Phân tích

Mỗi năm chi 200 nghìn tỷ mua sắm tập trung tài sản công

(DNVN) - Đây là số liệu được ông Phó Cục trưởng Cục Quản lý công sản Nguyễn Tân Thịnh đưa ra tại buổi họp báo chuyên đề thông tin về mua sắm tập trung tài sản công được Bộ Tài chính tổ chức chiều ngày 28/4/2016.

Theo đó, tại buổi họp báo Phó Cục trưởng Cục Quản lý công sản Nguyễn Tân Thịnh cho biết, mua sắm tập trung là phương thức mới trong mua sắm tài sản công và đã được thực hiện tại nhiều nước. 

Theo quy định hiện hành, điều kiện tài sản được đưa vào danh mục tài sản mua sắm tập trung là các tài sản mua sắm với số lượng lớn hoặc chủng loại hàng hóa, dịch vụ được sử dụng phổ biến tại nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị; tài sản có yêu cầu tính đồng bộ, hiện đại; tài sản thuộc danh mục mua sắm tập trung cấp Bộ, cơ quan trung ương địa phương không được trùng lắp với Danh mục tài sản mua sắm tập trung quốc gia do Bộ Tài chính và Bộ Y tế ban hành và công bố. Cách thức thực hiện mua sắm tập trung được thực hiện theo 2 cách là ký thỏa thuận khung và ký hợp đồng trực tiếp. Bên cạnh đó, cần phải công khai về nhu cầu mua sắm; kế hoạch lựa chọn nhà thầu; kết quả mua sắm...

Ảnh minh họa.

Ông Tân Thịnh cũng cho biết, về tình hình triển khai thực hiện mua sắm tập trung cấp quốc gia, theo đó, Bộ Tài chính đã ban hành Danh mục tài sản mua sắm tập trung cấp quốc gia (trừ thuốc) bao gồm: Xe ô tô phục vụ công tác cho các chức danh theo quy định của Thủ tướng Chính phủ (trừ xe ô tô phục vụ công tác cho các chức danh lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước); Xe ô tô phục vụ công tác chung tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị; Xe ô tô chuyên dùng tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị (trừ xe ô tô chuyên dùng có gắn kèm trang thiết bị chuyên dùng, xe ô tô có cấu tạo đặc biệt theo yêu cầu chuyên môn nghiệp vụ, xe ô tô chuyên dùng tại đơn vị vũ trang nhân dân).

Hiện, Bộ Tài chính đang xem xét, giao nhiệm vụ tổ chức thực hiện nhiệm vụ mua sắm tài sản thuộc danh mục mua sắm tập trung cấp quốc gia (trừ thuốc). Đồng thời Bộ Tài chính có văn bản đề nghị các Bộ, ngành, địa phương tổng hợp nhu cầu mua sắm tài sản tập trung cấp quốc gia của Bộ, ngành TW, địa phương về Bộ Tài chính trước ngày 30/5/2016.

Về mua sắm tập trung cấp Bộ, ngành TW, địa phương, Bộ Tài chính đã có Văn bản đề nghị các Bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện một số nội dung sau: Công bố danh mục tài sản mua sắm tập trung của Bộ, ngành, địa phương; Quyết định đơn vị mua sắm tập trung của Bộ, ngành, địa phương; Tổng hợp nhu cầu mua sắm tập trung cấp quốc gia của Bộ, ngành, địa phương.

Qua đó, các Bộ, ngành, địa phương đang triển khai thực hiện việc xây dựng danh mục tài sản mua sắm tập trung của Bộ, ngành, địa phương; giao nhiệm vụ mua sắm tập trung cho các đơn vị, tổ chức, cơ quan có chức năng quản lý về tài sản, tài chính, y tế thực hiện mua sắm tài sản tập trung tại Bộ, ngành, địa phương. 

Theo ông Thịnh, việc mua sắm TSNN tập trung sẽ mang lại một số kết quả tích cực như tiết kiệm chi phí mua sắm công. Bởi, mua sắm với số lượng lớn giá mua sẽ giảm; Giảm đầu mối thực hiện mua sắm do khi thực hiện mua sắm tập trung thì chỉ thực hiện một hoặc một số cuộc đấu thầu trong năm cho mỗi loại mặt hàng. 

 

"So với phương thức mua sắm cũ thì dự kiến sẽ tiết kiệm được 10%-17% tổng giá trị tài sản mua sắm; ước tính, mỗi năm nguồn lực chi ngân sách cho mua sắm tập trung lên tới 200.000 tỷ đồng. Như vậy, con số tiết kiệm được dao động từ 20.000 - 27.000 tỷ đồng mỗi năm", ông Thịnh cho biết.

Cũng theo ông Thịnh, việc thực hiện mua sắm tập trung sẽ khắc phục được tình trạng mua sắm vượt tiêu chuẩn, định mức, vượt nhu cầu thực tế và mua sắm xa xỉ, không hiệu quả; Hạn chế tiêu cực, sai phạm trong việc mua sắm công do việc thực hiện mua sắm được chuyên nghiệp hóa, công khai, minh bạch. Khi phương thức mua sắm tập trung đi vào vận hành một cách chuyên nghiệp sẽ giảm bộ máy và biên chế trong mua sắm công.

Nên đọc
Hòa Lộc
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo