Maria Berrio, người tạo ra thế giới hội họa huyền ảo
Trong một lần trả lời phỏng vấn cách đây vài tháng, khi cuộc triển lãm cá nhân của Maria Berrio được tổ chức trong không gian trang trọng của gallery Praxis International Art ở khu Chelsea (New York), nữ họa sĩ đã thổ lộ: “Nhiều bức tranh của tôi có tính chất tự truyện, trong số đó nhiều bức có thể nói về bản thân tôi hay về thời tôi đang sống trong thế giới này và cách mà tôi cảm nhận hay những gì tôi đang hình dung; như thế đối với tôi những bức tranh ấy luôn giống như một sự mở rộng của cái tôi. Bất kỳ những gì tôi vẽ đều gắn liền với tôi cách này hay cách khác. Tất nhiên nó cũng gắn liền với những người hay những điều gì khác: với những sinh vật có thể tưởng tượng, với môi trường sinh thái, với chủ nghĩa hiện thực huyền ảo và chủ nghĩa siêu thực nữa; song cùng lúc nó luôn luôn là chính tôi”.
Maria Berrio
“Những phụ nữ đầy sức mạnh” trong tranh
Nhân vật trong tranh của Maria Berrio hầu như chỉ là phụ nữ. Duy nhất một lần cô định đưa hình ảnh người bạn đời của mình vào một trong những tác phẩm được tạo hình bằng thủ pháp collage (dán giấy) hết sức phức tạp, thế nhưng “tôi đã kịp biến hình ảnh anh ấy thành một con cọp trước khi hoàn thành bức tranh” như cô kể lại (và cười vang).
Nữ họa sĩ không hề chống lại hay phản ứng với nam giới, nhưng cái thế giới của những phụ nữ đầy sức mạnh cũng như những huyền thoại quanh họ khiến cô thích thú hơn nhiều. Đó là thế giới của những nữ hoàng vùng Amazone trong các câu chuyện truyền kỳ, những bà chúa thiên nhiên và những bà mẹ núi rừng được Maria Berrio mô tả bằng sắc màu thật lộng lẫy, với vương miện kết bằng hoa, chung quanh họ là chim muông và mãnh thú.
Trong tác phẩm Tái sinh (2015), cây đinh của triển lãm “Những vũ trụ hài hòa” tại gallery Praxis, nhân vật chính là một phụ nữ mà vắt ngang vai nàng là một con báo đốm to lớn, trên tay là một chú chim hót xinh xinh; người đàn bà quyền uy tối thượng ấy được rừng xanh tấn phong với một tấm khăn trùm đầu kết bằng hoa và trang phục được đan dệt bằng cỏ cây, vây quanh nàng là ba đứa trẻ.
Theo tác giả giải thích thì nhân vật trung tâm của bức tranh là một trong số “những phụ nữ đầy sức mạnh có thể sống giữa rừng, có thể hiển thị vẻ đẹp của họ và liên kết với thiên nhiên, với thế giới động vật, và với tất cả”.
“Những phụ nữ đầy sức mạnh” ấy được Maria Berrio lấy cảm hứng từ những huyền thoại và chuyện truyền kỳ dân gian Nam Mỹ, chẳng hạn MadreMonte (Mẹ Núi Rừng) – người cai quản các vùng đất xứ sở Colombia. Để mô tả vẻ đẹp và sức mạnh của họ, tác giả đã dụng công rất nhiều khi kết chân dung những bà chúa rừng xanh bằng những mẩu giấy li ti sao cho thật liền lạc mà chỉ quan sát thật gần, thật kỹ người xem mới biết đó là tranh collage. Nữ họa sĩ dùng loại giấy dó Nhật Bản để sáng tác.
Đến xưởng vẽ của cô, có thể thấy hàng trăm cuộn giấy đủ màu và đủ kiểu hoa văn rải khắp nơi. Giấy dó thật mỏng nên phải thật khéo léo khi đính những mảnh li ti lên khung vải bằng keo, mảnh này thật khớp với mảnh kia để tạo thành một tổng thể hoàn chỉnh. Kỹ thuật và cảm xúc còn đi đôi với nhau trong quá trình sáng tạo. Nhân vật trong tranh còn phải hài hòa với khung cảnh thiên nhiên trong tác phẩm.
Tái sinh |
Từ giấc mơ thời niên thiếu
Maria Berrio sinh ra và lớn lên ở Bogotá trong những năm 1980, 1990, thời đất nước Nam Mỹ này đang trải qua giai đoạn đen tối nhất bởi sự lộng hành của trùm ma túy Pablo Escobar. Khung cảnh sống đầy bạo lực do bọn mafia gây ra khiến cô thiếu nữ Berrio luôn cảm thấy ngột ngạt, tù túng và mơ tưởng đến một thế giới tự nhiên xanh tươi ở đâu đó bên ngoài ngôi nhà cha mẹ cô: “Tôi gần như bị nhốt trong lồng, thường không được phép ra ngoài. Và như thế, Colombia đối với tôi là một giấc mơ đến những thiên đường không thể với tới”.
Giống như Henri Rousseau, họa sĩ Pháp với những tác phẩm mà sau này Maria Berrio thường xuyên đến xem tại Bảo tàng Metropolian ở New York, rừng xanh như một biểu tượng của thiên đường đã mất. Dù vậy, khi còn ở quê nhà, Maria Berrio vẫn có may mắn hơn nhiều đứa trẻ khác khi cha mẹ cô có một nông trại ở ngoại thành Bogotá, nơi cô thỉnh thoảng được đến và tìm thấy chỗ trú ẩn thực sự của tâm hồn mình bên cạnh những con bò, thỏ, chim chóc… Để rồi sau này trong tranh cô tràn ngập muông thú.
Chúng là biểu tượng của sức mạnh núi rừng, là bạn đồng hành và người bảo vệ cho các nhân vật trung tâm của tác phẩm. Trong bộ ba tác phẩm khổ lớn có tên Những người tình, họa sĩ thể hiện ba phụ nữ với ba trạng thái khác nhau, một người âu yếm một con két, loài chim phổ biến của núi rừng Nam Mỹ; người thứ hai nâng niu một cánh bướm khổng lồ và người thứ ba là một dạng nửa người nửa chim hạc.
Hôn lễ giữa sự sống và cái chết
Không còn là hình ảnh tượng trưng cho một thiên nhiên đã mất, những sinh vật trong bộ ba tác phẩm mang ý nghĩa biểu trưng cho nhân cách con người.
Tất cả những điều kể trên góp phần làm sáng rõ thế giới hội họa của Maria Berrio hôm nay. Rời quê nhà năm 2000, cô sang Mỹ và đến New York khởi sự một chương mới của đời mình. Cô theo học Trường thiết kế mỹ thuật Parsons, nhận bằng cử nhân năm 2004, sau đó là bằng thạc sĩ mỹ thuật tại Trường Nghệ thuật Tạo hình New York danh giá năm 2007.
Chỉ sau vài năm sáng tác, Maria Berrio đã có tranh trưng bày tại nhiều gallery của New York, trong đó có những cái tên nổi tiếng như Praxis International, Chelsea Museum và Art Directors Club. Ngoài ra, tranh cô còn đến với các địa chỉ mỹ thuật tại San Francisco, Salt Lake City, Boston, Miami và sắp tới đây là tại Vermont.
Tổng hợp theo Doanhnhansaigon/DNSGCT
End of content
Không có tin nào tiếp theo