Góc nhìn

Luật sư Trương Thanh Đức: Nên bỏ con dấu, nhưng phải có lộ trình

Con dấu có ý nghĩa pháp lý vô cùng quan trọng đối với doanh nghiệp; tuy nhiên việc quản lý, xin cấp và sử dụng con dấu của doanh nghiệp nảy sinh rất nhiều bất cập, khó khăn và lãng phí. Điều này dẫn đến đề xuất bỏ con dấu của doanh nghiệp trong Dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) tới đây.

Luật sư Trương Thanh Đức - Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Luật Basico.

Để khởi nghiệp kinh doanh ở Việt Nam phải thực hiện 10 thủ tục, mất 34 ngày và tốn chi phí 7,7% GNI theo đầu người. Trong đó, khắc con dấu công ty mất 6 ngày với chi phí từ 165.000 - 370.000 đồng cho con dấu đồng.

Kết quả khảo sát nhanh do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương thực hiện mới đây cho thấy có tới 52% số doanh nghiệp đồng ý bỏ con dấu, 30% đề nghị cho doanh nghiệp khắc dấu và tự đăng ký với cơ quan nhà nước, còn lại đề nghị giữ nguyên.

Xung quanh vấn đề này, Phóng viên Doanh nghiệp Việt Nam đã có cuộc trò chuyện với Luật sư Trương Thanh Đức - Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Luật Basico.

PV: Dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội trong kỳ họp thứ 8 này. Giả thiết nên hay không việc bỏ con dấu trong doanh nghiệp thu hút rất nhiều ý kiến trái chiều nhau. Quan diểm của ông như thế nào?

Luật sư Trương Thanh Đức: Thật ra, tôi đã biết đến vấn đề này từ cách đây 2 năm. Lúc đó, mọi người đều nghĩ đề xuất này không thể được xem xét và chấp nhận. Bởi con dấu đã quá quen thuộc, khó có thể thiếu được, xưa nay tất cả mọi thứ có tính pháp lý đều mặc định có con dấu.

Tuy nhiên, nghĩ lại thì đúng là quá chậm và quá muộn để bàn về chuyện nên hay không nên bỏ con dấu. Càng phân tích sâu, càng thấy lộ rõ nhiều vấn đề bất cập, không cần thiết phải tồn tại con dấu. Điều đáng buồn là bao nhiêu doanh nghiệp, bao nhiêu chuyên gia, bao nhiêu cơ quan soạn thảo chính sách văn bản lại không một ai đưa ra đề xuất một cách chính thức. Có chăng chỉ là những ý tưởng tranh thủ trao đổi thêm với Thủ tướng ở một cuộc gặp. Cuối cùng, hóa ra việc gợi ý này lại là cấp cao nhất của Thủ tướng - đáng lẽ khó có điều ấy.

Được biết, rất nhiều văn bản giao dịch của Thủ tướng, tổng thống nước ngoài thậm chí không có dấu. Đối với doanh nghiệp nước ngoài, đến 99% không sử dụng dấu nhưng từ hải quan đến thuế, ngân hàng đều chấp nhận. Trong khi đó, Việt Nam vẫn cố hữu duy trì con dấu, ngày xưa còn có lý. Tuy nhiên, hiện nay, công nghệ càng hiện đại thì con dấu càng dễ bị làm giả.

Đặc biệt, trong thời đại công nghệ thông tin phát triển: giao dịch điện tử, chữ ký điện tử thì con dấu trở thành vật trang trí. Nó không thể như “bảo bối”, hay dấu hiệu nhận biết là thật hay giả để yên tâm nữa. Nực cười là nhiều đơn đề xuất, kiến nghị, khiếu nại… của các cơ quan, đơn vị lên cấp cao hơn, nếu thiếu dấu thì cho là không hợp lệ. Song, khi đã có dấu thì nhiều khi là dấu giả cũng khó nhận biết và phát hiện.

Hiện nay chỉ còn 7 quốc gia (chủ yếu là các nước xã hội chủ nghĩa) quy định việc đóng dấu của doanh nghiệp mang tính bắt buộc nhằm xác định chữ ký và tư cách pháp lý của doanh nghiệp đó. Nhưng có đến 171 quốc gia khác con dấu chỉ thể hiện ý nghĩa là dấu hiệu, biểu trưng cho một doanh nghiệp. Vì vậy bỏ con dấu là cởi bỏ xiềng xích cho doanh nghiệp.

PV: Như vậy, có nghĩa là ông nghiêng về phương án bỏ con dấu?

Luật sư Trương Thanh Đức: Nhiều tình huống không có dấu đang được thừa nhận. Điển hình nhất là giao dịch điện tử, chữ ký thay cho con dấu. Con dấu gọi là cho có, chỉ đến khi xảy ra  tranh cãi mới đề cập đến chuyện con dấu, dẫu vậy không thể thiếu sự giám định của cơ quan công an mới đi đến kết luận cuối cùng.

Rõ ràng là một sự phiền hà, lãng phí không đáng có khi tồn tại con dấu. Đơn cử, Công ty Honda Việt Nam mỗi năm phải đóng dấu cho khoảng 2 triệu chứng từ, hồ sơ xe. Doanh nghiệp này phải “cắt cử” riêng một nhân lực chỉ chuyên ngồi đóng dấu, thậm chí nhiều khi còn phải “ôm” con dấu đi chỗ này, chỗ khác, rất mất thời gian, chi phí.

Đóng dấu còn nguy hiểm hơn ở chỗ, cuối cùng toàn đóng dấu vào chữ ký photo, vì bản có chữ ký thật luôn được lưu ở văn thư. Điều này có gì chắc chắn bảo đảm trong khi công nghệ làm giả con dấu quá đơn giản? Dựa vào con dấu nhiều quá, rủi ro sẽ nhiều hơn. Thì đây, một phần do quá tin tưởng vào con dấu nên mới xảy ra vụ Huyền Như dễ dàng “ẵm” gọn mấy nghìn tỷ đồng của nhà băng nổi tiếng. Giả thiết nếu không có con dấu, các cơ quan giám định sẽ phải tìm mọi cách và có cơ chế chắc chắn (như thư bảo lãnh ngân hàng) để kiểm tra, tránh được hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

PV: Kết quả khảo sát mới đây của Phòng Thương mại và Công nghiệp cho thấy các doanh nghiệp còn khá lưỡng lự với cải cách này. Theo ông, đâu là nguyên nhân?

Luật sư Trương Thanh Đức: Đó là điều đương nhiên, vì tất cả những gì là bắt buộc, hiển nhiên, quen thuộc và nó cũng có những ý nghĩa nhất định nào đó mà bây giờ bất thình lình, đột ngột trong khi thời gian chỉ còn tính bằng tháng để thông qua Luật Doanh nghiệp. Giá như việc này được trao đổi, tranh luận, tiếp cận đến cả năm sẽ thuận hơn. Do vậy, theo tôi, nguyên tắc có thể bỏ con dấu nhưng cần có lộ trình vài ba năm sẽ giúp doanh nghiệp dễ dàng thay đổi và thích nghi hơn.

Quy định không cần con dấu thì sẽ có cơ chế giải quyết vấn đề đó như cơ chế chịu trách nhiệm, cơ chế thông qua mã số hệ thống, cần có giải pháp thay thế, quản lý. Tùy từng lĩnh vực sẽ có quy định những điều kiện đảm bảo an toàn hoặc tăng thêm trách nhiệm, nhận biết tạo sự chính xác, an toàn cho các cơ quan. Tùy từng loại hình để quy định cơ chế khác nhau. Cứ mạnh dạn thay đổi, thành công sẽ tốt đẹp hơn.

Trân trọng cảm ơn ông!

Về giải quyết các vướng mắc khi bỏ con dấu pháp lý, Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng: Vấn đề chính là tính pháp lý của con dấu đang được quy định trong hàng chục đạo luật và hàng trăm văn bản dưới luật. Vì vậy, phải giải quyết những vướng mắc trong 21 đạo luật liên quan đến con dấu của doanh nghiệp và tổ chức tương tự doanh nghiệp.


 

Đoàn Huế (Thực hiện)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo