Manh mún trong quản trị doanh nghiệp kéo dài từ lâu
Mới đây, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đã mời hai chuyên gia của Ngân hàng Thế giới (WB) “phản biện” dự thảo nghị về cơ quan đại diện chủ sở hữu Nhà nước đối với doanh nghiệp Nhà nước và vốn Nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp.
Liên tục 4 giờ đồng hồ không nghỉ giải lao với hàng chục vấn đề được đặt ra với các chuyên gia WB, nhưng câu hỏi trên vẫn là... chỉ là câu hỏi. Và chắc không chỉ riêng những người tham dự hội thảo, mà với cả cơ quan được giao chủ trì soạn thảo, giới chuyên gia, các nhà lập pháp, đó cũng là câu hỏi không dễ trả lời. Báo Vneconomy thông tin.
Cho dù, một mô hình hiệu quả để quản vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, đương nhiên chẳng phải điều gì mới mẻ với Việt Nam. Tại hội thảo, cả chuyên gia “Tây” và “Ta” đều nhấn mạnh rằng, manh mún trong quản trị doanh nghiệp là một vấn đề đã kéo dài rất lâu, và việc lập một cơ quan chủ sở hữu Nhà nước đã được bàn từ cả chục năm trước.
Một thông điệp được chuyên gia WB nhắc đi nhắc lại, là quản lý tốt tài sản thương mại Nhà nước có thể giúp thực hiện mục tiêu hiện đại hoá của Việt Nam. Nhưng, tài sản công của Việt Nam lại là nguồn lực chưa được khai thác. Trong khi chỉ tính riêng tài sản của doanh nghiệp Nhà nước đã khoảng 240 tỷ USD, gấp 1,2 lần GDP.
Viện trưởng CIEM, TS. Nguyễn Đình Cung cũng đã hơn một lần nhấn mạnh rằng, tài sản Nhà nước hiện đang rất lớn và nếu sử dụng hiệu quả thì sẽ tạo động lực phát triển. “Lâu nay nói nhiều đến vốn cho phát triển mà nhiều khi đã quên khu vực này”, ông Cung nhìn nhận.
Vốn đầu tư Nhà nước phải đem lại hiệu quả, nhưng ông Cung tin rằng bộ máy hành chính sẽ không thể làm cho đồng vốn này sinh sôi nảy nở.
Vì thế, với nhiệm vụ được giao chủ trì, phối hợp xây dựng nghị định về cơ quan đại diện chủ sở hữu Nhà nước đối với doanh nghiệp Nhà nước và vốn Nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp, CIEM bày tỏ mong muốn nhận được hỗ trợ về mặt kỹ thuật của các chuyên gia đến từ WB để thiết kế một mô hình phù hợp nhất.
Song, không chỉ CIEM mà cả khách mời tại hội thảo dường như cũng rất sốt ruột, khi mà mô hình nào cho Việt Nam vẫn là câu hỏi mà câu trả lời còn khá mơ hồ.
Dưới góc độ nhà tư vấn chính sách, ông Dag Detter - cố vấn của Ngân hàng Thế giới cho rằng, mô hình cơ quan chuyên trách quản lý vốn Nhà nước đang được xây dựng vẫn thể hiện tư duy kinh tế tập trung trước đây. Trong khi để quản vốn tại các doanh nghiệp hiệu quả thì Việt Nam cần một cách làm thực tế hơn, với một "công cụ" đúng luật thay vì một mô hình mang tính hành chính như đề xuất. Báo Vnexpress thông tin.
“Mô hình này vẫn được xây dựng như cậu bé muốn trở thành siêu sao. Nếu vẫn sử dụng công cụ kinh tế tập trung thì mô hình Uỷ ban này sẽ khó thành công”, chuyên gia Detter thẳng thắn.
Vị chuyên gia của Ngân hàng Thế giới cho rằng, một quỹ đầu tư quản lý doanh nghiệp Nhà nước như Temasek (Singapore) là mô hình tốt cho Việt Nam học hỏi. Mô hình này cũng tương tự như Thụy Điển áp dụng và họ cũng đã thu được thành công. "Nghĩa là Việt Nam phải xây dựng mô hình có trách nhiệm giải trình, trong đó chú trọng bảng cân đối kế toán, quản lý rủi ro thương mại và tài sản thương mại. Không nên lập mô hình uỷ ban hành chính", vị này nhận định.
End of content
Không có tin nào tiếp theo