Phân tích

Lùi thời hạn tăng phí trạm BOT sẽ phá vỡ phương án tài chính

(DNVN) - Liên quan đến việc Bộ Tài chính “bác” kiến nghị lùi thời hạn tăng phí các trạm BOT có lộ trình tăng từ 1/1/2016, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho rằng Bộ Tài chình có cái lý của mình bởi nếu lùi thời hạn tăng sẽ phá vỡ phương án tài chính của nhà đầu tư, ảnh hưởng đến quá trình thu hồi nợ của các ngân hàng.

Trước đó, ngày 25/12, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng đã ký văn bản số 17178 /BGTVT-TC gửi Bộ Tài chính; các Nhà đầu tư  và các doanh nghiệp dự án về việc thu phí sử dụng đường bộ hoàn vốn dự án BOT.

Tại văn bản, Bộ GTVT cho biết, trong thời gian qua, các Nhà đầu tư đã phối hợp với Bộ GTVT triển khai đầu tư nhiều dự án hạ tầng đường bộ theo hình thức BOT. Đến nay, nhiều dự án đã hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng, thu phí, đóng góp phần quan trọng cho sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, tạo điều kiện thuận lợi cho sự đi lại của người dân, góp phần giảm ùn tắc và tai nạn giao thông.

Trong quá trình thương thảo hợp đồng dự án, Bộ GTVT và các Nhà đầu tư đã căn cứ vào dự kiến mức tăng trưởng chỉ số trượt giá (CPI) và mức phí trần quy định của Bộ tài chính tại Thông tư số 159/2013/TT-BTC ngày 14/11/2013 để đưa ra lộ trình tăng mức phí cho từng giai đoạn (trong đó có lộ trình tăng phí từ 01/01/2016). Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay do sự điều hành chặt chẽ, sát sao, hiệu quả của Chính phủ nên chỉ số trượt giá (CPI) thấp hơn nhiều so với mức dự kiến.

Do vậy, để đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế, nhất là phù hợp với mức giảm chỉ số trượt giá CPI thực tế so với dự kiến trong các hợp đồng BOT đã ký, Bộ Giao thông vận tải đề nghị các Nhà đầu tư, Doanh nghiệp dự án BOT (đã có lộ trình tăng phí từ 01/01/2016) tạm thời lùi thời hạn tăng phí đến 01/6/2016.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường.

Đồng thời căn cứ tình hình thực tế, chỉ số trượt giá để tính toán điều chỉnh mức phí cho phù hợp, thỏa thuận với UBND cấp tỉnh và Bộ Giao thông vận tải để đề nghị Bộ tài chính xem xét quyết định điều chỉnh Thông tư thu phí sử dụng đường bộ, dự thảo phụ lục hợp đồng BOT để điều chỉnh cho phù hợp.

Tuy nhiên, đề xuất này đã không nhận được sự đồng thuận của Bộ Tài chính. Bởi, theo lập luận của Bộ Tài chính, hiện tại có 23 trạm thu phí BOT đang thu trên các tuyến quốc lộ, nếu lùi hạn tăng phí đến ngày 1/6 thì phải ban hành tới 23 thông tư tương ứng. 

Bộ Tài chính cũng nhận định, văn bản đề nghị lùi thời hạn tăng phí của Bộ GTVT chỉ cách ngày tăng mức phí 1 tuần là quá ngắn nên không kịp nghiên cứu, đánh giá xem xét để ban hành các thông tư mới. Ngoài ra, các trạm đã in và bán vé tháng, vé quý nên không thể lùi thời gian tăng phí như đề xuất của Bộ GTVT.

Bên lề hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2016 của Bộ GTVT chiều ngày 4/1 vừa qua, trả lời PV xung quanh việc Bộ Tài chính từ chối đề xuất lùi thời hạn tăng phí các trạm BOT có lộ trình tăng từ 1/1/2016, , Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho rằng, Bộ Tài chính cũng có cái lý của mình khi đưa ra quyết định trên. 

"Tất cả phương án thu phí qua trạm BOT đã được làm với nhà đầu tư từ khi ký kết hợp đồng xây dựng dự án, nếu lùi thời hạn tăng sẽ phá vỡ phương án tài chính của nhà đầu tư, ảnh hưởng đến quá trình thu hồi nợ của các ngân hàng. Cũng vì vậy, trong công văn kiến nghị, Bộ GTVT đề xuất, căn cứ vào từng dự án cụ thể mà các nhà đầu tư đàm phán với ngân hàng để có lộ trình tăng giảm phù hợp", lãnh đạo ngành GTVT cho hay.

 

Lãnh đạo Bộ GTVT cũng cho biết, về việc kiến nghị lùi thời hạn thu phí, sau khi cân đối, Bộ GTVT thấy tốc độ tăng trưởng kinh tế mấy năm qua khá ổn định, đặc biệt là giá xăng dầu giảm nên chi phí vận tải cũng giảm. Tăng giá vé qua các trạm BOT trong bối cảnh vừa có một chút kết quả về kinh tế sẽ tạo sức ép ảo cho người dân dù thực chất việc tăng này là hợp lý. 

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Bộ GTVT cũng khẳng định các trạm nằm trong lộ trình tăng phí vẫn tăng bình thường. Việc tăng là cần thiết và hợp lý nhưng tăng như thế nào để phù hợp với tình hình thực tế hiện nay thì phải cân nhắc 3 điều kiện: việc hoàn vốn của nhà đầu tư, sức chịu đựng của người dân và tốc độ phát triển của nền kinh tế. 

Để giảm áp lực cho các doanh nghiệp vận tải, hiện Bộ GTVT vẫn đang tiếp tục tính toán việc mua lại một số trạm thu phí như Bắc Thăng Long - Nội Bài, quốc lộ 5. Các nước trên thế giới cũng đều có cách làm tương tự, nghĩa là kêu gọi các nhà đầu tư tham gia xây dựng hạ tầng giao thông, thu phí trạm BOT hoàn vốn, khi Nhà nước có đủ tài chính sẽ mua lại các trạm này. Tuy nhiên, thời điểm nào mua thì còn phụ thuộc vào sự phát triển của nền kinh tế. 

Nên đọc
VĂN HUY
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo