, kiểm toán và thực hiện thanh, kiểm tra hàng năm. Tuy nhiên, vấn đề chính vẫn phụ thuộc vào chính DN, có chấp nhận cạnh tranh bằng việc đầu tư đội ngũ nhân viên hành nghề chất lượng, đảm bảo các tiêu chuẩn, chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp hay không.

Theo cam kết, đến 2015 Việt Nam phải mở cửa thị trường dịch vụ kế toán, kiểm toán với các nước trong khu vực ASEAN. Điều này vừa tạo ra cơ hội nhưng cũng đặt ra không ít thách thức đối với những người làm dịch vụ kế toán, kiểm toán của Việt Nam. Khi đó các quốc gia phải thừa nhận chứng chỉ hành nghề của nhau và chúng ta phải chấp nhận người nước ngoài được hành nghề ở Việt Nam.  Vậy vấn đề đặt ra là đội ngũ kế toán viên của chúng ta có đủ điều kiện, đủ năng lực để hành nghề ở nước ngoài hay không? Trong khi đội ngũ thì mỏng, bằng cấp thì bất cập như đã nói ở trên.

Do vậy, tôi đề nghị cơ quan quản lý Nhà nước cần sớm thực hiện 3 việc: Một là, xây dựng chương trình đào tạo thống nhất, hài hòa với chương trình đào tạo chung của các nước. Hai là, thay đổi cách thức tổ chức đào tạo và thi chứng chỉ để đảm bảo đến năm 2020 Việt Nam tăng ít nhất gấp đôi, gấp ba số lượng kế toán viên hành nghề so với hiện nay. Ba là, nên sớm chuyển giao việc đào tạo, bồi dưỡng, cấp chứng chỉ cho Hội nghề nghiệp. Nếu không chuẩn bị nhanh, khẩn trương thì nguy cơ chúng ta sẽ mất thị trường ngay tại trong nước chứ chưa nói tới việc chiếm lĩnh thị trường bên ngoài.

Xin cảm ơn ông!

Báo Hải quan
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo