Doanh nhân

Luật sư đồng loạt đề nghị Vietinbank trả nợ

Theo các luật sư, Huyền Như đứng đầu một phòng giao dịch của Vietinbank, có hành vi gian dối làm giả lệnh chi chiếm đoạt tiền của khách hàng nên Vietinbank phải có trách nhiệm trả nợ số tiền cô ta đã phạm tội.

 Ngày 15/1, phiên xử Huỳnh Thị Huyền Như (35 tuổi, quê Tiền Giang) và đồng phạm lừa đảo chiếm đoạt gần 4.000 tỷ đồng của các tổ chức cá nhân đã bước sang ngày làm việc thứ 10. Các luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các nguyên đơn dân sự trong vụ án lần lượt trình bày quan điểm.

Luật sư bảo vệ cho các nguyên đơn tại tòa hôm nay đều đề nghị Vietinbank phải có trách nhiệm với số tiền Như chiếm đoạt. Ảnh: Hải Duyên.

Mở đầu phần phát biểu, luật sư Nguyễn Minh Tâm (Đoàn luật sư TP HCM) người bảo vệ cho Công ty chứng khoán Saigonbank – Berjayra (SBBS), đơn vị bị Như chiếm đoạt 210 tỷ đồng, vẫn cho rằng công ty này không phải là nguyên đơn trong vụ án và cũng không phải là bị hại trực tiếp của Huyền Như mà ngân hàng Vietinbank mới chính là bị hại của Huyền Như. Vì vậy, luật sư đề nghị HĐXX tuyên buộc ngân hàng này phải có trách nhiệm bồi thường số tiền nói trên.  

Theo luật sư Tâm, quan điểm của VKS phát biểu trước đó trong phần mở đầu buổi tranh luận (ngày 13/1) rằng, không có cơ sở buộc Vietinbank trả các khoản tiền Huyền Như chiếm đoạt là mâu thuẫn. Bởi, VKS cho rằng, hành vi phạm tội của Như hoàn thành từ khi các tổ chức, cá nhân gửi tiền vào tài khoản của mình được mở tại Vietinbank chứ không phải từ thời điểm Như dùng các thủ đoạn gian dối để rút tiền của khách ra khỏi Vietinbank.

Trong khi đó, luật sư cũng cho rằng, chính VKS cũng phát biểu trong phần luận tội rằng Như đã “lừa dối cả lãnh đạo Vietinbank” và Vietinbank đã có những sơ hở trong hoạt động quản lý nghiệp vụ để Huyền Như qua mặt làm giả các lệnh chuyển tiền để rút tiền từ tài khoản của khách.

Luật sư Tâm cho rằng, diễn biến hành vi phạm tội của Như được chia thành 2 giai đoạn. Ban đầu, Như dùng thủ đoạn gian dối để dụ SBBS gửi tiền vào Vietinbank. Tin tưởng đây là ngân hàng thương mại lớn và lý lịch đáng tin cậy của Huyền Như nên sau mở tài khoản, công ty SBBS đã 16 lần chuyển tiền từ các tài khoản khác về tài khoản tại Vietinbank.

Tiếp đó, Như dùng thủ đoạn gian dối giả chữ ký của chủ tài khoản và con dấu giả của SBBS, lừa cả các giao dịch viên của ngân hàng để làm các lệnh chi rút tiền của khách hàng. Các thủ đoạn này, SBBS không thể biết mà Vietinbank mới là đơn vị bị Như qua mặt lấy số tiền đã huy động về cho ngân hàng. "Vì vậy, Công ty SBBS không phải là người bị lừa mà Vietinbank mới là người bị lừa. Chính những sơ hở trong quản lý nghiệp vụ nội bộ của Vietinbank đã tạo điều kiện cho Như chiếm đoạt tiền trong tài khoản của khách hàng", luật sư nói.

 

 Bị cáo Phạm Anh Tuấn, nguyên phó giám đốc Vietinbank chi nhánh Nhà Bè, đồng phạm tích cực của Như. Ảnh: Hải Duyên.

Khẳng định giấy đề nghị mở tài khoản cho SBBS tại Vietinbank là giấy tờ gốc do lãnh đạo của Vietinbank chi nhánh TP HCM ký, luật sư Tâm cho hay, SBBS không yêu cầu Huyền Như trả mà yêu cầu Vietinbank phải có trách nhiệm hoàn trả số tiền 210 tỷ đồng Như chiếm đoạt.

Luật sư bảo vệ cho Công ty Thái Bình Dương cũng đề nghị HĐXX tuyên buộc Vietinbank phải trả lại số tiền 80 tỷ đồng nợ gốc và lãi mà Như đã chiếm đoạt của công ty này. Luật sư này cho rằng, bị cáo Huyền Như và Võ Anh Tuấn đều là người của pháp nhân Vietinbank do ngân hàng này bổ nhiệm và quản lý. Đồng thời, đơn vị này giao trách nhiệm cho những người này huy động vốn về cho ngân hàng.  

“Giấy ủy quyền của giám đốc Vietinbank chi nhánh Nhà Bè cho Võ Anh Tuấn lúc này là Phó giám đốc chi nhánh được phép giao dịch huy động vốn là hợp pháp. 10 giấy xác nhận của Vietinbank chi nhánh Nhà Bè đã nhận tiền của công ty Thái Bình Dương do Võ Anh Tuấn ký và đóng dấu thật. Vì vậy, việc chúng tôi đề nghị HĐXX tuyên buộc Vietinbank phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại số tiền 80 tỷ đồng cho Công ty Thái Bình Dương là hoàn toàn có căn cứ”, vị luật sư nhấn mạnh.

Tương tự, các luật sư bảo vệ cho Công ty chứng khoán Phương Đông và 3 công ty Phúc Vinh, Thịnh Phát, Hưng Yên cũng yêu cầu tòa xem xét trách nhiệm của ngân hàng Vietinbank  đối với các khoản tiền mà Như nhân danh ngân hàng này chiếm đoạt.

Kết thúc ngày làm việc, luật sư Lưu Văn Tám bảo vệ quyền và lợi ích cho ngân hàng ACB (đơn vị bị Như chiếm đoạt 718 tỷ đồng) cũng đã nêu nhiều căn cứ cho rằng, quan điểm của VKS về việc Vietinbank không có trách nhiệm với khoản tiền Huyền Như chiếm đoạt là không có cơ sở.

Theo luật sư Tám, trên thực tế, có thể Huyền Như là người huy động vốn, người môi giới tiền gửi, nhưng người ký các hợp đồng tiền gửi với ACB là ông Trương Minh Hoàng và bà Nguyễn Thị Minh Hương (hai phó giám đốc Vietinbank chi nhánh TP HCM) là những người đại diện có thẩm quyền của Vietinbank. Vì vậy, Vietinbank phải có trách nhiệm với các hợp đồng này theo quy định của pháp luật.

“Nếu Vietinbank không có trách nhiệm với các hợp đồng tiền gửi hợp pháp này, tại sao cơ quan công tố lại phải kiến nghị khởi tố ông Trương Minh Hoàng và bà Nguyễn Thị Minh Hương vì cho rằng các ông bà ấy có hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, vị luật sư lập luận.

Trong ngày làm việc hôm nay, ông Nguyễn Bá Thanh (Trưởng ban Nội chính trung ương) cũng đã có mặt để theo dõi phiên xét xử.

Ngày 16/1, phiên tòa sẽ tiếp tục với phần bảo vệ của luật sư cho các bị hại là cá nhân và đối đáp của đại diện Vietinbank.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo