Mẹo đạt điểm cao khối B từ nữ thủ khoa 'kép'
"Kinh nghiệm tiên quyết là phải... chăm học", nữ sinh năm nhất ĐH Y dược vui vẻ nói. Cô cũng chia sẻ thêm, ở bất cứ môn học nào, muốn có kết quả tốt đều phải nắm vững những kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa. Trúc đã cố gắng học và nắm kiến thức ngay tại lớp để không mất quá nhiều thời gian. Việc đặt mục tiêu trong quá trình học cũng được cô quán triệt. Từ đầu, Trúc quyết phải tốt nghiệp loại giỏi, vạch kế hoạch phải đậu vào ngành y đa khoa... và sau đó cô đã nỗ lực đạt được những điều này.
Nói về kinh nghiệm học khối B, Trúc cho biết, ngoài việc học trong sách giáo khoa cô còn làm rất nhiều đề thi. Trong đó, đề Hóa và Sinh thi trắc nghiệm nên Trúc "luyện" dạng đề này để lập thói quen cũng như tính toán được thời gian và khả năng hoàn thành của mình.
Để tích góp kinh nghiệm cũng như những mẹo hay, Trúc luôn kè kè bên mình cuốn sổ tay để khi gặp những dạng bài lạ, những phương thức để giải bài tập nhanh cô liền ghi vào để thường xuyên nghiền ngẫm. "Mưa dầm thấm lâu, cứ vậy mà nhiều vấn đề khó dần dần mình cũng nắm được", Trúc nói.
|
Chăm và có kế hoạch học tập khoa học thay vì nhồi nhét quá nhiều giúp Trúc giành vị trí thủ khoa. Ảnh: NVCC. |
Trúc cũng chia thời khóa biểu của mình thành 3 phần rõ rệt bao gồm học theo chương trình ở trường, học thêm và học ở nhà. "Việc tự học ở nhà rất quan trọng, nó giúp cho tôi tự kiểm tra lại bản thân mình xem thiếu và yếu kiến thức nào để tự bổ sung. Đặc biệt khi học phải tập trung, chỉ cần 3 tiếng như vậy còn hơn bạn ngồi ôm sách cả ngày mà tâm hồn cứ treo ngược cành cây", nữ sinh chia sẻ.
Một bí quyết giúp học tốt nữa mà Trúc cho rằng cũng không kém phần quan trọng là nghỉ ngơi hợp lý. Nếu cả ngày đã học ở trường, về nhà cô chỉ học thêm khoảng 2-3 tiếng. Trúc cũng không thức quá khuya và hạn chế tối đa việc nhồi nhét kiến thức. Trong thời gian ôn thi, cô hạn chế những sở thích tụ tập bạn bè, xem phim... bởi quan niệm rằng "nếu thi tốt, khi đậu sẽ ăn chơi bù đắp sau". Tuy nhiên, cận ngày thi, Trúc sẽ tự thả lỏng bản thân, dành thời gian nghỉ để giảm bớt căng thẳng.
Chia sẻ kinh nghiệm với từng môn học của khối B, Trúc cho biết, môn Sinhkiến thức chủ yếu tập trung ở lớp 12 nên cô chọn học cả hai phần cơ bản và nâng cao bởi cho rằng "chưa chắc phần câu hỏi nâng cao trong đề thi sẽ khó hơn phần cơ bản".
Khác với những môn khác, Sinh là môn có 70% điểm là lý thuyết nên cô luôn nhuần nhuyễn phần này. Với những câu hỏi mang tính đánh đố, có thể ngoài chương trình sách giáo khoa, kiến thức trong những cuốn sách tham khảo, mà cô được thầy cô tư vấn chọn mua, sẽ giúp cho Trúc giải quyết. "Còn ở những câu hỏi lạ, đặc biệt, bí quá tôi tìm thầy cô hỏi cho bằng được. Nhỡ đâu lúc thi gặp câu tương tự còn biết cách làm", Trúc chia sẻ.
Phần toán lai được xem là phần khó nhất trong môn Sinh nên trong quá trình làm bài Trúc luôn để ý đến tỷ lệ lai, để cho ra kết quả chính xác nhất.
Đối với môn Hóa, Trúc cho rằng kiến thức trải dài trong cả ba năm cấp 3 nên phải học và nắm chắc cả chương trình lớp 10-12. Với phần hóa vô cơ và hữu cơ lớp 11, kiến thức trong sách giáo khoa chỉ là kiến thức nền, để đạt kết quả thi cao cần củng cố thêm kiến thức từ bài tập, tài liệu ôn tập nâng cao. "Điều đặc biệt trong môn Hóa là phần lý thuyết ảnh hưởng rất nhiều đến việc giải bài tập nên phải nắm vững thì làm bài mới tốt được", Trúc cho hay.
Ở môn Toán, khi làm bài thi, nữ thủ khoa sẽ chọn những câu dễ làm trước thay vì tập trung vào câu khó để tránh mất thời gian hay lỡ không làm được sẽ gây tâm lý lo lắng làm ảnh hưởng đến toàn bài thi.
Các đề Toán thường có phần vẽ đồ thị, đây được xem là một trong những câu hỏi dễ được điểm nhất nên khi làm cần tính toán cẩn thận. Cũng như môn Hóa, kiến thức môn này trải rộng cả 3 năm phổ thông, nhất là chương trình học ở lớp 12 và 11, nên Trúc cố gắng nắm vững những kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa, sau đó mới làm những bài tập nâng cao.
End of content
Không có tin nào tiếp theo