Doanh nhân

Một cánh én không làm nên mùa xuân

Vào cuộc từ lâu, nhưng du lịch Việt Nam vẫn chưa phải là “mũi nhọn” của nền kinh tế.

 

Bà Sim Tran GĐ Sales & Marketing -Victoria Hotels & Resorts

Tới dự Hội chợ Du lịch quốc tế tổ chức thường niên tại CHLB Đức (ITB 2014), tôi rất băn khoăn về hình ảnh du lịch Việt Nam ở nước ngoài. Tôi không ngạc nhiên khi thấy các hãng du lịch của các quốc gia khác xuất hiện một cách có chuẩn bị và vô cùng chuyên nghiệp. Họ hiện diện trong một đội hình mang màu cờ của quốc gia. Trong khi đó, nhìn lại các doanh nghiệp Việt Nam tham dự ITB, tôi thực sự thấy các doanh nghiệp quá đơn độc, trơ trọi và phải “tự bơi” trong đại dương mênh mông. Những cái tên như: Vietnam Airlines, Thiên Minh Group, Sofitel… với từng gian hàng đứng lẻ loi trong hội chợ. Số lượng doanh nghiệp đã hạn chế, lại còn manh mún khiến cho hình ảnh du lịch Việt Nam càng khó nhận diện trong mắt khách hàng quốc tế. Làm du lịch đến năm 2014 mà Việt Nam vẫn cứ “mạnh ai người nấy làm”, như vậy thì thử hỏi làm sao du lịch Việt Nam có thể tỏa sáng được trước biết bao đối thủ cạnh tranh?

Tại ITB 2014, Tập đoàn Thiên Minh tham gia giới thiệu những cảnh quan đẹp nhất của Việt Nam như: Châu Đốc, Cần Thơ, Phan Thiết, Hội An, Sapa… với các địa danh lịch sử, văn hóa, thắng cảnh thiên nhiên cho du khách nước ngoài. Bên cạnh những điểm du lịch hấp dẫn của Việt Nam, chúng tôi cũng muốn giới thiệu chuỗi hệ thống các resort, khách sạn độc đáo của Victoria nối liền cung đường du lịch Đông Dương để khách có nhiều lựa chọn cho cả hành trình du lịch Việt Nam – Lào – Campuchia. Có nhiều khách hàng bày tỏ sự trầm trồ, thích thú với những tour, tuyến du lịch Việt Nam. Tuy nhiên họ cũng có nhiều sự lựa chọn khác vì các quốc gia châu Á cũng hấp dẫn và còn vượt trội hơn bởi khả năng tiếp thị mạnh mẽ, hiệu quả.

Tôi thử làm một “nghiên cứu bỏ túi” với du khách đến hội chợ khi hỏi họ về ý định đi du lịch sắp tới. Đáng buồn là khách quốc tế biết rất ít về Việt Nam, ngoại trừ những khách lớn tuổi từng biết Việt Nam qua chiến tranh, những ký ức xưa, muốn tìm về kỷ niệm cũ. Còn những khách hàng trẻ tuổi, hầu như họ thấy cái tên Việt Nam quá mới mẻ. Khách quốc tế cũng chưa xem Việt Nam là điểm đến ưu tiên trong danh sách mà họ muốn khám phá. Chưa nói đến các nước Âu, Mỹ vốn đã quá phát triển để thu hút du lịch, ngay tại châu Á, ưu tiên của du khách quốc tế vẫn là Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kông, Thái Lan, Malaysia, Singapore…

Với “Vẻ đẹp tiềm ẩn”, tôi bất chợt liên tưởng Việt Nam giống như một công chúa ngủ trong rừng, còn hoàng tử thì vẫn mải bận rộn đi tìm hoa thơm, cỏ lạ… Chỉ cần nhìn sang các nước Đông Nam Á thôi, Malaysia, Thái Lan, Singapore, Indonesia, Campuchia… sự xuất hiện của họ với các thông điệp du lịch rõ ràng, cách tiếp thị khôn khéo đã là một bước khởi đầu tốt để hấp dẫn du khách đến với đất nước của họ. Tôi tự hỏi tại sao với tiềm năng du lịch tốt, Việt Nam không có một tập hợp các doanh nghiệp trong ngành để cùng quảng bá du lịch một cách chuyên nghiệp như những nước láng giềng đang làm?

Ai cũng biết, đến hội chợ quốc tế không phải là để quảng bá riêng cho một doanh nghiệp nào mà là đến với một tâm thế, hình ảnh của cả một quốc gia thì mới mong khách quốc tế biết đến Việt Nam nhiều hơn. “Một cánh én không thể làm nên một mùa xuân”. Rất cần một “nhạc trưởng” thì ngành du lịch Việt Nam mới hy vọng cất cánh được.

 

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo