Doanh nhân

Mỗi năm chi 200.000 tỷ đồng ngân sách mua sắm ô tô, máy tính, máy in, photocopy...

Ông Nguyễn Tân Thịnh, Phó cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính), cho biết, ước tính, mỗi năm nguồn lực chi ngân sách cho mua sắm tập trung lên tới 200.000 tỉ đồng...

Đó là con số được ông Nguyễn Tân Thịnh, Phó cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính), cho biết tại cuộc họp báo chuyên đề về mua sắm tài sản tập trung diễn ra hôm qua ngày 28/4.

Theo ông Thịnh, hiện nay, việc mua sắm công chủ yếu được thực hiện bằng hình thức phân tán, nhỏ lẻ với hơn 100.000 đầu mối.

Tuy nhiên, do thực hiện một quy trình đấu thầu mua sắm cùng với một số loại tài sản như nhau dẫn đến gây lãng phí, thất thoát và tham nhũng.

Chính vì vậy, cơ chế mua sắm tài sản nhà nước theo phương thức tập trung sẽ giúp khắc phục tiêu cực trong hoạt động mua sắm công, đảm bảo công khai, minh bạch, kể cả việc công khai hóa các khoản hoa hồng từ mua sắm.

Ngân sách chi mua tài sản công

(Ảnh minh họa)

Theo đó, mua sắm theo phương thức tập trung được quy gọn lại thành một số đầu mối bao gồm: đơn vị mua sắm tập trung tài sản quốc gia; đơn vị mua sắm thuốc tập trung quốc gia và các đơn vị mua sắm tập trung của bộ, ngành, tỉnh, thành.

Nội dung công khai trong mua sắm tập trung bao gồm cả số lượng, chủng loại, đơn giá tài sản mua sắm, nguồn vốn mua sắm, hình thức mua sắm, nhà thầu cung cấp tài sản; các khoản hoa hồng, chiết khấu, khuyến mãi (nếu có) khi thực hiện mua sắm.

Theo tính toán phương thức này sẽ giảm chi phí khoảng 10-17% so với phương thức mua sắm riêng lẻ áp dụng trước đó.

Với nguồn lực chi ngân sách cho mua sắm tập trung ước tính khoảng 200.000 tỷ đồng mỗi năm, con số tiết kiệm được dao động từ 20.000 - 27.000 tỉ đồng.

Theo ông Thịnh, hiện Bộ Tài chính đang dự kiến trước mắt trình Thủ tướng 4 mặt hàng ô tô, máy photocopy, máy tính và máy in để mua sắm theo phương thức tập trung.

Riêng ô tô là mặt hàng sử dụng phổ biến có tiêu chuẩn, định mức rõ ràng được xã hội quan tâm sẽ thực hiện mua sắm tập trung cấp quốc gia.

Qua quá trình triển khai thực hiện rút kinh nghiệm và bổ sung thêm các mặt hàng mới phù hợp với thực tế của đất nước tại từng thời kỳ.

Tổng hợp theo Cafebiz/Trí Thức Trẻ

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo