Góc nhìn

Luật sư Hoàng Ngọc Giao: “Kiến nghị Chính phủ kiện và Việt Nam chắc thắng 90%”

Liên quan đến bản tuyên bố của Liên đoàn Luật sư Việt Nam về phản đối hành vi của Trung Quốc xâm phạm chủ quyền lãnh thổ, quyền và chủ quyền của Việt Nam, chúng tôi đã có buổi phỏng vấn tiến sĩ - luật sư Hoàng Ngọc Giao - chuyên gia nghiên cứu về Luật Biển quốc tế, Viện trưởng Nghiên cứu chính sách và phát triển.

Tiến sĩ, Luật sư Hoàng Ngọc Giao (trái ảnh) - Chuyên gia nghiên cứu về luật biển quốc tế, Viện trưởng nghiên cứu chính sách và phát triển trao đổi về cơ sở pháp lý của Việt Nam về biển Đông.

PV: Ông đánh giá thế nào về bản tuyên bố chung của Liên đoàn Luật sư Việt Nam về những hành vi của Trung Quốc xâm phạm chủ quyền lãnh thổ, quyền và chủ quyền của Việt Nam?

- Trước hết, tuyên bố của Liên đoàn Luật sư phản đối hành vi của Trung Quốc. Có thể nói đây là hành vi xâm phạm chủ quyền lãnh thổ, xâm phạm quyền chủ quyền của Việt Nam ở quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và gần đây nhất ở thềm lục địa, vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Đây là tuyên bố phản ánh lập trường của Việt Nam trên những vấn đề pháp lý quốc tế và quốc gia, bày tỏ quyết tâm với Chính phủ Việt Nam để góp phần vào việc đấu tranh pháp lý bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam.
 
PV: Trong nội dung bản tuyên bố của Liên đoàn Luật sư Việt Nam, ông tâm đắc đoạn nào, vì sao?
 
- Trong lời tuyên bố, thực ra phản ánh một bức tranh tổng thể về chính sách bành trướng lấn chiếm ở biển Đông của Trung Quốc trong suốt một thời gian dài. Bằng hành vi xâm chiếm từng bước đối với biển Đông, họ nhằm hiện thực hóa cái đường chiếm đoạt vô căn cứ, vô luật pháp trên các diễn đàn chính trị cũng như các diễn đàn ASEAN mà họ đã ngang ngược nêu ra. 
 
Điều đó thể hiện rõ không chỉ ở hành động hôm nay là một hành động bất thường hay một hành động không toan tính kỹ của Trung Quốc, khi đưa giàn khoan vào vùng biển đặc quyền của chúng ta; mà nó thể hiện một tiếp nối, một chuỗi các hành động lấn chiếm xuống phía nam và thôn tính vùng biển Đông của chúng ta. Điều đó, giới luật sư coi như là căn cứ pháp lý vô cùng quan trọng để chúng ta có thể lập hồ sơ đưa Trung Quốc ra các cơ quan tài phán quốc tế.
 
PV: Đây là một bản tuyên bố của nhiều luật sư. Ông có đóng góp gì không? 
 
- Có thể nói, bản tuyên bố phản ánh tâm tư, nguyện vọng cũng như kiến thức về chuyên môn của anh em luật sư Việt Nam.
 
Theo tôi, nên có kiến nghị Chính phủ đưa vấn đề ra tòa án quốc tế phân xử. Bởi lẽ, thứ nhất, lần này Trung Quốc vào tận vùng biển Việt Nam, không chỉ có tàu dân sự mà họ đưa tàu công vụ cùng tàu, máy bay quân sự và có hành vi dùng vũ lực đâm tàu công vụ của Việt Nam. Những hành vi đó thực chất là hành vi xâm lược, vì theo đúng quy định Hiến chương Liên Hiệp Quốc, nghiêm cấm các nước sử dụng vũ lực và dùng vũ lực trong quan hệ quốc tế. Phía Trung Quốc đã làm điều đó.
 
Thứ hai, trước tình hình như vậy, nếu chúng ta không quyết liệt thì sẽ mất đường ra biển Đông hoạt động kinh tế của nhân dân. Vì vậy, chúng ta phải kết hợp với nhiều mặt trận khác nhau, mặt trận ngoại giao, mặt trận pháp lý, cũng như trên thực địa. Chúng ta phải kiên trì, kiên quyết và khôn khéo để khẳng định và bảo vệ được chủ quyền của chúng ta ở vùng đặc quyền kinh tế, không để cho họ tạo ra một tiền lệ để tiếp tục lấn tới. Với lý do đó, chúng ta cần phải tăng cường đấu tranh mạnh hơn nữa.
 
PV: Ông có ý kiến như thế nào về luận điệu của Trung Quốc trong vấn đề biển Đông hiện nay?
 
- Trung Quốc cứ rêu rao rằng đó là của họ, họ làm đúng pháp luật. Vậy thì chúng ta thánh thức Trung Quốc rằng, nếu như họ cho rằng đó là hành vi phù hợp với luật pháp quốc tế thì hãy cùng Việt Nam ra trước tòa án công lý quốc tế Liên Hợp Quốc lập hồ sơ và để cho tòa án phán xét.
Báo Lao Động
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo