Mặt trận phải chủ động phản biện chứ 'không chờ được mời'
Quy định về hoạt động giám sát và phản biện xã hội được nhiều đại biểu đánh giá là đột phá của luật Mặt trận tổ quốc sửa đổi khi thảo luận về dự luật này tại Quốc hội sáng 12/11.
Đây cũng là nội dung nhận được hầu hết ý kiến đóng góp của đại biểu. Tuy nhiên, việc Mặt trận có được góp ý phản biện các văn kiện của Đảng và giám sát cơ quan Đảng vẫn còn là tranh luận.
Đại biểu Huỳnh Minh Thiện cho rằng Hiến pháp đã xác định Đảng chịu sự giám sát nhân dân, cho nên khi Đảng chịu sự giám sát của Mặt trận tổ quốc – tổ chức liên minh tự nguyện của nhân dân sẽ là phương thức hiệu quả nhất.
“Tôi đề nghị luật cần quy định Mặt trận giám sát Đảng và đảng viên, phản biện cả chính sách của Đảng và không chỉ giới hạn với dự thảo mà cả khi chính sách đã ban hành nhưng còn bất cập. Điều này sẽ nâng uy tín của Đảng, của Nhà nước”, ông Thiện nói.
Cho rằng giám sát tham gia xây dựng Đảng là cần thiết, đại biểu Lưu Thị Huyền đề nghị bổ sung nội dung này vào luật. “Luật cần quy định hướng dẫn để việc giám sát Đảng phù hợp, khoa học và mang tính xây dựng”, bà Huyền nói.
Không đồng tình với quan điểm trên, đại biểu Ya Duck cho rằng không nên quy định giám sát của Mặt trận với tổ chức Đảng, văn kiện của Đảng mà chỉ nên giám sát với cơ quan nhà nước, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội.
“Luật chỉ nên quy định góp ý với đơn vị dân cử, viên chức nhà nước. Phản biện đường lối của Đảng, giám sát Đảng nên để các văn bản của Đảng quy định”, đại biểu Phạm Xuân Thăng đồng tình.
Bày tỏ tâm đắc khi luật dành ra hai chương để quy định hoạt động giám sát và phản biện xã hội, Phó chủ tịch Mặt trận tổ quốc tỉnh Sóc Trăng Trần Khắc Tâm cho rằng đây là một bước tiến trong nhận thức lập pháp về vai trò giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận.
Đại biểu này nhận định, thời gian qua dù đã có văn bản quy định của Đảng về hai nội dung trên, song hoạt động này ở các cấp cơ sở vẫn rất khó khăn vì chưa có hành lang pháp lý làm điểm tựa.
“Nhiều ý kiến đánh giá rằng, sở dĩ Ban thường trực Ủy ban trung ương Mặt trận tổ quốc thời gian vừa rồi tổ chức được một số chủ đề giám sát gây được tiếng vang là vị trí của người đứng đầu Mặt trận là ủy viên Bộ Chính trị, nên có nhiều thuận lợi trong phối hợp, chỉ đạo cùng với các cơ quan của Chính phủ. Nhưng thực tế ở địa phương thì muốn giám sát và phản biện xã hội đâu có dễ, vì không biết sẽ tổ chức như thế nào, phối hợp với ai, lực lượng ở đâu”, ông Tâm nói.
Theo đại biểu Tâm, việc thể chế hóa quy định của Hiến pháp về hoạt động giám sát và phản biện xã hội vào luật lần này sẽ giúp các cấp mặt trận có công cụ pháp lý, cơ sở pháp lý để thực hiện, cũng là để hoàn thành nhiệm vụ được Hiến định và cử tri trông đợi.
Thế nhưng, nhiều đại biểu vẫn băn khoăn với quy định phản biện “Khi có yêu cầu”. “Nếu quy định như vậy thì Mặt trận thụ động, phải chờ các cơ quan Đảng, Nhà nước mời thì mới tham gia phản biện. Trong khi đây phải là hoạt động chủ động, tích cực, bất cứ khi nào thấy những vấn đề, nội dung bất cập, cần phải góp ý thì Mặt trận phải vào cuộc”, ông Tâm nhận xét.
Đại biểu Lưu Thị Huyền ủng hộ quan điểm này khi cho rằng không mấy khi các cơ quan nhà nước mời phản biện bởi rất ngại "ý kiến khác”. Do vậy, nếu quy định như dự thảo thì vô hình chung hoạt động phản biện của Mặt trận chỉ là góp thêm tiếng nói ủng hộ.
Theo VnExpress
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo