Mở cửa trời Âu cho hàng mỹ nghệ
“Có lẽ nhiều năm liền - Giám đốc Nguyễn Thị Vinh bắt đầu câu chuyện - cứ dịp Tết cổ truyền, mọi gia đình trở về tổ ấm quây quần đoàn tụ bên cha mẹ, vợ chồng, con cái, hưởng không khí ấm áp của mùa xuân, thì tôi lại xách vali lên máy bay sang trời Âu cùng một “gánh” sản phẩm mây tre đan trong cái giá rét khắc nghiệt của mùa đông xứ người.
Bông Hồng Vàng Nguyễn Thị Vinh, Giám đốc công ty Sản xuất - Xuất nhập khẩu Hàng thủ công mỹ nghệ Tiến Thành |
Ngồi bên cửa sổ máy bay, buồn tê tái và nhớ quê da diết, nhưng không còn con đường nào khác. Vì đây là thời điểm bên châu Âu thường tổ chức các hội chợ thương mại. Mình không mang mẫu hàng sang tham gia giới thiệu, quảng bá, thì không còn cơ hội nào tốt hơn”.
Câu chuyện của nữ doanh nhân Bông Hồng Vàng 2013 lại ngược thời gian trở về những ngày của cơ chế bao cấp, lúc bà là cán bộ của một đơn vị xuất nhập khẩu ở Thái Bình.
Rồi sau hơn 10 năm đất nước bước vào công cuộc đổi mới, tháng 4/2000, chị đứng ra thành lập Công ty Sản xuất - Xuất nhập khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Tiến Thành với chức năng nhiệm vụ: tổ chức sản xuất, gia công, kinh doanh, thương mại xuất khẩu trực tiếp mặt hàng thủ công mỹ nghệ. Nhưng hầu như từ đội ngũ cán bộ, công nhân, nhà xưởng, các cơ sở vệ tinh đến các đối tác bạn hàng trong và ngoài nước đều bắt đầu từ con số 0.
Khi được hỏi về bà, ai cũng phải thốt lên: “Đó là nữ doanh nhân lặng lẽ như con ong mải mê tìm mật”. Bà đi tìm đất để làm nhà xưởng, tìm nguyên liệu, tìm đối tác để tổ chức sản xuất, để tiêu thụ sản phẩm. Thật khó mà nói hết những gian nan, cơ cực, nhất là khi kỹ thuật của người thợ, thời gian sản xuất, mẫu mã không đáp ứng được yêu cầu khắt khe của khách hàng nước ngoài khó tính; nhất là khi thị trường thế giới chịu tác động khắc nghiệt của khủng hoảng.
Nhưng 14 năm sau, Công ty Sản xuất - Xuất nhập khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Tiến Thành đã trở thành doanh nghiệp đi đầu trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh xuất nhập khẩu hàng thủ công mỹ nghệ ở Thái Bình. Giám đốc Nguyễn Thị Vinh rất vui khi báo cáo những kết quả mà 14 năm qua, bà cùng tập thể cán bộ, công nhân viên Công ty đã phải đổi bằng biết bao công sức, trí tuệ cũng như sự nỗ lực phấn đấu kiên cường.
Rất vui vì đến nay, Công ty đã mở rộng vùng sản xuất, liên kết với trên 40 cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ của nhiều tỉnh, thành phố như Thanh Hóa, Ninh Bình, Hà Tây, Bắc Ninh, Hòa Bình, Thái Nguyên, Yên Bái, Khánh Hòa, đà Nẵng, Long An, Kiên Giang, TP.HCM... đặc biệt là các cơ sở sản xuất tại 8 huyện, thị trong tỉnh như Kiến Xương, Quỳnh Phụ, Tiền Hải, Đông Hưng, Thái Thụy... Từ đó, khôi phục và phát triển nghề thủ công truyền thống lâu đời của Việt Nam.
Nữ giám đốc Nguyễn Thị Vinh còn rất vui vì các sản phẩm thủ công mỹ nghệ đều được bắt đầu từ các nguyên liệu tự nhiên sẵn có ở các làng quê, qua bàn tay khéo léo, tài hoa của những người thợ thủ công cùng với những mẫu mã riêng có của các nhà thiết kế đã tạo ra những sản phẩm có giá trị, vượt đại dương, mang sản phẩm thủ công mang đậm văn hóa Việt Nam đến với bạn bè quốc tế.
Bà say sưa cho biết thêm những nét giá trị riêng biệt của sản phẩm thủ công mỹ nghệ: “Sản phẩm được làm hoàn toàn bằng tay, bằng chính sức lao động và sáng tạo nghệ thuật cùng với các công cụ thô sơ. Sự trợ giúp của máy móc, khoa học kỹ thuật chỉ chiếm một phần nhỏ trong một số công đoạn. Do vậy, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ mang đặc tính được sản xuất trên quy mô hẹp và phân tán, tận dụng nguồn lao động nông nhàn gắn với các làng nghề truyền thống. Riêng sản phẩm của Công ty Tiến Thành được các bạn hàng quốc tế rất ưa chuộng, bởi mẫu mã đẹp, đa dạng, phong phú với nhiều sản phẩm độc đáo.
Tôi thật bất ngờ khi được nghe Giám đốc Nguyễn Thị Vinh nêu một danh sách những thị trường tiêu thụ sản phẩm của Công ty. Đó là Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Canada, Brazil, Aghentina, Đức, Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Na Uy, Thụy Điển, Áo, Bỉ, Hà Lan, Italy, Đan Mạch, Thụy Sỹ, Hungary, Phần Lan, Trung Quốc... Một doanh nghiệp không lớn, nhưng đã có chỗ đứng chắc chắn và tầm thương mại rộng trên thị trường ngoài nước như vậy, quả là một thành công lớn.
Trong câu chuyện cởi mở, Giám đốc Nguyễn Thị Vinh cũng thẳng thắn chỉ rõ, để tồn tại trong môi trường kinh doanh cạnh tranh không kém phần khốc liệt và để có những sản phẩm đáp ứng được những yêu cầu khắt khe của các đối tác, như Nhật Bản, EU cũng là những thách thức không nhỏ.
Trả lời câu hỏi “khốc liệt là vậy, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ bán ra nước ngoài lợi nhuận thấp mà rủi ro không ít, nhưng sao bà lại say mê, gắn bó không mệt mỏi?”, bà mỉm cười, tâm sự: “Sức hút kỳ lạ của cái nghề này chính là sự hóa thân, thổi hồn vào những nguyên liệu bình thường, dân dã, thậm những thứ chỉ là rác thải bỏ đi như bèo tây, bẹ chuối, đay, bẹ ngô... chắp cánh và thăng hoa trở thành những chiếc làn, chiếc túi, chiếc mũ xinh xắn, hữu ích với cuộc sống người dân nhiều nước trên thế giới. Đôi bàn tay của người thợ như có phép thần, biến những nguyên liệu thô tháp ấy thành những sản phẩm xuất khẩu, đất nước thêm ngoại tệ, doanh nghiệp phát triển, người lao động có việc làm, thu nhập, mà môi trường lại xanh, sạch đẹp”.
Một sức hút rất lớn nữa là Công ty Tiến Thành đã tạo việc làm cho nhiều ngàn lao động, chủ yếu là những người nông dân thời điểm nông nhàn ở các làng nghề, ở các miền quê. Giám đốc Vinh còn cho biết, nhìn những gương mặt vui tươi phấn khởi của những người thợ thủ công khi giao hàng và nhận khoản tiền công lao động, thì bao khó khăn thách thức nghiệt ngã, dù vất vả lặn lội trời Âu, trời Á cũng qua đi hết. Chị thấy mình đang gián tiếp góp phần vào công cuộc giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới.
Và như ở phần đầu câu chuyện đã kể, Giám đốc Nguyễn Thị Vinh hầu như không xuất hiện trước báo chí, truyền hình, nhưng những dịp ủng hộ quà Tết cho người nghèo, tặng quà các gia đình thương binh liệt sỹ, các nạn nhân chất độc da cam, trẻ em khuyết tật, thì bận mấy chị cũng có mặt. Vì thế, Công ty Tiến Thành luôn trong top doanh nghiệp Thái Bình tích cực làm việc thiện.
Còn khi được hỏi trong những năm qua, khủng hoảng, suy giảm kinh tế thế giới đã ảnh hưởng nặng nề đến hầu hết các nước, thị trường chính như Mỹ, EU, nhưng Tiến Thành vẫn đúng với tên gọi, vẫn tiến lên, vẫn giữ vững, phát triển và gặt hái thành công, Giám đốc Nguyễn Thị Vinh đã cho biết, Ban giám đốc Công ty đã có chính sách tập trung vào các mặt hàng thế mạnh, ưu tiên cắt giảm chi phí để có giá thành hợp lý, duy trì khách hàng truyền thống; hàng năm duy trì hoạt động tham gia các hội chợ ở các thị trường lớn như Đức, Hồng Kông, Nhật Bản..., thu hút khách hàng mới và quảng bá các sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Việt Nam ra thị trường quốc tế.
End of content
Không có tin nào tiếp theo